Tân Thành phát huy lợi thế thương mại dịch vụ

09:07, 07/07/2015

Là địa bàn giáp ranh với Thành phố Nam Định, những năm gần đây, xã Tân Thành (Vụ Bản) đã tận dụng điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng CN-TTCN và dịch vụ. Đến nay, trên địa bàn xã có  trên 30 Cty ở các lĩnh vực khác nhau, giải quyết việc làm tại chỗ cho khoảng 500 lao động địa phương và là điểm sáng của huyện trong việc tổ chức  chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Nông dân xã Tân Thành chăm bón rau màu.
Nông dân xã Tân Thành chăm bón rau màu.

Đảng ủy xã vận động nhân dân phát huy lợi thế “nhất cận thị, nhị cận giang” phát triển sản xuất nông nghiệp vững chắc làm cơ sở đảm bảo an ninh lương thực và mở rộng dịch vụ, thương mại hóa từ chính sản phẩm mình làm ra. Để thực hiện được chiến lược đó, UBND xã đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại; quy hoạch, chỉnh trang lại đồng ruộng, giao đất lâu dài cho người dân chủ động sản xuất. Đến nay, 98% đường dong ngõ đã được bê tông hóa; hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng và chợ trung tâm xã được kiên cố hóa với đầy đủ các công trình phụ trợ, đáp ứng nhu cầu kết nối giao thương của người dân địa phương với các khu vực lân cận. Xã dành trên 17 nghìn m2 đất xây mới các công trình phúc lợi công cộng phục vụ nhiệm vụ giao lưu văn hóa phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời xã hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất và trang bị kiến thức, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và kỹ năng khởi sự doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường cho nhân dân. Bằng cách làm bài bản, đến nay, trên địa bàn xã đã chuyển đổi thành công 24,4ha diện tích chuyên trồng rau màu các loại; xây dựng 20 trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp. Trong đó, vùng trồng rau màu của xã đã được quy hoạch gọn với các vùng chính gồm: Vùng đất bãi ven sông được trồng chủ yếu các loại rau ngắn ngày như rau cải, đậu đỗ, rau diếp, xà lách… cho thu hoạch nhanh và tránh ngập úng; vùng đất gần chân đê được tận dụng trồng ngải cứu; diện tích đất vườn nhà, ven ngõ xóm được tận dụng trồng các loại rau thơm, rau ngót, rau đay, mùng tơi; đất ruộng trũng tận dụng thả rau muống, rau rút… Các hộ nông dân trong xã còn chủ động áp dụng biện pháp thâm canh trái vụ với trà sớm và muộn ở hầu hết các loại rau để tăng hiệu quả kinh tế và dễ tiêu thụ. Để thực hiện được kỹ thuật này, các hộ trồng rau trong xã đã tìm hiểu đặc tính của từng loại rau và tuân thủ tuyệt đối các biện pháp kỹ thuật như chọn hạt giống tốt, làm đất thật kỹ, sử dụng phân chuồng để bón lót tạo mùn cho đất và áp dụng biện pháp che phủ một lớp rơm rạ giữ nhiệt cho cây ưa ấm và chăng lưới che nắng đối với cây ưa lạnh. Đồng thời sử dụng các loại chế phẩm sinh học và thuốc bảo vệ thực vật mang tính truyền dẫn để cây trồng phát triển tốt và an toàn cho người sử dụng… Với cách làm này, một số loại rau như rau ngót, rau muống, rau đay, mùng tơi… trước đây chỉ cho thu hoạch trong thời gian nhất định, nhưng hiện nay nông dân Tân Thành đã có thể canh tác, thu hái gần như quanh năm. Do biết tận dụng quỹ đất, lách thời vụ, cùng với trình độ thâm canh cao nên hệ số sử dụng đất trồng rau của nông dân trong xã quay vòng 4-5 vụ/năm, các loại rau cho hiệu quả kinh tế cao hơn 30% so với trồng chính vụ. Đến nay, nghề trồng rau vốn là nghề phụ nhưng đã trở thành thu nhập chính của hơn 800 hộ dân trong xã. Ngoài sản lượng lúa, trung bình mỗi năm người dân trong xã xuất bán ra thị trường hàng trăm tấn rau màu các loại; trên 40 nghìn con gia cầm; 1.500-2.000 con lợn. Điều đặc biệt thành công là toàn bộ sản phẩm nông nghiệp của nhân dân trong xã được sản xuất theo hướng bảo đảm yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Một số sản phẩm như rau sạch, gà thịt, trứng gà đã tham gia trực tiếp vào chuỗi tiêu thụ hiện đại và là địa chỉ tin cậy của các bếp ăn tập thể trên địa bàn Thành phố Nam Định. Bên cạnh đó, do người dân chủ động sản xuất, tự tìm kiếm thị trường và cung ứng sản phẩm nên không bị tư thương ép giá hay chi phí qua các khâu trung gian. Do đó giá trị thu nhập từ sản phẩm nông nghiệp của xã đạt bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh nghề trồng rau màu, UBND xã khuyến khích các hộ dân trong xã phát triển dịch vụ sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, chế biến nông sản và phát triển các dịch vụ sản xuất cây giống, cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu, nông cụ và phương tiện vận chuyển... Bên cạnh đó, các Cty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản trên địa bàn hoạt động hiệu quả đã tạo nên không khí hối hả, tấp nập của vùng đất vốn chỉ thuần nông nghiệp khi xưa. Đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, đẩy mạnh các loại hình dịch vụ, đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 24 triệu đồng/năm; hộ gia đình khá, giàu đạt từ 25-30%.

Để phát huy hết tiềm năng và lợi thế của địa phương, xã Tân Thành tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh rau cho bà con nông dân, đặc biệt chú trọng phương thức canh tác đảm bảo VSATTP và đưa các loại rau, củ, quả mới có chất lượng cao, khả năng kháng sâu bệnh tốt vào trồng, tạo nên vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa đặc trưng. Tiếp tục tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đất đai, vốn vay phát triển sản xuất và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn để thu hút đầu tư và giúp người dân tổ chức các khâu dịch vụ cung ứng hàng hóa./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com