Nhọc nhằn nghề hàng xáo

06:07, 11/07/2015

Nghề hàng xáo là chuyên mua thóc về xay, giã, dần, sàng thành gạo sạch rồi đem đi bán. Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, cuộc sống của những người làm hàng xáo cứ quay vòng như thế trong một ngày, suốt năm, suốt tháng với bao khó khăn vất vả. Thế nhưng, đằng sau nỗi nhọc nhằn ấy là niềm vui, những ngôi nhà khang trang, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Dưới cái nắng chang chang của mùa hè, đi dọc các xã Phương Định, Trực Chính, Trung Đông (Trực Ninh) bất cứ nơi đâu đều có thể bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ bịt kín mặt chở những bao tải thóc từ 1,5-2 tạ nặng trĩu phía sau xe. Họ đang gồng mình đạp từng vòng bánh xe cho nhanh kịp buổi chợ. Gặp chỗ đông người họ lại nhanh mồm nhanh miệng: “xe nặng, xe nặng, tránh ra nhờ tí nào”. Thời điểm khi vụ lúa xuân đã thu hoạch xong thì người làm hàng xáo bận rộn nhất, tranh thủ đi thu mua thóc mới về để dự trữ và bán nốt thóc cũ cho các mối hàng quen. Trò chuyện với bà Lương Thị Mai, đội 9, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) khi bà đang tất bật xay thóc, nhặt từng hạt sạn, hạt tấm để “làm sạch gạo” trước khi giao cho khách, chúng tôi được bà chia sẻ: “54 tuổi đời thì tôi đã có tới 23 tuổi nghề. Ngóc ngách các thôn, xóm trên địa bàn huyện, chẳng có chỗ nào mà tôi không biết. Nghề của chúng tôi, những nơi chưa quen thì phải mang đi rao bán; những người biết mình rồi thì họ đến tận nhà gọi đến cân thóc, hoặc như bây giờ chỉ cần gọi điện thoại trao đổi qua giá cả là tôi có thể mua được hàng”… Hành trình một ngày của người làm nghề hàng xáo thật đơn giản nhưng cũng nhiều vất vả. Bắt đầu từ 6 giờ sáng, với dụng cụ hành nghề thô sơ chỉ với một chiếc xe đạp, dăm ba cái gậy để làm công cụ hỗ trợ thăng bằng khi chở thóc, thợ làm hàng xáo mải miết đi khắp mọi nơi kiếm sống. Chỉ đi quanh các xã trong huyện nhưng một ngày tính ra người thợ hàng xáo cũng đi tới hàng chục cây số. Khi đã mua được hàng, bà Mai cho lên xe chở về nhà, mỗi lần chở khoảng 1,5-2 tạ; những hôm mua được nhiều hàng hơn thì bà gọi xe xích lô chở thêm. Khi về nhà bà mới phân loại xem loại nào xay trước, loại nào dự trữ được thì đem vào kho cất trữ và bắt đầu công việc xay xát của mình. Thông thường thì 100kg thóc sẽ cho ra khoảng 70kg gạo, trên 10kg cám và gần 20kg là trấu và bổi. Theo bà Mai, chỉ cần bán số gạo là đã đủ tiền mua thóc. Người làm hàng xáo chỉ được lãi phần cám, trấu và bổi là nhiều. Tủm tỉm cười, bà tiếp tục chia sẻ: Ngày xưa chưa có xích lô chở hàng nhiều như bây giờ, chưa có máy lọc tấm, lọc sạn, người làm hàng xáo như chúng tôi vô cùng vất vả. Tuy nhiên, nghề nào cũng có cái “thuận” của nó. Làm hàng xáo hay hơn các nghề khác là về đến nhà đã tính được lãi”. Tuy nhiên, hàng xáo cũng là nghề đòi hỏi “dày vốn”. Mỗi ngày, đối với một thợ hàng xáo phải có vài triệu đồng “dắt túi” để hành nghề. Đối với các mặt hàng thóc tám, thóc nếp thì còn đòi hỏi số vốn nhiều hơn.

Bà Lương Thị Mai, đội 9, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) đang xay xát thóc chuẩn bị cho buổi chợ mới.
Bà Lương Thị Mai, đội 9, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) đang xay xát thóc chuẩn bị cho buổi chợ mới.

Nhiều khi để mua được các loại gạo ngon, số vốn hàng xáo phải bỏ ra lên đến cả chục triệu đồng. Để mua được 5 tạ thóc, người làm hàng xáo cần số vốn khoảng 3,5 triệu đồng; sau khi đã qua các công đoạn sàng, lọc đem bán ra thị trường, người làm nghề thu lãi khoảng 150-200 nghìn đồng. Nếu chịu khó đi xa có thể tìm được nhiều nguồn hàng thì công sẽ cao hơn rất nhiều. Đối với người nông dân thì số tiền đó có thể trang trải được rất nhiều việc trong cuộc sống gia đình. “Phụ họa” cùng lời nói của bà Mai, chị Vũ Thị Thúy, con dâu của bà cho biết: 1 tạ thóc tẻ được thu mua với giá hiện nay dao động trong khoảng 560-570 nghìn đồng, thóc nếp là 650 nghìn đồng/tạ. “Cao giá” nhất là thóc tám với giá 700 nghìn đồng/tạ… Giá thóc gạo thay đổi theo thị trường, lên xuống thất thường. Có lúc được mùa thì mất giá, mất mùa lại được giá, nghịch lý đó luôn luôn song hành cùng với người nông dân nên các cơ sở thu mua thóc gạo như nhà chị luôn phải biết tính toán, dự đoán những biến chuyển thị trường để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thị trường, tránh thiệt hại trong kinh doanh. Mặc dù mới “bén duyên” với nghề hàng xáo 3-4 năm nay nhưng chị đã thành thạo trong mọi công việc, tự mình có thể xoay xở được công việc làm ăn, đi đong thóc và về giao hàng tận nơi cho các cơ sở đại lý bán buôn nhỏ lẻ trong và ngoài tỉnh như: Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn… Cũng giống như bà Mai, gia đình ông bà Hoàng Ngọc Dương ở Trực Nội (Trực Ninh) cũng thu mua thóc gạo của bà con trong vùng về để xay xát, rồi đem lên thành phố bán cho các đại lý và các nhà hàng, quán cơm bình dân… Từ nghề làm hàng xáo mà gia đình ông bà đã xây dựng nhà cửa khang trang, con cái học hành đầy đủ, ông bà có điều kiện mua sắm được các vật dụng đắt tiền trong gia đình. Công nghệ tiên tiến hiện nay đã cho ra đời nhiều loại máy móc như: máy lọc sạn, lọc tấm, lọc phổi cám… giúp người làm hàng xáo đỡ vất vả hơn mà thành phẩm làm ra đẹp và bắt mắt hơn. “Nhất nghệ tinh”, như những nghề khác, nghề hàng xáo cũng đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp rất cao, phải biết cách phân biệt đâu là loại thóc được phơi “săn” kỹ, thóc nào nhiều hạt lép… Nếu không tinh mắt phân loại thóc thì mua về xay xát hàng sẽ kém chất lượng, gạo không ngon sẽ mất khách. Cái lãi của “cánh” hàng xáo nói chung là tận dụng được việc xay xát để lấy cám và tấm nuôi gia súc, gia cầm. Gia đình bà Mai hầu như lúc nào trong chuồng cũng có tới 10 con lợn và mấy chục con gà, ngan tạo thêm thu nhập, còn gia đình ông bà Dương không nuôi lợn, gà thì bán cám cho các hộ chăn nuôi cũng có thêm khoản thu nhập đáng kể.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, những thợ hàng xáo không ngại vất vả đi tìm những mối hàng mới đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, nghề hàng xáo ngoài vất vả, nhọc nhằn còn phải đối mặt với nguy hiểm và độc hại. Đa phần thường những người làm hàng xáo hay mắc các bệnh về đường hô hấp do hít phải bụi thóc, hay có thể xảy ra tai nạn dọc đường bất cứ lúc nào. Nghề hàng xáo cũng đòi hỏi người thợ phải nhanh nhạy nắm bắt thị trường, nhu cầu thóc gạo của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một yêu cầu cơ bản cho ai muốn theo nghề là phải có sức khỏe. Không dẻo dai, không khỏe mạnh khó có thể theo nghề. Thế nhưng, lao động chính trong nghề nặng nhọc này lại đa phần là các chị em phụ nữ “chân yếu tay mềm”.

Trong cuộc sống mưu sinh đầy gian khổ, những người làm nghề hàng xáo vẫn lao động hăng say, để mỗi bữa cơm gia đình thêm dẻo thơm, ấm áp. Là nghề “kiếm cơm” như bao nghề khác, nhiều thợ hàng xáo chúng tôi gặp đều rất khiêm tốn khi nói về nghề. Họ thường nhận đó là một trong những thứ nghề “rẻ mạt” trong xã hội. Tuy nhiên, nhìn những hạt gạo trắng tinh, ăn bữa cơm gia đình ấm cúng, mỗi chúng ta đều trân trọng thành quả lao động của họ. Lao động chân chính thì nghề gì cũng đều đáng quý./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com