Để bảo đảm cung cấp nước dùng trong ăn uống và sinh hoạt đạt chất lượng đến người dân, thời gian qua các ngành chức năng, các địa phương đã thường xuyên tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng nước theo quy định.
|
Công nhân nhà máy nước Nam Hoa (Nam Trực) kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng nước. |
Qua công tác kiểm tra của Sở TN và MT tại Nhà máy nước sạch và môi trường Sông Đào, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) cho thấy, quá trình hoạt động của nhà máy còn một số tồn tại như: Nhà máy đã được cấp giấy phép khai thác nước mặt số 129/QĐ-STNMT từ 7-2-2007 với công suất tối đa 700 m
3/ngày đêm nhưng giấy phép khai thác đã hết hạn từ năm 2011. Từ năm 2012 đến nay, nhà máy đã nâng cấp công suất lên 2.400 đến 2.600 m
3/ngày đêm (đã tăng công suất thêm 1.700-1.900 m
3/ngày đêm) nhưng chưa lập báo cáo kế hoạch BVMT và chưa lập hồ sơ xin cấp lại giấy phép. Nhà máy chưa thực hiện việc thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả vào nguồn nước tiếp nhận; chưa thực hiện việc báo cáo hoạt động khai thác, sử dụng nước về Sở TN và MT 2 lần/năm theo quy định; chưa thực hiện việc quan trắc giám sát môi trường định kỳ theo quy định... Trước những tồn tại kể trên, Sở TN và MT yêu cầu đơn vị phải hoàn thành việc lập hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác sử dụng nước mặt trước ngày 30-9-2015. Phối hợp với Trung tâm nước sạch và VSMT nông thôn thực hiện chế độ giám sát chất lượng nước theo đúng Quy chuẩn hiện hành. Thực hiện việc thu gom, xử lý nước thải trước khi xả vào nguồn nước tiếp nhận theo quy định. Lập kế hoạch BVMT; Thực hiện việc quan trắc môi trường định kỳ và chế độ báo cáo theo quy định. Tại huyện Trực Ninh thực hiện chương trình tăng cường kiểm tra, giám sát việc cung cấp nước sinh hoạt đảm bảo chất lượng, Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành kiểm tra, giám sát thực tế các cơ sở cấp nước trên địa bàn huyện. Kết quả kiểm tra, giám sát 3 Nhà máy nước: xã Trực Chính, Thị trấn Cổ Lễ, xã Trực Nội cho thấy: đã cơ bản bảo đảm các chỉ tiêu về chất lượng nước trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cung cấp nước sạch sinh hoạt tập trung theo đúng quy định. Các nhà máy nước khác gồm: Nhà máy nước Trung Lao (Trung Đông), Tân Long (Trung Đông), Nhà máy nước xã Liêm Hải chưa đạt tiêu chuẩn về một số chỉ tiêu, còn để dư lượng Clo cao hơn so với quy định. Công tác vệ sinh đầu nguồn của các nhà máy nước Trực Chính, Tân Long, Trung Lao, Trực Nội chưa đảm bảo; không có biển báo và rào chắn theo quy định. Trung tâm Y tế huyện Trực Ninh đề nghị UBND các xã, thị trấn, các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở thực hiện nghiêm túc quy tắc, quy chế của các nhà máy nước sạch đã quy định. Các nhà máy nước cần tuân thủ đúng quy trình sản xuất, đặc biệt chú ý đảm bảo sử dụng đúng hàm lượng hóa chất khử khuẩn, bảo dưỡng thiết bị máy móc thường xuyên, vệ sinh khu vực nhà máy, đầu nguồn, đảm bảo duy trì, nâng cao chất lượng nước sinh hoạt.
Ngoài ra, các ngành Y tế, Xây dựng, TN và MT, NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan thường xuyên phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, vi phạm của các đơn vị sản xuất cung cấp nước sạch sinh hoạt. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, các ngành chức năng, các địa phương còn kết hợp tuyên truyền, vận động các đơn vị cấp nước sinh hoạt, tăng cường các biện pháp đảm bảo chất lượng nước, bảo vệ hệ thống đường ống cấp nước; thực hiện các chế độ tự kiểm tra, xét nghiệm chất lượng nước định kỳ… Nhờ đó, các đơn vị cấp nước tập trung đã có sự chuyển biến tích cực, nghiêm túc thực hiện chế độ tự kiểm tra chất lượng nước theo quy định. Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định hiện có 4 nhà máy cung cấp nước sạch cho hơn 105.600 hộ dân tại Thành phố Nam Định, Thị trấn Gôi, Thị trấn Lâm, Thị trấn Cổ Lễ và các khu dân cư xung quanh với sản lượng nước đạt 20,8 triệu m
3/năm. Cty đã thành lập Ban cấp nước an toàn, xây dựng kế hoạch cấp nước, yêu cầu các phòng, ban phối hợp với các đơn vị: Xí nghiệp sản xuất nước, Xí nghiệp kinh doanh nước sạch chống thất thoát nước; tổ chức kiểm tra, theo dõi thực trạng cấp nước, các thông tin phản hồi của khách hàng để có kế hoạch cấp nước phù hợp; kịp thời điều chỉnh phương án cấp nước đảm bảo đủ về lưu lượng và áp lực. Cty còn chủ động xây dựng kế hoạch dự phòng và triển khai hiệu quả biện pháp chống nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ở tất cả các điểm lấy nước đầu vào nhằm cung cấp đủ lượng nước đạt chuẩn về chất lượng đến người tiêu dùng. Cụ thể, tại nguồn nước sông Đào địa phận Thành phố Nam Định khi 2 trạm bơm nước thải Kênh Gia và Quán Chuột đi vào hoạt động, Cty đã chủ động đầu tư, bổ sung hệ thống bể lọc xử lý hữu cơ tại khu vực huyện Vụ Bản đề phòng nguồn nước từ sông Sắt có nguy cơ bị ô nhiễm hữu cơ. Tại địa phận huyện Trực Ninh, Cty xây dựng phương án thay thế một số nhà máy cấp nước của huyện sử dụng nguồn nước sông tưới tiêu hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cty tập trung kiểm tra, theo dõi chặt chẽ mọi biến động của các nguồn nước, hệ thống công trình xử lý và mạng lưới đường ống để có giải pháp khắc phục kịp thời nếu xảy ra sự cố. Ngoài ra, Cty chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn kỹ thuật và thi công xây dựng phương án dịch chuyển, bảo vệ đường ống trong trường hợp phải dịch chuyển phục vụ thi công các công trình giao thông. Để đảm bảo chất lượng nước cung cấp đến khách hàng của 15 công trình cấp nước tập trung tại 57 xã, thị trấn do Cty CP Nước sạch và VSMT quản lý, Cty duy trì nghiêm công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ chất lượng nước, đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định, đồng thời phân công cán bộ thường trực 24h trong ngày, thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân về sự cố đường nước để xử lý, khắc phục kịp thời. Hiện Cty đã tiến hành thử nghiệm lắp đặt hệ thống giám sát SCADA tại 3 nhà máy nước Giao Thủy, Nghĩa An, Liên Bảo để kiểm soát lưu lượng, áp lực nước tại điểm đầu và điểm cuối ở mỗi địa bàn và sẽ từng bước tiến tới áp dụng giám sát các chỉ tiêu về độ pH, độ đục của nước từ nhà máy đến các hộ dân./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy