Huyện Giao Thủy hiện có gần 7.600ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó đến nay trên địa bàn toàn huyện đã xây dựng 11 mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với diện tích 543ha và 3 cánh đồng “3 cùng” (cùng trà, cùng giống, cùng biện pháp canh tác) với diện tích 36ha tập trung ở các xã Giao Châu, Giao Hà, Giao Nhân, Giao Tiến và Hoành Sơn. Ngoài ra, huyện còn có nhiều cánh đồng màu đạt diện tích 18-25ha như ở các xã Giao Thịnh, Giao Phong, Giao Hà.
Theo đồng chí Hoàng Công Trịnh, Chủ tịch HND huyện Giao Thủy, mô hình CĐML là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, là nơi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, từ đó tăng thu nhập cho nông dân. Trên cùng một diện tích, HND huyện đã chỉ đạo HND các xã, thị trấn trong huyện tập trung phối hợp với ngành Nông nghiệp tích cực vận động hội viên nông dân cấy cùng một loại giống, cùng một thời điểm và đồng bộ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, từ đó nâng cao được năng suất, sản lượng. Tại xã Giao Hà - đơn vị được chọn làm điểm xây dựng CĐML, sau khi Đề án xây dựng NTM của xã được phê duyệt, Đảng ủy, UBND xã “bắt tay” ngay vào việc chỉ đạo thực hiện dồn điền, đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Trong dồn điền, đổi thửa, Giao Hà đã giảm được số thửa bình quân từ 1,8 xuống còn 1,3 thửa/hộ; vận động nhân dân tự nguyện hiến đất (bình quân 20 m2/sào) để làm kênh mương nội đồng và làm đường giao thông ra đồng với tổng khối lượng đào đắp 110 nghìn m3, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. Sau khi đi tham quan, học tập mô hình CĐML ở các địa phương, Đảng ủy, UBND xã đã giao cho các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên tiến hành xây dựng CĐML với phương châm “3 cùng” nhằm giảm chi phí, công lao động, ô nhiễm; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Theo đó, HND xã đã trực tiếp tham mưu với Đảng ủy xã và phối hợp với Ban Nông nghiệp xã tiến hành xây dựng CĐML tại 4 xóm 9, 10, 11 và 12 với diện tích 38,2ha với giống lúa BC15. Tham gia mô hình, 311 hộ dân đã được hỗ trợ 100% giống và được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Vụ sản xuất đầu tiên, do áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ nên CĐML của Giao Hà có giàn lúa tốt đồng đều, năng suất lúa ước đạt 65-70 tạ/ha, tăng 15-20% so với cùng kỳ; chi phí thuốc bảo vệ thực vật chỉ bằng 50% so với phương thức sản xuất trước đây.
Nông dân xã Giao Hà chăm sóc rau màu. |
Xây dựng CĐML đã giúp bà con giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và quan trọng hơn cả là làm thay đổi tư duy sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hoá, hiệu quả kinh tế cao. Từ thành công bước đầu của mô hình vụ mùa năm 2015, xã Giao Hà phấn đấu xây dựng 6 CĐML tập trung vào các loại giống lúa có chất lượng cao như BT số 7 kháng bạc lá, BC15… Đồng chí Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch HND xã Giao Hà cho biết, bài học kinh nghiệm từ thành công của Giao Hà trước hết là sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và vai trò của HND xã, các tổ chức đoàn thể. Trong đó, để vận động, tuyên truyền cho hội viên nông dân thấy rõ được hiệu quả của việc thực hiện dồn điền, đổi thửa, đưa một quy trình mới vào sản xuất không phải không gặp những khó khăn trở ngại, nhất là rào cản từ tập quán canh tác truyền thống của nông dân. Do đó, xã phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tích cực tuyên truyền để nông dân hiểu được ý nghĩa của việc triển khai CĐML, đồng thời chỉ đạo các cán bộ đi đầu gương mẫu thực hiện. Đối với những hộ chưa đồng tình với chủ trương, Đảng ủy, UBND các xã phân công cán bộ đến tận gia đình để phân tích, vận động. Xã tranh thủ cơ chế khuyến khích xây dựng CĐML của huyện cùng với nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ 100% tiền thóc giống cho các hộ tham gia mô hình, đồng thời giao cho HTXNN đứng ra bảo lãnh cho các hộ nông dân ký hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng cùng một loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đồng chí Phan Văn Trực, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Giao Thủy cho biết, tiêu chí cơ bản của CĐML là phải có diện tích từ 30ha trở lên, cùng cấy một giống lúa chất lượng cao. Ngoài ra còn có thêm 3 tiêu chí khác bao gồm: đưa cơ giới vào đồng ruộng, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và từng bước hợp tác với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, huyện đã chỉ đạo xây dựng CĐML trên địa bàn 3 xã: Giao Tiến, Giao Hà, Giao Thịnh. Qua đó, kết quả sản xuất tăng rõ rệt, đặc biệt là năng suất các loại cây trồng. Bình quân mỗi ha tăng so với phương pháp sản xuất trước đây là từ 10-15%. Từ thành công trong xây dựng mô hình CĐML ở các địa phương, trong vụ mùa năm 2015, toàn huyện đã có 7 xã đăng ký xây dựng 18 mô hình CĐML. Theo đó, các phòng chức năng của UBND huyện, đặc biệt là HND các cấp trong huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện theo kế hoạch đã đề ra.
Xây dựng mô hình CĐML nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Giao Thủy là một chủ trương hết sức đúng đắn. Việc triển khai xây dựng mô hình CĐML gắn với sản xuất lúa hàng hóa tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Nông nghiệp quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng bền vững, đồng thời giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Kết quả bước đầu từ mô hình này là tiền đề để hội viên nông dân tập trung xây dựng các CĐML, góp phần vào thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn