Nam Trực phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế

09:07, 06/07/2015

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2010-2015), đến năm 2015 giá trị sản xuất CN-TTCN huyện Nam Trực ước đạt 2.718 tỷ đồng (giá cố định năm 1994), mức tăng trưởng bình quân đạt 23,8%. Sản xuất CN-TTCN phát triển ổn định, bền vững đã góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện 5 năm qua luôn đạt 12,5%; cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển biến tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 44%.    

Là địa bàn “trung chuyển” giữa Thành phố Nam Định và các huyện phía nam tỉnh, lại có nhiều làng nghề truyền thống như: Bình Yên (Nam Thanh); Vân Chàng, Đồng Côi (Thị trấn Nam Giang); Đồng Quỹ (Nam Tiến)… Nam Trực có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề và thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã xác định: “Tiếp tục xây dựng quy hoạch và thực hiện chương trình phát triển CN-TTCN, tập trung xây dựng một số doanh nghiệp mạnh, khuyến khích phát triển sản xuất CN-TTCN với tốc độ cao và bền vững, đặc biệt là 3 ngành cơ khí, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng. Tăng cường công tác đào tạo nghề, dạy nghề, phát triển mạnh ngành nghề ở các làng nghề truyền thống và mở thêm nghề mới, coi đây là khâu đột phá để phát triển CN-TTCN của địa phương nhằm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm ở nông thôn…”. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện, UBND huyện đã xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất. Tạo điều kiện thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông của Trung ương, của tỉnh nằm trên địa bàn cũng như của địa phương: dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21, tỉnh lộ 490C. Để tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư, huyện đã chủ động nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông gồm: 25km đường trục huyện, 6 tuyến đường xã, liên xã với tổng chiều dài 35km và đang triển khai các dự án: cải tạo, nâng cấp tuyến đường Đen (đường 487) quy chuẩn cấp IV đồng bằng; đường Hoa Lợi Hải, chiều dài 8,8km; đường Bình Dương, chiều dài 5,1km, quy chuẩn cấp V đồng bằng. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống giao thông, huyện đã phối hợp với ngành Điện đầu tư, nâng cấp hệ thống trạm biến áp và cải tạo lưới điện nông thôn đáp ứng nhu cầu sử dụng điện khi gia tăng sản xuất CN-TTCN. Ngoài ra, huyện Nam Trực cũng chủ động quy hoạch và đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các CCN: Đồng Côi, Vân Chàng và Nam Hồng để tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong đó, CCN Nam Hồng, diện tích 14ha, được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo giao thông thuận tiện, hệ thống điện, nước cung cấp đến tận hàng rào công trình và có khu đất sinh thái bảo vệ môi trường, tổng trị giá 10 tỷ đồng; CCN Đồng Côi diện tích 28ha, tổng mức đầu tư 42 tỷ đồng… Trong công tác quản lý, điều hành, huyện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện “một cửa” liên thông, thủ tục, hồ sơ được niêm yết công khai; nhà đầu tư được tư vấn, hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký kinh doanh, tạo môi trường thân thiện để yên tâm đầu tư sản xuất. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, huyện khai thác tối đa các nguồn kinh phí khuyến công để tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm mới có thể cạnh tranh với thị trường. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã được thụ hưởng kinh phí hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khuyến công của Trung ương, của tỉnh với mức từ 140-250 triệu đồng; tổ chức được 46 lớp dạy nghề miễn phí cho 1.843 lao động nhằm cung ứng nguồn lao động tại chỗ, có tay nghề cho các doanh nghiệp.

Sản xuất các sản phẩm kết cấu thép phi tiêu chuẩn tại Cty TNHH Việt Thắng, CCN Đồng Côi.
Sản xuất các sản phẩm kết cấu thép phi tiêu chuẩn tại Cty TNHH Việt Thắng, CCN Đồng Côi.

Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, với sự “vào cuộc” quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong giai đoạn 2011-2015, sản xuất CN-TTCN của huyện Nam Trực đã có bước phát triển mạnh cả về “lượng” và “chất” trên các lĩnh vực: công nghiệp trọng điểm, làng nghề và thu hút đầu tư. Năm 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện ước đạt 2.718 tỷ đồng (cao hơn mục tiêu nghị quyết 268 tỷ đồng). Trên địa bàn huyện hiện có 70 doanh nghiệp, trên 3.200 cơ sở sản xuất CN-TTCN hoạt động ổn định trong 3 CCN, 7 làng nghề, làng nghề truyền thống và các điểm công nghiệp ở các xã: Tân Thịnh, Nam Tiến, Đồng Sơn… Sản xuất CN-TTCN phát triển ổn định đã thu hút, tạo việc làm cho trên 17 nghìn lao động nông thôn (tăng thêm trên 7.500 lao động so với năm 2010) với mức thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên. Các ngành công nghiệp trọng điểm như: cơ khí, dệt may, da giày, sản xuất VLXD đều đạt mức tăng trưởng khá. Trong đó, ngành cơ khí chiếm tỷ trọng 61,1% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 23,8%; ngành dệt may, da giày chiếm tỷ trọng 18,7%, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23,5%/năm; ngành sản xuất VLXD chiếm tỷ trọng 10,3%, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 24%/năm. CCN Đồng Côi đã thu hút được 30 doanh nghiệp, cơ sở đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng mức đầu tư gần 233 tỷ đồng. CCN Vân Chàng đã thu hút được 72 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với tổng mức đầu tư trên 10,3 tỷ đồng. CCN Nam Hồng đã cơ bản được lấp đầy 100% diện tích, thu hút được 10 doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà xưởng phát triển sản xuất, kinh doanh với đa dạng ngành nghề như: sản xuất VLXD, dệt truyền thống, may công nghiệp, sản xuất cấu kiện bê tông, sản xuất các sản phẩm từ da… Với ngành nghề chính là sản xuất các sản phẩm cơ khí, nhiều doanh nghiệp trong CCN Đồng Côi đã mạnh dạn đầu tư thiết bị hiện đại, xây dựng hệ thống nhà xưởng đồng bộ để phát triển sản xuất, kinh doanh; doanh thu hằng năm đạt trên 100 tỷ đồng. Cty TNHH Việt Thắng chuyên sản xuất cơ khí, kết cấu thép đã đầu tư trên 21 tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất, trang bị đồng bộ các loại máy đột dập 150, 200, 250 và 300 tấn; máy cắt tôn (dài 10,5m, khổ dày 18mm) và loại khổ dày 20mm. Sản phẩm của Cty đã được khẳng định chất lượng tại các công trình: lan can cầu Phùng (huyện Đan Phượng), cầu Đông Trù (huyện Đông Anh) và xe đúc hẫng, giá long môn phục vụ thi công cầu Vĩnh Tuy, Thành phố Hà Nội, dàn giáo phục vụ thi công nhà ga T2 - sân bay Nội Bài, hệ thống cột chống và giá đỡ hầm lò… Các Cty: TNHH một thành viên Nam Trực, TNHH Vinh Thực đã đầu tư lò luyện thép sử dụng điện thay thế lò luyện thủ công dùng than nên các sản phẩm đã bảo đảm chất lượng, mẫu mã đa dạng được thị trường tín nhiệm tiêu thụ tốt. Doanh nghiệp tư nhân Quang Báo đã đầu tư trên 3 tỷ đồng mua máy đúc áp lực thay thế phương pháp đúc thủ công, để đúc các chi tiết xe máy, tiết kiệm 30-50% nhiên liệu, tạo ra sản phẩm bền, đẹp. Với việc đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, các doanh nghiệp huyện Nam Trực không chỉ phát huy được thế mạnh nguồn lao động lành nghề, có kinh nghiệm lâu năm trong các làng nghề truyền thống mà còn nghiên cứu, sản xuất được nhiều loại sản phẩm mới, chất lượng cao như: sản phẩm thép nguyên liệu của Cty TNHH Kim khí Anh Tú; ăng-ten Parabol của Cty TNHH Linh Đông; trục định vị xe máy của Cty TNHH Việt Phương, bao bì dược phẩm cấp I của Cty TNHH Hoàng Phát… Bên cạnh các CCN tập trung, nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện đã được phục hồi và phát triển ổn định như: làng nghề đúc đồng Đồng Quỹ (xã Nam Tiến); làng nghề thủy tinh Xối Trì, đúc nhôm Bình Yên, dệt Trung Thắng (xã Nam Thanh); làng nghề dệt Liên Tỉnh (xã Nam Hồng)… Nhiều hộ sản xuất trong làng nghề Bình Yên đã đầu tư lò ủ nhôm bằng điện do Cty TNHH một thành viên Cơ khí Thanh Sơn (làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh) sản xuất để thay thế lò ủ dùng than, củi truyền thống. Nhờ đó, ở làng nghề Bình Yên đã hiện đại hóa 90% quy trình sản xuất thay thế lao động thủ công ở các khâu cắt nguyên liệu, gò và đánh bóng sản phẩm… để tạo nên sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, hạn chế ô nhiễm môi trường và hạ giá thành sản phẩm. Cơ sở sản xuất của anh Đỗ Văn Nam (làng Đồng Quỹ, xã Nam Tiến) đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng mua một máy làm khuôn, lò đúc sử dụng điện và một số loại máy móc khác để gia công, hoàn thiện sản phẩm, đồng thời đúc được nhiều loại sản phẩm chạm trổ công phu tinh xảo như: hạc, rùa, cuốn thư, đỉnh, lư hương, hoành phi, câu đối… đến các sản phẩm có độ nặng từ 5-7 tấn (tượng, khánh, chuông) có độ tinh xảo và chính xác gần như tuyệt đối.  

Cùng với phát triển sản xuất các ngành công nghiệp trọng điểm, phục hồi và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện cho các làng nghề truyền thống, trong nhiệm kỳ 2010-2015 vừa qua, công tác thu hút các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn cũng được chú trọng và đạt những kết quả khả quan. Có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đã chọn Nam Trực là địa bàn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh như: Tập đoàn Syngenta Việt Nam chuyên cung ứng thuốc BVTV, phát triển giống cây trồng và Cty TNHH LongYu Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy may quần áo thể thao xuất khẩu tại xã Tân Thịnh với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng; Cty CP Dệt may Nam Định đầu tư xây dựng nhà máy may tại xã Bình Minh... Dự án đầu tư vào CCN Nam Hồng của Cty TNHH Yamani Dynasty (Đài Loan) với tổng mức đầu tư trên 1.050 tỷ đồng với tổng diện tích gần 24 nghìn m2, gần 30 chuyền, tạo việc làm cho trên 3.000 lao động. Những tháng cuối năm 2015, huyện Nam Trực đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để triển khai xây dựng CCN Bình Yên - Nam Thanh, diện tích 15ha, CCN Đồng Côi giai đoạn 2, diện tích 13ha. Đồng thời hoàn tất các thủ tục, tạo điều kiện để Cty CP May Nam Định khởi công xây dựng nhà máy may tại xã Nam Tiến, diện tích 16 nghìn m2 dự kiến thu hút 1.000 lao động; Cty TNHH Ánh Vàng xây dựng nhà máy sản xuất giày da xuất khẩu diện tích 98.600m2, dự kiến thu hút 4.000 lao động và doanh nghiệp may công nghiệp Hàn Quốc đầu tư nhà máy may diện tích 50 nghìn m2, dự kiến thu hút khoảng 3.000 lao động... tại xã Đồng Sơn.

Quy hoạch, đầu tư phát triển các cụm, điểm công nghiệp tập trung với cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo tốt hơn về môi trường; kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp lớn vào đầu tư sản xuất, kinh doanh đã tác động rõ rệt hơn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động đang là hướng phát triển sản xuất CN-TTCN bền vững, là động lực quan trọng để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nam Trực. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Nam Trực chủ trương phát huy hiệu quả của các cụm, điểm công nghiệp hiện có. Hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp theo quy hoạch; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Phát triển mạnh các ngành nghề truyền thống; kết hợp giữa phát triển công nghiệp với phát triển dịch vụ, thương mại. Nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế, khuyến khích, tạo điều kiện ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của huyện. Phấn đấu đến năm 2020, ngành sản xuất CN-TTCN, xây dựng chiếm tỷ trọng 46% trong cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 20 nghìn lao động mới./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com