Là xã điểm xây dựng NTM của huyện Xuân Trường (giai đoạn 2010-2015), những năm qua, xã Xuân Phương đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, UBND xã đã tổ chức rà soát thực trạng sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn tại địa phương để xác định rõ mục tiêu, xây dựng kế hoạch và lộ trình phát triển theo từng năm. Qua rà soát, xã Xuân Phương có hai nghề truyền thống đã hình thành và phát triển gần 100 năm là nghề thêu ren và nghề điêu khắc gỗ. Với trình độ sản xuất tinh xảo, điêu luyện của những nghệ nhân và lao động lành nghề nên các sản phẩm điêu khắc gỗ và thêu tranh của xã không chỉ được tín nhiệm và tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Trên cơ sở đó, xã Xuân Phương xác định điểm đột phá trong thực hiện mục tiêu phát triển đa dạng sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn là đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích, tạo điều kiện về thủ tục hành chính... để các hộ, cơ sở sản xuất tham gia khôi phục và phát triển các nghề truyền thống của địa phương. Xã còn đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng để các cơ sở, hộ sản xuất tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Xã đã quy hoạch khu đất công với tổng diện tích trên 4,4ha tại xóm 1 để tạo mặt bằng cho phát triển sản xuất CN-TTCN. Hằng năm, tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên, xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Xuân Trường tổ chức từ 3-4 lớp cho lực lượng lao động trẻ tại địa phương. Với các biện pháp tổng thể, đồng bộ trên, hai nghề truyền thống của địa phương đã được khôi phục thành công, số hộ và cơ sở sản xuất cũng như tổng lượng sản phẩm năm sau cao hơn năm trước. Năm 2012, hai làng nghề điêu khắc gỗ Trà Đông, Trà Đoài và thêu tranh Phú Nhai của xã đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận đủ tiêu chuẩn làng nghề theo quy định của Bộ NN và PTNT. Làng nghề điêu khắc gỗ Trà Đông, Trà Đoài hiện có gần 30 cơ sở sản xuất, mỗi cơ sở thu hút từ 3-7 lao động, trong đó có 5 cơ sở thu hút từ 10-15 lao động là hộ các ông: Trần Ngọc Chẩn, Trần Văn Hiện, Hoàng Sơn Nam, Phan Văn Chung, Hoàng Văn Đồng… Các loại sản phẩm chủ yếu là: tượng, tòa thờ, kiệu thờ phục vụ sinh hoạt tôn giáo với nguyên liệu chính là các loại gỗ de, dổi, mít… Nét tinh túy nhất của nghề chạm khắc gỗ Trà Đông, Trà Đoài là các công đoạn sản xuất chính (vẽ mẫu, đục, đẽo, chạm, khắc, đánh bóng, phun sơn, thếp vàng, bạc) đều được làm thủ công.
Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại làng nghề Trà Đông, Trà Đoài, xã Xuân Phương. |
Để phát triển làng nghề bền vững, các hộ làm nghề đã có sự phân công chuyên môn hóa theo từng công đoạn sản xuất như: hộ các ông Chẩn, Nam, Đồng chuyên gia công phần mộc; hộ các ông Tuyền, Chung chuyên sơn, thếp sản phẩm. Các hộ này cũng là “đầu mối” tạo việc làm, nhận truyền dạy nghề cho lớp trẻ trong thôn, trong xã. Có lịch sử hình thành sớm hơn nghề điêu khắc gỗ, nghề thêu tranh ở thôn Phú Nhai có từ những năm đầu của thế kỷ XX. Hiện nay, làng nghề thêu tranh Phú Nhai có trên 20 cơ sở lớn thường xuyên có từ 5-7 lao động tập trung và hàng trăm khung thêu nhận gia công sản phẩm tại nhà. Mặt hàng thêu truyền thống của làng nghề chủ yếu là trang phục, vật dụng phục vụ sinh hoạt tôn giáo như màn chân, áo lễ, du kiệu thánh thể, áo tượng, áo kiệu, cờ, lọng, hoành phi câu đối, bức trướng… Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, làng nghề thêu tranh Phú Nhai còn có một cơ sở chuyên thêu tranh phong cảnh xuất khẩu của bà Trần Thị Hải, xóm 1. Cơ sở của bà Hải hiện có 7 khung thêu tập trung và 30-40 lao động thường xuyên nhận gia công sản phẩm tại nhà với mức thu nhập bình quân khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Từ hạt nhân là hai nghề truyền thống, đến nay, xã Xuân Phương đã phát triển đa dạng các ngành nghề nông thôn. Trong đó, cơ sở may công nghiệp chuyên sản xuất các loại quần áo bảo hộ lao động xuất khẩu của bà Nguyễn Thị Thu Hương ở xóm Bắc hiện có trên 100 máy may công nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động chính và hàng chục lao động phụ với mức thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, xã Xuân Phương còn có nghề lái xe ta-xi thu hút khoảng 200 lao động tham gia và một số lao động xuất khẩu nước ngoài.
Nhờ phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, cơ cấu kinh tế của xã Xuân Phương đã có sự chuyển dịch tích cực. Năm 2014, bình quân thu nhập đầu người của xã đạt trên 29 triệu đồng/người/năm, xã đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới xã Xuân Phương tiếp tục tạo mọi điều kiện cho các cơ sở duy trì và phát triển, mở rộng quy mô sản xuất và quảng bá sản phẩm. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp giảm xuống còn 30%, ngành sản xuất CN-TTCN, xây dựng, dịch vụ chiếm 70% cơ cấu kinh tế toàn xã, bình quân thu nhập đầu người đạt từ 40 triệu đồng/năm trở lên, tổng thu ngân sách hằng năm tăng từ 10-15% so với chỉ tiêu huyện giao./.
Bài và ảnh: Thành Trung