Nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN

03:07, 03/07/2015

Thời điểm gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) của nước ta đang tiến đến rất gần. Khi gia nhập AEC người lao động sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm mới ở cả trong nước và dịch chuyển sang các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, do trình độ người lao động không đồng đều, thậm chí nhiều cử nhân tốt nghiệp đại học nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về chất lượng... Bên cạnh đó, hiểu biết của lao động về văn hóa doanh nghiệp và pháp luật của nước bạn còn hạn chế; tinh thần làm việc theo nhóm và tác phong công nghiệp chưa tốt... Nếu không khắc phục tình trạng tay nghề, năng suất của người lao động chưa theo sát trình độ phát triển của các nước tiên tiến trong khu vực, người lao động rất khó cạnh tranh trong lao động mà còn có nguy cơ đánh mất thị trường và cơ hội làm việc ngay tại quê nhà. Đây là những thách thức lớn đối với lao động cũng như công tác đào tạo nghề hiện nay của cả nước nói chung và của tỉnh ta nói riêng.

Cty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi (KCN Bảo Minh) tuyển dụng nhiều lao động kỹ thuật được đào tạo chuyên ngành Điện - Điện tử từ các cơ sở dạy nghề trong tỉnh.  Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Cty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi (KCN Bảo Minh) tuyển dụng nhiều lao động kỹ thuật được đào tạo chuyên ngành Điện - Điện tử từ các cơ sở dạy nghề trong tỉnh.

Xác định rõ những cơ hội và thách thức khi tham gia vào thị trường lao động trong quá trình hội nhập, thời gian qua, tỉnh ta đã chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như: triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm, dạy nghề cho lao động nông thôn và ưu tiên tập trung vào các nhóm nghề trọng điểm nhằm đổi mới, phát triển dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Trên cơ sở đó, nhiều văn bản quy định về nâng cao chất lượng đào tạo nghề được ban hành như: Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban TVTU về việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Quyết định phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020” và kế hoạch hướng dẫn thực hiện đào tạo nghề hằng năm do UBND tỉnh ban hành… Đến nay trên toàn tỉnh đã có 38 cơ sở đào tạo nghề với đủ các loại hình, trình độ đào tạo, từ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề ở nhiều lĩnh vực như các ngành kỹ thuật, y tế, du lịch, thương mại với quy mô đào tạo trên 30 nghìn người/năm. Hệ thống các cơ sở đào tạo nghề được đầu tư bài bản theo hướng nâng cao năng lực đào tạo và đa dạng hoá ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong đó, các trường, các cơ sở dạy nghề đã chú trọng phát triển chương trình học trên cơ sở chương trình khung của Bộ LĐ-TB và XH đảm bảo phù hợp với thực tế và phù hợp với từng nhóm đối tượng, đồng thời đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở rộng quy mô và hình thức đào tạo, gắn đào tạo nghề với nhu cầu của thị trường lao động. Chủ động đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho người lao động theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động lựa chọn học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của bản thân, gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật công nghiệp Nam Định (Sở LĐ-TB và XH) được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư nghề trọng điểm quốc gia giai đoạn 2011-2015, gồm 3 nghề: hàn, điện tử dân dụng, công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy. Nhà trường được đầu tư trên 8 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy khá đồng bộ, hiện đại tại 2 cơ sở ở Thị trấn Cát Thành và xã Việt Hùng (Trực Ninh) với tổng diện tích trên 26 nghìn m2, đáp ứng yêu cầu học, luyện tay nghề cho học sinh. Hằng năm, nhà trường duy trì quy mô đào tạo từ 1.500-1.800 học sinh, các nghề đào tạo gồm: hàn, công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy, cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, điện tử dân dụng, may thời trang, điêu khắc gỗ, công nghệ thông tin…, đảm bảo cung ứng cho thị trường nguồn lao động có tay nghề, phù hợp với yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động và chương trình phát triển kinh tế của các địa phương. Hằng năm, 85-90% học sinh ra trường có việc làm ổn định và được các doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng tay nghề lao động. Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định, sau nhiều năm chuẩn bị các điều kiện về nguồn nhân lực kỹ thuật cao, cơ sở vật chất, đến nay đã hoàn thiện Trung tâm Thực hành với tổng nguồn vốn đầu tư trên 150 tỷ đồng từ nguồn vốn nước ngoài, kinh phí sự nghiệp giáo dục và đầu tư của các đơn vị, doanh nghiệp, trường học trong toàn quốc. Trung tâm có trên 100 phòng thực hành, thí nghiệm với các thiết bị ngoại nhập đạt chuẩn công nghiệp và 25 cán bộ, giáo viên có trình độ cao, kỹ năng thực hành tốt, đáp ứng yêu cầu học tập, kiểm định, hiệu chuẩn, nghiên cứu khoa học và sản xuất thử nghiệm sản phẩm công nghệ cao ở cả 4 lĩnh vực: cơ khí; tự động hóa công nghệ cao; điện, điện tử và công nghệ thông tin. Trung tâm được Bộ GD và ĐT lựa chọn là đơn vị kiểm định chuẩn thực hành trên toàn quốc. Hiện, Trung tâm đang xúc tiến liên kết với các trường khối kỹ thuật trên toàn quốc để thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng chuẩn thực hành cho sinh viên và thực hiện sản xuất thử nghiệm các sản phẩm có tính chính xác cao, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Trường Cao đẳng nghề lại xây dựng quy mô đào tạo chất lượng cao theo hướng đa ngành, đa nghề với phương châm xây dựng chuẩn từng nghề trên cơ sở chương trình khung của Tổng cục Dạy nghề, có trình độ tương đương khu vực ASEAN, bảo đảm tính toàn diện của chương trình giảng dạy; thường xuyên điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo phù hợp với công nghệ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Đồng thời triển khai và ứng dụng dạy học tích hợp đối với các ngành nghề; hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp gắn đào tạo tại trường với thực hành tại doanh nghiệp và xây dựng hệ thống đánh giá công tác dạy và học trong nhà trường để từng bước đạt tiêu chuẩn đánh giá các nghề chất lượng cao. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo, nhà trường đã tập trung nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên thông qua các lớp đào tạo dài hạn, ngắn hạn về chuyên môn cũng như năng lực quản lý và năng lực kỹ năng nghề tại các nước phát triển như Ốt-xtrây-li-a, Hàn Quốc, Xinh-ga-po, I-xra-en, Đức, Pháp… do Tổng cục Dạy nghề tổ chức. Với trên 20% giáo viên tham gia các khóa học chuyên môn trong đào tạo nghề tại các nước trong khu vực, cơ sở vật chất đồng bộ, chương trình học tương đương với các nước trong khu vực và lựa chọn tuyển sinh học viên đầu vào có trình độ cơ bản nên tỷ lệ học viên ra trường đã đáp ứng được yêu cầu lao động của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đòi hỏi trình độ lao động cao.

Với các giải pháp đồng bộ, đến nay, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề của tỉnh ta đã tăng từ 31,5% (năm 2010) lên khoảng 40% vào (năm 2014). Đây là nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu lao động của các đơn vị, doanh nghiệp và là một trong những yếu tố quan trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong tỉnh. Nhiều doanh nghiệp đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao đối với công nhân viên, cán bộ kỹ thuật như Cty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi (KCN Bảo Minh); Cty TNHH Youngone, Cty CP Chế biến thức ăn chăn nuôi HTC Vina; Cty TNHH Thái Việt… (KCN Hòa Xá) đã sử dụng được nguồn lao động chất lượng cao được đào tạo bài bản từ các cơ sở dạy nghề này. Tuy nhiên, với khoảng 40% lao động được đào tạo vẫn là con số rất nhỏ so với yêu cầu thực tế. Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường thời hội nhập kinh tế quốc tế, các cơ sở đào tạo nghề cần tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, năng lực giảng dạy đối với  8 nhóm ngành có cơ hội cao đó là kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Đồng thời đổi mới hoạt động đào tạo; chuyển chương trình dạy nghề từ chủ yếu trang bị kiến thức sang mục tiêu phát triển kỹ năng và năng lực hành nghề cho người học; đa dạng hóa nội dung dạy nghề theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học. Chủ động gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động để đào tạo trúng, đúng với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, cũng phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo nghề như xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, xác định danh mục nghề, xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học nghề… Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dạy nghề tiến tới đạt chuẩn công nhận kỹ năng nghề giữa các nước trong khu vực ASEAN./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com