Xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) từ lâu được nhiều người biết đến là vùng đất có nhiều nghề truyền thống. Xa xưa, người các thôn Đoài, Kim đã chăm chỉ vượt ao đồng để hình thành nên những vùng nuôi trồng thủy sản, nuôi cá cảnh mênh mông. Người các thôn Nội, Sắc thì miệt mài ngày đêm làm bông dệt vải... Nghề cha ông để lại đã giúp các thế hệ con cháu Mỹ Thắng hôm nay “sống nhàn, sống khoẻ”. Đặc biệt, lớp trẻ có nhiều người tâm huyết gắn bó và giàu lên với nghề cha truyền con nối. Anh Trần Ngọc Đoài, xóm 7, chủ xưởng may mặc là một trong những người trẻ như vậy.
Anh Trần Ngọc Đoài, xóm 7, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) hướng dẫn thợ may quần áo. |
Sinh ra và lớn lên tại làng Sắc, ngay từ tuổi ấu thơ, anh Đoài đã quá quen với những tiếng bật bông, đường kim mũi chỉ. Cũng như nhiều đứa trẻ trong làng, anh Đoài bắt đầu cầm kim khâu bắt chước người lớn may quần áo từ lúc còn chưa thuộc hết mặt chữ. Từ làng Sắc nhiều năm trước các sản phẩm như chăn, gối, đệm theo chân thương lái các tỉnh, thành phố tỏa đi cả nước. Những năm gần đây, để phù hợp với nhu cầu thị trường, làng Sắc quê anh, nhiều hộ gia đình chuyển qua may quần áo. Gia đình anh Đoài cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, anh Đoài lại không “khởi đầu nan” từ nghề cha mẹ để cho. Năm 2005, tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp, anh Đoài bắt tay vào mở một cửa hàng in nhỏ, do học được nghề từ một người bạn ở Thành phố Nam Định. Anh quyết tâm mở cửa hàng in cũng bởi khi đó cả Mỹ Thắng chưa có ai nghĩ đến dịch vụ kinh doanh này. Anh in các loại thiếp mời đám cưới, sinh nhật, hóa đơn thanh toán… Cửa hàng in của anh làm ăn phát đạt được 3 năm thì chững lại do trên địa bàn xã nhiều người đổ xô vào in ấn. Không nản lòng, anh Đoài tìm cách xoay xở chuyển hướng kinh doanh. Năm 2014, anh Đoài “tổng động viên” vốn liếng trong nhà kết hợp vay thêm bạn bè anh em được khoảng 150 triệu đồng mở xưởng may mặc. Anh chia sẻ: “Buổi đầu đứng ra tự chủ cũng gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất cho thanh niên chúng tôi khi muốn khởi nghiệp là tìm nguồn vốn. Để mở một xưởng may nho nhỏ, vợ chồng tôi phải chạy vạy vất vả ngược xuôi lo tiền. Ban đầu tôi chỉ đủ vốn để mua 5 máy may công nghiệp, làm thủ công là chủ yếu nên cũng vất vả. Tuy nhiên, vốn dĩ xuất thân từ gia đình nông dân chân lấm tay bùn, quen với cái khổ nên mọi khó khăn tôi đều cố gắng để vượt qua. Sau vốn thì đầu ra cho sản phẩm cũng là một bài toán hóc búa. Nếu không tìm được đầu ra thì coi như sản xuất bằng không”. Để đi tìm nguồn hàng tiêu thụ, anh Đoài nhớ lại những ngày đầu bước ra thương trường: “Vợ chồng tôi mang quần áo đi chào bán khắp mọi nơi, từ các chợ trên địa bàn Thành phố Nam Định đến các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Yên Bái… Ở đâu có chợ vải là chúng tôi đến, vừa chào hàng vừa cam kết sản phẩm”. Nhờ nhanh nhạy trong việc “tiếp thị” sản phẩm, xưởng may của anh đã dần dần có được lượng khách quen cố định. Tuy nhiên cũng theo anh Đoài, yếu tố quyết định việc giữ được khách lâu hay không phải do chất lượng và giá cả sản phẩm phù hợp: “Ngoài chọn những loại vải tốt để may, trực tiếp tham gia vào việc may mặc, phần để quản lý thợ, phần đảm bảo chất lượng hàng, vợ chồng tôi còn rất chịu khó học hỏi các mẫu mã quần áo mới. Tôi thường xuyên lên mạng, đọc báo tìm hiểu về những xu hướng quần áo, màu sắc hợp thời trang áp dụng cho sản phẩm của xưởng. Ngoài ra, còn phải học thêm từ bạn bè, anh em, thậm chí đi ngoài đường nhìn thấy bạn trẻ nào mặc mẫu quần áo gì bắt mắt tôi đều cố gắng ghi nhớ để về nhà thiết kế mẫu cho thợ làm theo”. Ngoài ra, anh Đoài còn khá “nhạy” trong việc chuyển hướng kinh doanh may mặc theo mùa. Mỗi một mùa, anh lại định hướng cho xưởng chuyên về các sản phẩm áo quần khác nhau. Mùa hè, anh tập trung may các loại bộ đồ mặc ở nhà, quần đùi, quần soóc… Mùa đông anh may các bộ đồ thể thao, đồ ngủ các loại. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, quần áo từ xưởng may của anh Đoài giờ đã có khách quen ở hầu hết các tỉnh, thành phố phía Bắc, thậm chí vào tận Quảng Bình, Quảng Trị. Trung bình một năm anh có thể xuất bán 15-20 nghìn sản phẩm. Có những ngày, anh Đoài nhận được những đơn hàng lớn tới 3.000 sản phẩm. Năm 2014, anh thu về khoảng 2 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí, số lãi anh thu được là gần 200 triệu đồng. Có tiền, anh Đoài tiếp tục “tái đầu tư” sản xuất cho xưởng, sắm thêm máy may công nghiệp, thuê thêm thợ, mua thêm máy cắt, bàn cắt của Nhật để nâng cao chất lượng sản phẩm. Xưởng may của anh có thể hoàn thiện mọi công đoạn từ tạo mẫu, cắt vải, may đến đóng gói sản phẩm. Hiện, xưởng có 6 máy may, 1 máy cắt, 1 bàn cắt, tạo việc làm cho 8 lao động với mức lương từ 3,2-4 triệu đồng/người/tháng. Lực lượng nhân công làm việc cho anh chủ yếu là thanh niên, những người còn rất trẻ. Anh Đoài chia sẻ: “Mình cũng đã từng có thời gian rất khó khăn, cũng phải chạy vạy khắp nơi để kiếm sống. Tuổi trẻ muốn khởi nghiệp đâu có dễ, vì vậy, khi nhìn thấy những thanh niên khác chưa có công ăn việc làm ổn định, mình muốn tạo việc làm cho họ. Trước hết là để họ có thể học được cái nghề, mai sau nếu không làm cho xưởng nữa thì cũng thạo nghề, dễ xin việc. Sau là giúp họ kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”. Chia sẻ với chúng tôi về dự định trong thời gian tới anh Đoài cho biết: “Trước mắt, tôi muốn mở rộng kho hàng của xưởng nhưng hiện đang gặp khó khăn vì mặt bằng quá hẹp. Đây không chỉ là khó khăn của riêng cá nhân tôi mà của chung nhiều thanh niên làm nghề may mặc trong xã. Đất làng nghề “tấc đất tấc vàng” trong khi nguồn vốn khởi nghiệp của đa phần thanh niên còn hạn hẹp”.
Không chỉ là một thanh niên năng động, nhanh nhạy trong làm ăn kinh tế, anh Đoài còn là một cán bộ Đoàn nhiệt huyết. Tính đến thời điểm hiện tại, anh Trần Ngọc Đoài đã có “thâm niên” gần 15 năm gắn bó với công tác Đoàn. Năng nổ, nhiệt tình với các hoạt động, phong trào của Đoàn, anh được đoàn viên trong xã yêu mến, tín nhiệm. Từ năm 2010, anh được bầu là Phó Bí thư Đoàn xã rồi Bí thư chi bộ thôn 7. Hiện, anh còn kiêm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thắng. Ở cương vị nào anh cũng đều tâm niệm, đã nhận nhiệm vụ thì phải cố gắng hoàn thành, không được nề hà trong bất kỳ công việc, nhiệm vụ nào, chỉ có tinh thần chịu khó học hỏi thì bản thân mới nhanh tiến bộ.
Mạnh dạn, năng động, dám nghĩ, dám làm từ nghề truyền thống của cha ông, anh Đoài cũng như nhiều thanh niên Mỹ Thắng khác đang tự khẳng định mình qua hiệu quả sản xuất, kinh doanh, công việc. Làm giàu được trên chính mảnh đất quê hương đã khó, làm giàu từ những nghề truyền thống trong bối cảnh hiện nay càng không dễ dàng gì. Vì vậy, mô hình kinh tế gia đình của anh Trần Ngọc Đoài đã góp phần phát triển và “giữ lửa” làng nghề của địa phương, lưu giữ những giá trị vật chất, tinh thần quý giá của những nghề truyền thống./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân