Xã Nam Thắng (Nam Trực) có 130ha diện tích đất bãi ven sông Hồng. Để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo các hộ nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
Nông dân xã Nam Thắng thu hoạch cây cỏ Nhật. |
Với 36ha đất bãi trồng 1 vụ lúa - 1 vụ màu, sau khi trạm bơm Đại An 2 được hoàn thành, xã đã chỉ đạo các hộ nông dân chuyển sang trồng 2 vụ lúa để đảm bảo an ninh lương thực. Đồng thời chuyển dịch mạnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng bằng các giống: BT7 kháng bạc lá, BC15, Nếp 97, Nếp 87, Bắc ưu 903 kháng bạc lá… có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh khá vào sản xuất, nhằm đẩy nhanh thời vụ, tăng năng suất lúa, hạn chế thiệt hại do dịch hại và điều kiện thời tiết bất thuận gây ra. Ban Nông nghiệp xã chủ động chỉ đạo thực hiện tốt từ khâu dự tính, dự báo đến việc tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, phòng trừ sâu bệnh đúng thời điểm, đúng kỹ thuật; tổ chức đánh chuột đúng định kỳ, do vậy năng suất lúa cả năm của vùng đất bãi luôn đạt trên 110 tạ/ha. Những năm qua, nghề trồng dâu, nuôi tằm tại vùng đất bãi ven sông đạt hiệu quả thấp do thiếu hụt về lực lượng lao động, ô nhiễm môi trường, sâu dâu phát triển mạnh mà chưa có thuốc đặc trị, thương lái khống chế về giá cả… Xã đã tập trung đưa những cây trồng mới như: cây cỏ ngọt, cây kê, cây cỏ Nhật… vào trồng thí điểm thay thế cây dâu. Nổi bật là cây cỏ Nhật được đưa vào trồng từ năm 2012 cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác, hiện đang được các hộ nông dân trong xã mở rộng diện tích. Đến nay, toàn xã có trên 20ha với 30 hộ gia đình thuê đất, đấu thầu để trồng chuyên canh cây cỏ Nhật, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn. Nhiều hộ mỗi năm thu nhập 200-400 triệu đồng từ cây cỏ Nhật như hộ các ông: Lâm Văn Thủy, Lâm Văn Hùng, Phạm Văn Đỉnh, Trương Văn Bột… Anh Lâm Văn Tiu ở xóm 2, có 0,8ha trồng cây cỏ Nhật, cho biết: Cây cỏ Nhật không cần chăm sóc nhiều, chỉ cần làm đất, cấy cỏ giống, giữ ẩm thường xuyên. Khi cỏ lên dày thì chặt thành từng ô, khi thu hoạch thì dùng thuổng xúc cỏ, cuộn lại gọn gàng. Hiện cây cỏ Nhật có giá bán bình quân trên thị trường là 15 nghìn đồng/m2; mỗi năm có thể thu hoạch 3 vụ, cho thu lãi trên 300 triệu đồng/ha. Cây cỏ Nhật ở Nam Thắng không chỉ cung cấp cho thị trường Hà Nội, mà còn theo thương lái đến nhiều tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương... góp phần làm đẹp cho các cơ quan, đơn vị, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí... Khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng đất bãi, nhiều hộ nông dân còn chuyển đổi diện tích đất trồng dâu, trồng màu kém hiệu quả sang trồng luân canh công thức: cây kê vụ xuân - đậu tương (đậu đỗ) vụ hè thu - cây ngô vụ đông. Đồng chí Bùi Văn Minh, Chủ nhiệm HTXDVNN Đại An cho biết: Hiện nay, diện tích trồng công thức luân canh trên có khoảng hơn 10ha. Thường từ trước Tết (tháng 2 dương lịch) các hộ nông dân bắt đầu rạch rãnh để gieo kê, sau 3 tháng chăm sóc, tới tháng 5 các hộ bắt đầu thu hoạch kê. Mỗi sào kê trung bình cho thu 100kg hạt, với giá bán 19-20 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho thu lãi 1,8-1,9 triệu đồng/sào. Sau khi thu hoạch kê, một số hộ chuyển sang trồng đậu tương hoặc đậu đỗ hè thu, một số hộ cho đất nghỉ đến vụ đông trồng ngô đông sớm. Với công thức luân canh 3 vụ bền vững này, giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác đã đạt trên dưới 100 triệu đồng. Song song với việc phát triển những cây trồng mới, xã vẫn duy trì ổn định nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống với trên 60ha diện tích đất trồng dâu xen với cây ngô. Xã khuyến khích các hộ nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật từ khâu chọn lựa giống dâu, giống tằm và sử dụng đồng nhất một loại dâu tằm, phân bón, thuốc BVTV, thuốc thú y trong chuỗi sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng đất bãi ở Nam Thắng vẫn còn nhiều khó khăn như: việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn ra còn chưa đồng đều; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu, đặc biệt hệ thống thủy lợi chưa được quan tâm đầu tư; thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế…
Đồng chí Đỗ Văn Nạc, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thắng cho biết: Để tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng đất bãi ven sông, xã đã quy hoạch 10ha diện tích đất trồng dâu, trồng màu kém hiệu quả để phát triển, đầu tư mạnh về kinh tế trang trại, gia trại và đưa những cây trồng, con nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đã có một số Cty liên hệ và hiện đang làm thủ tục thuê đất để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, xã sẽ quy hoạch lại các vùng sản xuất: vùng trồng cỏ Nhật, vùng trồng kê xen ngô, vùng trồng dâu xen ngô… để tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động về thị trường tiêu thụ nông sản, giống, khoa học kỹ thuật… nhằm tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân vùng đất bãi./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh