Nghĩa Lâm tập trung phát triển ngành nghề nông thôn

09:07, 06/07/2015

Xã Nghĩa Lâm nằm ở phía nam huyện Nghĩa Hưng, địa hình từ đầu xã đến cuối xã có độ dốc gần 1m nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Với vị trí địa lý nằm hoàn toàn trong nội địa, giao thông không thuận tiện, khó thu hút nguồn lực từ nơi khác về đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nên trong những năm qua Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất nội tại. Trong đó, tập trung khai thác thế mạnh nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động dồi dào (3.000 lao động/7.800 nhân khẩu) để phát triển đa dạng ngành nghề sản xuất CN-TTCN, nâng cao thu nhập cho nhân dân…

Sản xuất hương xuất khẩu tại cơ sở của anh Ngô Văn Lục, xóm 1, xã Nghĩa Lâm.
Sản xuất hương xuất khẩu tại cơ sở của anh Ngô Văn Lục, xóm 1, xã Nghĩa Lâm.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, trong năm 2012 xã Nghĩa Lâm đã chủ động dồn đổi và quy hoạch gọn vùng diện tích đất công rộng trên 40ha để xây dựng các công trình phúc lợi và dành quỹ đất phát triển ngành nghề. Ngoài tạo điều kiện thủ tục hành chính, mặt bằng, xã đã đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng giúp các hộ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn với tổng dư nợ lên đến trên 50,1 tỷ đồng. Hằng năm, xã Nghĩa Lâm phối hợp với Trung tâm dạy nghề công lập huyện tổ chức các lớp dạy nghề cho hàng trăm lượt lao động. Nhờ các biện pháp đồng bộ trên, đến nay, trên địa bàn xã đã phát triển đa dạng ngành nghề, với nghề chế biến lương thực, thực phẩm ở các xóm 1, 13; 8 cơ sở may công nghiệp, 1 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ nguyên liệu cói, 7 cơ sở làm hương thắp (tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Ấn Độ), hơn chục xưởng mộc, cơ khí. Trong 6 tháng đầu năm 2015, 18 hộ làm miến gạo đã sản xuất được trên 140 tấn, trị giá sản phẩm đạt trên 1,8 tỷ đồng; 18 hộ làm miến dong đã sản xuất được trên 207 tấn, trị giá sản phẩm đạt trên 6,2 tỷ đồng. Trong số 18 hộ làm miến dong đã có gần chục hộ đầu tư dàn máy công suất tối đa 1 tấn/ngày để mở rộng sản xuất. Anh Trần Văn Bân ở xóm 13 với kinh nghiệm trên 20 năm làm miến dong và là hộ đầu tư dàn máy sớm nhất cho biết: Mỗi ngày, cơ sở của anh sản xuất được từ 5-7 tạ miến dong, những tháng sát Tết máy chạy tối đa công suất, sản xuất được trên 1 tấn/ngày. Những ngày bình thường, ngoài 2 lao động của gia đình, anh phải thuê thêm 5-6 lao động phụ việc, dịp Tết phải tăng thêm 4-5 người mới kịp sản xuất. Cơ sở đan cói xuất khẩu của bà Nguyễn Thị Hải (xóm 11) mỗi năm sản xuất được trên 20 nghìn mét thảm cói, trên 160 nghìn sản phẩm xuất khẩu là các loại: túi, làn, bì, hộp… tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 50-70 nghìn đồng/người/ngày, lao động quen việc có thể đạt mức thu nhập đến 100 nghìn đồng/người/ngày. Trong nghề may công nghiệp, các cơ sở may gia công của các anh: Tuynh, xóm 12; Nhiên, xóm 11; Quang, Thắng ở xóm 4… thường nhận được hợp đồng gia công của các Cty may trong huyện, tỉnh, tạo việc làm cho trên 100 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 2,5 triệu đồng người/tháng trở lên. Cơ sở may của anh Phạm Văn Thắng ở xóm 4 chuyên nhận gia công các sản phẩm quần áo bảo hộ lao động cho các doanh nghiệp ở Thành phố Nam Định. Cơ sở của anh hiện có 18 máy may công nghiệp các loại, mỗi tháng sản xuất được khoảng 8-10 nghìn sản phẩm. Bên cạnh các nghề trên, khoảng vài năm trở lại đây trên địa bàn xã còn phát triển thêm nghề làm hương thắp với 7 cơ sở sản xuất. Ngoài một số hộ làm hương theo phương pháp truyền thống để phục vụ nhu cầu tại chỗ, xã Nghĩa Lâm có 1 cơ sở của anh Ngô Văn Lục ở xóm 1 chuyên sản xuất hương xuất khẩu sang Ấn Độ. Cơ sở của anh Lục chính thức sản xuất từ tháng 8-2014, có 5 máy làm hương, mỗi máy trị giá trên 14 triệu đồng. Bình quân một ngày, mỗi máy làm hương sản xuất được trên 50kg hương thành phẩm…    

Phát triển sản xuất CN-TTCN với đa dạng ngành nghề, tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn đang là hướng phát triển kinh tế đúng đắn của xã Nghĩa Lâm. Cơ cấu kinh tế của xã đã có sự chuyển biến tích cực, ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 44,76%, còn lại là công nghiệp - xây dựng, dịch vụ. Nhờ đó, bình quân thu nhập đầu người của xã được nâng lên mức 20 triệu đồng/người/năm. Thời gian tới, xã Nghĩa Lâm tiếp tục khuyến khích các hộ đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển sản xuất CN-TTCN theo hướng đa ngành, đa nghề, thu hút nghề mới để tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất CN-TTCN, dịch vụ tăng lên 60,5%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3%./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com