Tăng cường quản lý Nhà nước về lao động tại các khu công nghiệp

07:07, 16/07/2015

Đến nay, toàn tỉnh có 3 KCN được thành lập và đi vào hoạt động, gồm: KCN Hòa Xá (TP Nam Định), KCN Mỹ Trung (Mỹ Lộc) và KCN Bảo Minh (Vụ Bản), với tổng diện tích 601,85ha, thu hút 157 dự án đầu tư, trong đó có 138 dự án đã đi vào sản xuất, kinh doanh. Hiện các doanh nghiệp ở các KCN đang sử dụng khoảng 30 nghìn lao động, trong đó lao động nữ chiếm 63,25%.

Cty TNHH Sunrise Spinning (KCN Bảo Minh - Vụ Bản) chuyên sản xuất sợi công nghiệp, tạo việc làm cho trên 400 lao động. Cty luôn thực hiện tốt các quy định pháp luật về lao động.
Cty TNHH Sunrise Spinning (KCN Bảo Minh - Vụ Bản) chuyên sản xuất sợi công nghiệp, tạo việc làm cho trên 400 lao động. Cty luôn thực hiện tốt các quy định pháp luật về lao động.

Để thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về lao động, Ban Quản lý các KCN tỉnh chủ động phối hợp với Sở LĐ-TB và XH, BHXH tỉnh, LĐLĐ tỉnh tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức thực hiện pháp luật về lao động của người lao động cũng như người sử dụng lao động, giúp người lao động bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp. Đồng thời tổ chức phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lao động, tiền lương, BHXH, BHYT và các vấn đề liên quan đến quyền lợi người lao động. Ban Quản lý các KCN tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, chế độ tiền lương, tiền công, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, xây dựng và thực hiện nội quy lao động, công tác ATLĐ-PCCN, việc thực hiện Luật BHXH, thành lập tổ chức công đoàn… Ban Quản lý các KCN cử cán bộ thường xuyên đến các doanh nghiệp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về pháp luật lao động; tiếp xúc với người lao động và người sử dụng lao động, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của họ và tư vấn để các bên trong quan hệ lao động thực hiện đúng luật, bảo đảm hài hòa quyền lợi. Mặt khác, qua các cuộc tiếp xúc, Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng nắm bắt được những mâu thuẫn có thể phát sinh, từ đó đề ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời. Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp từ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đến công tác giám sát việc thực thi pháp luật về lao động tại doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết các doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, tiền lương, BHXH đối với người lao động. Theo thống kê của Ban Quản lý các KCN tỉnh, trong tổng số 30 nghìn lao động, tỷ lệ người lao động đã được ký kết hợp đồng lao động chiếm 97,8%, chủ yếu hợp đồng từ 12 tháng đến 36 tháng; 81% số lao động được tham gia BHXH. Hầu hết các doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn mức tối thiểu vùng theo quy định của Nhà nước và thực hiện chế độ bồi dưỡng cho người lao động làm tăng ca, thêm giờ đầy đủ, kịp thời. Có 58 doanh nghiệp (chiếm 49% tổng số doanh nghiệp) đã xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương, xây dựng định mức lao động, đơn giá tiền lương, quy chế trả lương, tiền thưởng và đăng ký với cơ quan chức năng; 70 doanh nghiệp đăng ký nội quy lao động, (chiếm 59,3%). Đã có 72 doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của người lao động. 100% doanh nghiệp đảm bảo thời gian làm việc tiêu chuẩn 8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần; bố trí đủ ngày nghỉ hằng tuần cho người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 3,5-3,8 triệu đồng/tháng. Phần lớn các doanh nghiệp thực hiện tương đối tốt về công tác ATVSLĐ như: có cán bộ được phân công thực hiện công tác ATVSLĐ, thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên, ban hành kế hoạch bảo hộ lao động, lập sổ theo dõi cấp phương tiện bảo hộ cá nhân, đầu tư, lắp đặt hệ thống chống nóng cho xưởng sản xuất, huấn luyện công tác ATVSLĐ cho người lao động, niêm yết nội quy vận hành ATLĐ, định kỳ kiểm định máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, thực hiện đo kiểm môi trường lao động, che chắn thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, thực hiện tốt việc khám sức khoẻ định kỳ đối với người lao động, có chế độ phụ cấp cho lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước về lao động ở các KCN vẫn còn một số khó khăn: Một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về lao động như chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, chưa xây dựng và đăng ký nội quy lao động… Hiện nay mức thu nhập bình quân của người lao động còn thấp, đời sống nhiều người lao động khó khăn; đời sống tinh thần của người lao động ở trọ còn nghèo nàn; một bộ phận người lao động thường xuyên “nhảy việc”; nguy cơ tranh chấp lao động về lợi ích vẫn còn xảy ra. Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ do UBND tỉnh ủy quyền như: Nhận các báo cáo về việc cho thôi việc nhiều lao động của các doanh nghiệp; việc cho thuê lại lao động của doanh nghiệp trong KCN; kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động hằng năm của doanh nghiệp; tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể, đăng ký nội quy lao động của doanh nghiệp; tiếp nhận báo cáo giải trình của doanh nghiệp về nhu cầu sử dụng người nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được để trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định, đầu tháng 6-2015, Sở LĐ-TB và XH, UBND Thành phố Nam Định và các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản đã tổ chức ký văn bản ủy quyền cho Ban Quản lý các KCN tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lao động trong các KCN. Theo đó, Sở LĐ-TB và XH ủy quyền cho Ban Quản lý các KCN tỉnh thực hiện các nhiệm vụ: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký thực hiện hợp đồng lao động thực tập của doanh nghiệp trong KCN hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề có thời gian dưới 90 ngày. Tiếp nhận khai trình việc sử dụng lao động, báo cáo tình hình thay đổi về lao động của các doanh nghiệp trong KCN. Nhận thông báo về địa điểm, địa bàn, thời gian bắt đầu hoạt động và người quản lý, người giữ chức danh chủ chốt của doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp trong KCN. Xác nhận người lao động nước ngoài làm việc cho các doanh nghiệp trong KCN không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Nhận thông báo doanh nghiệp trong các KCN về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm. UBND Thành phố Nam Định và các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản ủy quyền cho Ban Quản lý các KCN tỉnh thực hiện tiếp nhận hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lao động của doanh nghiệp trong các KCN. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý các KCN tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các chủ thể tham gia lao động trong các KCN thực hiện các quy định của pháp luật về lao động; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở về chính sách pháp luật, kỹ năng tham gia xây dựng thoả ước lao động tập thể, nội quy, định mức lao động, thang lương, bảng lương; triển khai thực hiện dân chủ tại nơi làm việc theo quy định và thực hiện giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lao động tại đơn vị để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật, chính sách về lao động của các chủ thể tham gia quan hệ lao động, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm theo quy định. Thông tin kịp thời, phối hợp chặt chẽ, tích cực giải quyết khi có trường hợp tranh chấp lao động, đặc biệt là tranh chấp về lợi ích xảy ra tại doanh nghiệp thuộc các KCN./.

Bài và ảnh: Minh Tân



Tổng hợp tin đăng tim viec nhanh mới nhấtTổng hợp tin đăng viẹc làm nhanh mới nhất khu công nghiệp Amata Long Thành đầu tư khu công nghiệp hải phòng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com