Sửa chữa nhà ở nguy hiểm, đảm bảo an sinh xã hội ở Thành phố Nam Định

08:07, 01/07/2015

Trên địa bàn Thành phố Nam Định hiện có khoảng 28 khu nhà chung cư với 1.282 hộ và khoảng 6.862 hộ sống tại các nhà ở riêng lẻ (nhà từ 2 đến 3 tầng), khối cơ quan của Quỹ nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước (SHNN). Từ năm 2012 đến nay, Phòng Quản lý nhà ở thuộc SHNN (Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị) đã triển khai bán được 5.744 căn hộ và tiếp tục quản lý triển khai bán cho thuê 3.070 căn hộ còn lại. Qua thống kê, điều tra hằng năm cho thấy, số nhà ở cũ thuộc SHNN nhìn chung đều được xây dựng từ những năm 1940-1960 đã hết niên hạn sử dụng và thuộc diện nhà ở nguy hiểm. Các ngôi nhà này tập trung chủ yếu ở những khu phố cổ, phố cũ, chung cư cũ như Hàng Sắt, Hoàng Văn Thụ, Bến Ngự, Quang Trung, Hàng Tiện, khu chung cư 5 tầng đường Trần Đăng Ninh, các khu nhà 2 tầng, 3 tầng đường Trần Huy Liệu… Nhiều nhà ở riêng lẻ và 26 nhà chung cư cũ từ 2 đến 5 tầng có kết cấu mái ngói, sàn gỗ đã bị mối mọt mục, sàn gạch bị bong bật, mái ngói vỡ, xô lệch dột nát, loại ngói cũ không thể sửa chữa được. Đặc biệt, các khu nhà nguy hiểm như 2 khu nhà số 181 và 207 Hoàng Văn Thụ (phường Nguyễn Du), các khu nhà 2 tầng số 1, 2, 3 Quân khu A (phường Năng Tĩnh) đều không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sinh sống của người dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về người và tài sản, nhất là trong mùa mưa bão.

Nhà ở nguy hiểm tại khu nhà số 207 Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định).
Nhà ở nguy hiểm tại khu nhà số 207 Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định).

Trước thực trạng đó, hằng năm, UBND thành phố đều tập trung chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chức năng cải tạo, sửa chữa nhà ở nguy hiểm. Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định đã thành lập Ban quản lý nhà ở nguy hiểm. Định kỳ hằng tuần, 5 Đội quản lý nhà ở đi khảo sát, kiểm tra đánh giá hiện trạng sinh hoạt của các hộ dân tại các căn nhà nguy hiểm kết hợp với đường dây nóng 24/24h để kịp thời xử lý các sự cố bất ngờ xảy ra. Vào quý IV hằng năm, Ban quản lý nhà ở nguy hiểm sẽ lập danh sách phân loại các căn nhà ở thuộc diện nguy hiểm, lập dự toán, báo cáo phương án thi công, trình các cơ quan chức năng thẩm định. Năm 2012, thành phố đã tiến hành sửa chữa, cải tạo 10 khu nhà nguy hiểm với tổng chi phí hơn 703 triệu đồng, như: chống dột cho mái nhà tại các khu chung cư 3 tầng, 5 tầng; thay ống xả các công trình vệ sinh; thay sàn gỗ mới theo kết cấu từng nhà tại các phường Trần Đăng Ninh, Nguyễn Du, Năng Tĩnh, Cửa Bắc. Trong năm 2013, UBND thành phố tiếp tục đầu tư thêm 1,3 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa hơn 17 khu nhà trên các đường Trần Đăng Ninh, Văn Cao, Trần Huy Liệu, Phan Bội Châu; thi công chống đỡ các ban công bằng giàn thép và xử lý hệ thống thoát nước thải đảm bảo môi trường sống và sinh hoạt của các hộ dân. Năm 2014, Cty đã tiến hành sửa chữa 20 nhà ở nguy hiểm với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Từ đầu năm 2015 đến nay, Cty đã hoàn thiện cải tạo, sửa chữa 22 khu nhà thuộc 9 phường với tổng mức đầu tư 1 tỷ 145 triệu đồng; trong đó tập trung chính cho 2 khu nhà ở nguy hiểm số 181 và 207 Hoàng Văn Thụ (phường Nguyễn Du).

Tuy nhiên, công tác sửa chữa nhà ở nguy hiểm ở thành phố còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, đặc biệt về nguồn vốn ngân sách hằng năm. Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định cho biết, Cty tập trung hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp các hộ nhà ở nguy hiểm, đảm bảo nhu cầu sinh sống tối thiểu nhưng hằng năm số lượng nhà ở nguy hiểm luôn phát sinh thêm trong khi điều kiện nguồn kinh phí hạn hẹp (phụ thuộc vào nguồn thu tiền bán, thuê nhà thuộc SHNN hằng năm) không đủ để thực hiện mọi yêu cầu duy tu, sửa chữa, bảo đảm chất lượng nhà ở theo quy định hiện hành của Nhà nước. Bên cạnh đó, do các nhà ở đều hết niên hạn sử dụng và xuống cấp nghiêm trọng nên công tác sửa chữa thực chất chỉ mang tính “chống đỡ” tạm thời chứ chưa thể giải quyết triệt để. Cá biệt các khu nhà nguy hiểm ở phố Hoàng Văn Thụ như khu nhà số 207, 181, 177, Cty “không dám” cho thuê do nhà có nguy cơ đổ sập, thường xuyên xảy ra các sự cố bất ngờ. Cụ thể như: đêm 30-4-2014, Cty phải huy động tối đa nhân viên xử lý sự cố cầu thang từ tầng 2 lên tầng 3 của khu nhà ở 207 Hoàng Văn Thụ bị sập do mối mọt, mục nát. Một số hộ dân phải di dời vào Trạm y tế phường Nguyễn Du do nhà ở trong tình trạng quá nguy hiểm. Tiếp đó là sự cố sàn gạch tầng 2 và cầu thang từ tầng 1 lên tầng 3 bị sập vào ngày 17-5-2014 tại khu nhà số 177 Hoàng Văn Thụ. Các sự cố đã được Cty nhanh chóng sửa chữa và khắc phục tạm thời nhưng các ngôi nhà ở đây luôn tiềm ẩn nguy cơ sụt đổ. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng, các hộ sinh sống tại khu nhà ở nguy hiểm đã tự ý cải tạo ngôi nhà, gây khó khăn trong công tác đánh giá, kiểm định chất lượng công trình. Mặt khác, tại các khu nhà nguy hiểm hầu hết các hộ đều gia cố, cơi nới tăng diện tích sử dụng làm ảnh hưởng đến kết cấu ngôi nhà, dẫn tới hiện tượng sụt lún. Mặt bằng thi công để xây dựng, sửa chữa các nhà ở nguy hiểm bị hạn chế; nhiều căn nhà nằm rải rác gây khó khăn cho công tác tập kết vật liệu xây dựng. Đối với thiết kế mỗi căn nhà ở từng thời kỳ khác nhau nên khi sửa chữa Cty đều phải điều chỉnh nguyên vật liệu, phương án thi công. Đặc biệt, đối với các ban công tại các khu nhà 3 tầng, 5 tầng do khó khăn về địa hình nên không thể xây dựng các giàn giáo quy chuẩn, Cty chỉ có thể gia cố bằng các khung giàn thép để chống đỡ. Bên cạnh đó, do tâm lý người dân không muốn tháo dỡ, thu hẹp diện tích và công năng sử dụng, hoặc có nhiều hộ kinh tế khó khăn, không có nhà ở tạm hoặc không thể đóng tiền thuê nhà trong khi thi công sửa chữa nên phải tạm hoãn công tác sửa chữa bảo trì.

Vượt qua những khó khăn chung, thời gian tới, Cty tiếp tục sửa chữa nhà ở nguy hiểm cho các hộ dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với đó, Cty chủ động phối hợp với các cấp, ngành tham mưu cho UBND tỉnh sớm ban hành cơ chế, chính sách chủ trương cụ thể xóa bỏ cơ bản nhà ở nguy hiểm. Tăng cường hơn nữa thực hiện chủ trương xã hội hóa kêu gọi doanh nghiệp, người dân chung tay, góp sức cùng Nhà nước xoá bỏ nhà ở nguy hiểm./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com