Nghĩa Bình phát triển phong trào sinh vật cảnh

07:07, 16/07/2015

Hội Sinh vật cảnh (SVC) xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) có 101 thành viên, sinh hoạt ở 14 chi hội trong tổng số 15 xóm. Để đưa phong trào SVC phát triển, Hội SVC xã đã thường xuyên tuyên truyền về vai trò của SVC trong đời sống xã hội, không chỉ làm xanh, sạch, đẹp cảnh quan môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cho mỗi gia đình, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Vườn cây cảnh của anh Hoàng Như Doãn (bên phải) ở xóm 3 Quần Phương, xã Nghĩa Bình.
Vườn cây cảnh của anh Hoàng Như Doãn (bên phải) ở xóm 3 Quần Phương, xã Nghĩa Bình.

Gần đây khi phong trào SVC gặp khó khăn, công tác tuyên truyền tập trung vào việc xây dựng ý tưởng tạo hình cây cảnh nghệ thuật theo lối cổ, lối mới, điều chỉnh về kích thước, chủng loại của cây nghệ thuật, phù hợp với yêu cầu thị trường. Để nâng cao tay nghề cho hội viên, Hội SVC xã đã tạo điều kiện cho 10 hội viên tham dự các lớp dạy nghề SVC trong thời gian 3 tháng do Hội SVC huyện tổ chức, thành lập 2 tổ kỹ thuật dạy nghề với gần 10 người có trách nhiệm giúp đỡ các hội viên trong xã khi có nhu cầu về uốn tỉa cây cảnh. Công tác dạy nghề cho hội viên SVC xã còn có sự giúp sức nhiệt tình của các ông: Nguyễn Văn Châu ở xóm 2 Quần Phương, Nguyễn Trường Thi ở xóm 1 Quần Phương, Phạm Văn Thuỷ ở Thị tứ Nghĩa Bình… đã được UBND huyện công nhận là có tài năng nghệ thuật SVC. Ngoài ra, Hội SVC xã đã tổ chức lớp tập huấn về trồng hoa, cây cảnh tại Trung tâm học tập cộng đồng của xã; tổ chức các chuyến tham quan các hội thi cây cảnh trong và ngoài tỉnh như: tham quan hội thi cây cảnh huyện Hải Hậu, xã Điền Xá (Nam Trực), tham gia Festival cây cảnh nghệ thuật Ninh Bình năm 2012, Festival SVC, đá quý, đá phong thuỷ Thành phố Thanh Hoá lần 2 năm 2014, Festival cây cảnh tỉnh Bắc Ninh năm 2014, tham dự hội thi cây cảnh quận Hải An (TP Hải Phòng) đầu năm 2015… Qua đó, hội viên SVC có thêm kiến thức ứng dụng vào thực tế để tạo ra nhiều tác phẩm đẹp, đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ của khách hàng. Từ phát triển phong trào SVC, đến nay toàn xã có trên 90% hộ trồng hoa, cây cảnh với 7.000-8.000 cây phôi, trong đó 3.000 cây cảnh nghệ thuật được hoàn thiện, có giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao và có khoảng 40 gia đình có vườn cây cảnh đẹp. Tiêu biểu như gia đình ông Đào Văn Tuyến ở xóm 1, ông Trần Xuân Bách, Bùi Văn Kiên ở xóm 2 Thịnh Phú, ông Đỗ Văn Dương ở xóm 2 An Lạc, Bùi Văn Thái ở xóm Mới Thanh Hương… Đến với SVC từ năm 2002, đến nay anh Hoàng Văn Doãn ở xóm 3 Quần Phương, là giáo viên âm nhạc Trường THCS xã Nghĩa Bình đã tích luỹ một vườn cây cảnh khá phong phú diện tích trên 1.200m2 với gần 180 cây, trong đó có khoảng 80 cây hoàn thiện. Lúc cao điểm, gia đình anh thu nhập trên 300 triệu đồng từ bán cây cảnh. Hiện tại, cây cảnh giá trị nhất anh đang sở hữu là cây sanh dáng trực có tuổi đời gần 100 năm. Anh cho biết, năm 2008 trong một lần đi coi thi ở huyện Trực Ninh, anh đã gặp và mua cây. Để có tiền mua cây lúc đó có giá 12 triệu đồng, anh phải vay ngân hàng. Dưới bàn tay nghệ thuật của anh, cây sanh dáng trực được uốn tỉa đạt các tiêu chí “cổ, kỳ, mỹ”, từng tham dự và đoạt giải cao tại các triển lãm SVC trong và ngoài tỉnh. Không chỉ phát triển cây cảnh, anh Doãn còn tâm huyết với phong trào SVC địa phương, tham gia tổ kỹ thuật giúp các hội viên khác uốn tỉa, tạo dáng, thế cây cảnh… góp phần đưa phong trào SVC của xã ngày càng phát triển. Nhiều người dân xã Nghĩa Bình biết ông Bùi Quang Thanh, ở xóm 3 Quần Phương, là Chủ tịch Hội Nông dân, Hội làm vườn xã rất tích cực phát triển phong trào SVC. Hiện ông sở hữu vườn có khoảng 100 cây cảnh với đa dạng chủng loại như sanh, sứ, lan đai châu, vạn tuế… Năm 2014, mặc dù thị trường cây cảnh ảm đạm nhưng ông vẫn bán 7 gốc vạn tuế với giá trên 12 triệu đồng cho người mua ở huyện Trực Ninh. Năm nay 41 tuổi nhưng anh Đặng Ngọc Khuê ở thị tứ Nghĩa Bình là người chơi cây cảnh có thâm niên và số lượng cây lớn. Đến nay, anh có 5 khu trồng với số lượng trên 200 cây cảnh, trong đó có 30 cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Hiện tại trong khuôn viên nhà anh trưng bày cây sanh dáng song thụ được giới buôn cây định giá khoảng 700 triệu đồng.

Ông Vũ Đình Khiết, Chủ tịch Hội SVC huyện Nghĩa Hưng cho biết, mặc dù việc mua bán cây cảnh nghệ thuật ở xã Nghĩa Bình không sầm uất như các nơi khác trong tỉnh nhưng phong trào SVC ở xã phát triển khá toàn diện, là một trong những địa phương có phong trào SVC mạnh của huyện. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới Hội SVC xã tiếp tục củng cố, xây dựng phong trào, mở các lớp đào tạo nghề SVC, tổ chức các buổi tập huấn, tham quan để nâng cao tay nghề cho hội viên. Hội cũng sẽ tích cực đẩy mạnh phong trào trồng, chăm sóc cây xanh, cây bóng mát trong khuôn viên các cơ quan, đơn vị, trường học, các di tích lịch sử - văn hoá, qua đó góp phần tạo cảnh quan môi trường “xanh, sạch, đẹp”./.

Bài và ảnh: Thanh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com