Trong điều kiện kinh tế phát triển theo hướng CNH-HĐH, các loại máy, bình nén khí được sử dụng phổ biến trong sản xuất công nghiệp và đời sống dân sinh. Theo quy định tại Nghị định 104/2009 của Chính phủ và Thông tư số 32/2011/TT-BLĐTBXH thì máy nén khí, bình nén khí, bình bơm hơi được xếp thứ 2 trong danh sách 1.783 loại hàng nguy hiểm, chỉ đứng sau Acetylene ở dạng phân rã nên phải thực hiện việc kiểm định kỹ thuật an toàn và kiểm tra nghiêm ngặt trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, vấn đề này chủ yếu được thực hiện tại các doanh nghiệp lớn, còn tại các điểm sửa chữa xe ở địa bàn dân cư thì rất khó kiểm soát; nhiều bình bơm hơi, bình nén khí kém chất lượng vẫn được sử dụng tràn lan trên các con đường, ngõ phố. Đây được ví như những quả bom hơi sẵn sàng phát nổ gây nguy hiểm đến tính mạng con người bất cứ lúc nào. Theo các chuyên gia thì có hai nguyên nhân gây ra hiện tượng nổ bình hơi là do chất lượng vỏ bình và van áp suất. Đối với vỏ bình khí nén do hoạt động thời gian dài không được kiểm định, làm cho độ dày vỏ bị hao mòn, nếu bơm khí vào với áp suất cao sẽ gây nổ. Với các van áp suất nếu khi bơm khí vào bình quy định 10kg nhưng do rơle tự ngắt bị hỏng, dẫn tới quá trình bơm sẽ vượt quá lưu lượng cho phép cũng sẽ làm nổ bình hơi. Bên cạnh đó một nguyên nhân gây nổ khác do người sử dụng không biết kỹ năng bảo quản, sử dụng bình nên không tiến hành xả hơi theo định kỳ 6 tháng/lần khiến cho nước bị đọng lại ở thành vỏ, gây gỉ sét làm vỡ bình hơi. Thời gian gần đây, ở một số tỉnh, thành trên cả nước đã xảy ra một số vụ nổ bình khí nén gây hậu quả nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của không ít người, để lại nhiều đau thương, mất mát cho gia đình và xã hội. Trên địa bàn tỉnh ta mặc dù chưa để xảy ra tai nạn nghiêm trọng nhưng việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc sử dụng bình khí nén, bình bơm hơi còn nhiều bất cập.
Cán bộ Sở KH và CN kiểm tra đồng hồ đo áp lực nồi hơi tại Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh. |
Hầu hết những bình nén khí, bình bơm hơi tại các điểm bơm vá xe, dịch vụ sửa xe... ở cả khu vực nông thôn và trong Thành phố Nam Định không được kiểm định thường xuyên và chưa đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng; lớp sơn bên ngoài bình bong tróc loang lổ, dính đầy dầu mỡ và gỉ sét. Bên cạnh đó, do coi là biểu tượng của công nghệ hiện đại dùng để quảng cáo nên hầu hết các bình hơi này được bày sát mép đường, thường xuyên chịu cảnh “phơi nắng, phơi mưa” trong khi quy định bảo quản phải tránh để dưới ánh nắng trực tiếp và môi trường không quá 30 độ. Bên cạnh đó bản thân người sử dụng cũng không quan tâm đến các điều kiện đảm bảo chất lượng của bình nén khí và điều kiện đảm bảo an toàn lao động đối với người sử dụng. Anh Nguyễn Đình Toàn, chủ cửa hàng sửa chữa xe máy đường Giải Phóng (TP Nam Định) cho biết: Cửa hàng của anh sử dụng bình khí nén để bơm hơi, lắp vòi xì khô hay thổi bụi nhanh những chi tiết máy. Chiếc bình khí anh mua hàng chính hãng do Cty Puma sản xuất, đã sử dụng gần 10 năm mà máy vẫn chạy tốt nên anh hoàn toàn không chú ý đến việc bảo dưỡng định kỳ hay thay thế các chi tiết máy, nếu bình hỏng đến đâu sẽ sửa chữa đến đấy. Suy nghĩ và thói quen sử dụng bình bơm hơi, bình khí nén tùy tiện không chỉ ở gia đình anh Toàn mà còn tồn tại ở hầu hết các cửa hàng sửa chữa xe máy, ô tô khác. Đó là chưa kể đến việc bình nén khí, bình bơm hơi được trao đổi, buôn bán qua nhiều chủ khác nhau với rất nhiều tiểu xảo “mông má”, “lên đời” để che những lỗi cơ bản như vỏ bình cũ, bị va đập, méo mó… Bên cạnh đó, việc quản lý bình khí nén của các cơ quan chức năng cũng chưa thực hiện triệt để, người dân tùy tiện sử dụng thiết bị, thờ ơ với các quy định của pháp luật, các điểm bơm hơi hình thành tự phát, không có giấy phép kinh doanh và luôn di chuyển địa điểm để hành nghề. Chính quyền cũng không nắm rõ quy định về an toàn vận hành thiết bị áp lực cũng như thực trạng các thiết bị sử dụng trên địa bàn… là nguyên nhân khiến nguy cơ phát nổ đối với bình nén khí càng gia tăng.
Để tránh những tai nạn tiềm ẩn do bình nén khí, bình bơm hơi dân dụng, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trách nhiệm, các quy định đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng bình bơm hơi, bình nén khí cho người vận hành thiết bị tại các điểm bơm, vá xe nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Chủ động mở các lớp tập huấn về đảm bảo an toàn thiết bị áp lực cho cán bộ cơ sở ở các xã, phường, thị trấn để nắm rõ những nguy cơ gây nổ và điều kiện an toàn khi vận hành thiết bị này làm cơ sở cho việc điều tra, hướng dẫn cho các hộ sử dụng thiết bị bình nén khí trên địa bàn thực hiện đúng quy định. Đồng thời tăng cường kiểm tra chất lượng các thiết bị áp lực hoạt động trên địa bàn; kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm quy định đảm bảo an toàn thiết bị để tránh gây hậu quả cho cá nhân và cộng đồng xung quanh. Bên cạnh đó, người vận hành thiết bị cũng cần tìm hiểu và nghiêm túc áp dụng cách thức sử dụng các loại bình này một cách an toàn và hiệu quả./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương