Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015, cùng với triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Hải Toàn (Hải Hậu) đã tập trung vào một số mục tiêu mũi nhọn như: xây dựng cánh đỗng mẫu lớn, khuyến khích tích tụ ruộng đất nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.
Thực hiện mục tiêu này, xã đã xây dựng các đề án, nghị quyết chuyên đề, chọn đề án dồn điền, đổi thửa làm khâu đột phá trong phát triển kinh tế và xây dựng NTM. Trên cơ sở quy hoạch lại sản xuất, thực hiện dồn đổi diện tích theo nhóm hộ gia đình, sản xuất liền vùng, liền thửa, thuận lợi trong điều hành sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong đó, xã đã thực hiện quy hoạch sản xuất theo 4 vùng, gồm: vùng sản xuất vụ đông với trên 71ha; vùng sản xuất giống 59,7ha; vùng chuyên canh lúa cao sản 90,8ha và vùng chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây, nuôi thủy sản với diện tích 58,66ha. Sau dồn điền, đổi thửa, Hải Toàn đã dồn 13,5ha quỹ đất công gọn vào 3 vùng, trong đó vùng có diện tích lớn nhất trên 10ha tại khu vực trung tâm xã. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, dịch vụ và phát triển đô thị nông thôn trong xây dựng NTM. Đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân chủ động hợp tác, liên kết sản xuất, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ cây trồng, trồng cây vụ đông, thâm canh cánh đồng mẫu lớn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, trong đó có 25 hộ gia đình có diện tích từ 2ha trở lên.
Mô hình chuyển đổi sản xuất của gia đình ông Nguyễn Văn Mùi, xóm 8, xã Hải Toàn cho thu nhập cao. |
Từ kết quả dồn điền, đổi thửa, xã đã chỉ đạo HTXDVNN tăng cường cung cấp các dịch vụ thiết yếu và thỏa thuận, tạo điều kiện cho việc mở ra hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, toàn xã đã có 463 hộ gia đình tổ chức sản xuất theo vùng, trong đó vai trò của HTX là tổ chức liên kết, hướng dẫn sản xuất khép kín từ khâu sạ đến chăm sóc, bảo vệ thực vật cho đến khi thu hoạch. Xã đã thực hiện mô hình hợp tác liên kết sản xuất lúa giống với Cty TNHH Cường Tân. Từ việc xây dựng mô hình điểm từ năm 2013 với diện tích 10ha cho kết quả hiệu quả, khả thi, vụ xuân năm 2014, toàn xã đã mở rộng mô hình sản xuất theo hướng tập trung cùng giống, cùng trà, cùng canh tác trên một cánh đồng lớn và cùng thu hoạch với diện tích trên 50ha, mở ra hướng sản xuất gạo hàng hóa, tiến tới xuất khẩu. Thông qua hợp đồng liên kết, Cty tổ chức thu mua thóc giống theo giá trị thỏa thuận tại thời điểm thu mua, trong đó, nông dân được doanh nghiệp hỗ trợ 25% giá trị so với sản lượng thóc đã thu mua.
Bên cạnh đó, với việc triển khai nghị quyết về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, từ đầu năm 2011 đến nay, các ngành, tổ chức đoàn thể, HTX phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Hải Hậu nhằm đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 300 lao động; truyền nghề cho 450 lao động; tổ chức 8 lớp tập huấn cho trên 600 lao động với các nghề chủ yếu như: đan móc sợi, đan len, đan bẹ chuối, bèo tây xuất khẩu, nghề may gia công góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Số lao động được học nghề đã có việc làm ổn định, thường xuyên trong thời gian nông nhàn với mức thu nhập bình quân từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, để nâng cao thu nhập cho nông dân, với những cơ chế, chính sách phù hợp, xã đã tạo điều kiện cho nông dân phát triển trồng cây dược liệu, mở rộng diện tích trồng cây đinh lăng. Xã đã liên kết với Cty Dược phẩm Traphaco xây dựng cơ sở trồng và chế biến cây dược liệu để sản xuất các sản phẩm dược theo tiêu chuẩn WHO do dự án Heventat hỗ trợ. Năm 2013, xã đã thành lập tổ hợp tác trồng và chế biến cây dược liệu (cây đinh lăng) với 27 hộ nông dân tham gia tập trung ở xóm 11, 12. Như vậy, sau 3 năm triển khai, xã đã phát triển trên 10ha trồng cây đinh lăng cho thu hoạch bình quân 2 tấn/sào, với giá thu mua 24 triệu đồng/tấn; trừ chi phí, bình quân mỗi sào nông dân thu được 16 triệu đồng/sào, cao gấp 4 lần so với cấy lúa truyền thống. Việc trồng và chế biến cây dược liệu ở xã Hải Toàn đến nay thực sự trở thành nguồn thu nhập chính và ổn định của nhiều hộ gia đình. Nhiều hộ nông dân có nguồn thu nhập từ cây đinh lăng đạt 30-50 triệu đồng/năm. Ngoài việc trồng cây dược liệu, một trong những mũi nhọn của phát triển kinh tế ở địa phương là việc tiếp tục duy trì và phát triển trồng cây cảnh, cây thế. Phong trào này đã thu hút hàng trăm hộ nông dân tham gia với tổng diện tích trồng cây cảnh cây thế lên đến hàng chục hecta, tập trung ở vùng chuyển đổi cho thu nhập từ 100-150 triệu đồng/hộ/năm. Đồng chí Nguyễn Quang Đại, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hải Toàn cho biết, để thay đổi phương thức sản xuất trong nông nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập về kinh tế hộ, trong những năm tới, xã tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục dồn đổi diện tích và chuyển nhượng cho nhau; đấu và thuê có thời hạn bằng nhiều hình thức, tạo ra cánh đồng đủ rộng, liền thửa, liền vùng nhằm giảm chi phí làm đất, công lao động nâng cao thu nhập cho người nông dân. Khuyến khích thành lập các tổ, đội hợp tác liên kết đào tạo nghề nhằm tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập ổn định. Với phương châm mỗi hộ có thêm một nghề mới để tổ chức sản xuất góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, đảm bảo tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, lựa chọn mục tiêu có trọng điểm, năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 122 tạ/ha; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 96,7 triệu đồng/ha. Cơ cấu kinh tế có sự thay đổi rõ rệt; trong đó, nông nghiệp - thủy sản chiếm 40,9%, chăn nuôi chiếm 23%, dịch vụ chiếm 36,1%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,85% (đầu nhiệm kỳ 12,8%)./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn