Độc đáo thú tiêu dùng đồ cũ

07:07, 23/07/2015

Thay vì vứt bỏ những vật dụng, đồ đạc không còn dùng đến, nhiều người lại “nhặt nhạnh”, gom chúng lại, tái chế, sửa sang cho tốt, đẹp hơn rồi đem bán với giá rẻ cho những người có nhu cầu sử dụng. Đây là cách làm hay vừa tận dụng tối đa khả năng sử dụng còn lại của sản phẩm, vừa bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng tiết kiệm cho xã hội.

Mua bán đồ đã qua sử dụng tại phiên chợ Viềng Xuân, xã Nam Giang (Nam Trực).
Mua bán đồ đã qua sử dụng tại phiên chợ Viềng Xuân, xã Nam Giang (Nam Trực).

Tại gian hàng bán đồ gỗ đã qua sử dụng số 472 đường Trường Chinh (TP Nam Định), anh Bùi Minh Hùng, Phường Văn Miếu hồ hởi khi mua được bộ cánh cửa gỗ lim gồm cửa sổ, cửa ra vào còn nguyên cả bộ xà gồ, xen hoa sắt, then cửa và ổ khóa vừa đúng kích thước với ngôi nhà xây mới của mình với giá chỉ bằng 1/3 so với đóng mới mà lại không lo cong vênh, co ngót. Trò chuyện với tôi, anh Hùng cho biết: Khi quyết định xây nhà, anh bạn tôi là chủ thầu xây dựng rỉ tai nên tận dụng đồ cũ cho một số chi tiết công trình như hệ thống cửa gỗ, cửa sắt xếp, thép ống, thép hình dùng làm khung xương cho mái tôn và nhiều chi tiết khác. Ban đầu tôi hơi ngại vì gom góp cả đời mới làm được ngôi nhà, lẽ nào lại dùng đồ cũ nhưng vì tò mò tôi xem thử thì quả nhiên là tiện lợi thật. Tại đây có rất nhiều vật dụng tôi cần đến như cửa gỗ, cửa sắt, khung nhôm các loại, dăm ly, trụ, con tiện cầu thang, bàn, ghế, tủ… Tôi đã chọn được bộ cửa đại và nhiều cửa sổ, cửa thông phòng ưng ý. Hạn chế duy nhất ở bộ cửa này là kiểu dáng hơi lạc hậu so với thời điểm hiện tại nhưng tôi sẽ thuê thợ gia cố lại, thay thế phần sen hoa sắt và sơn màu cho đẹp lên mà lại không tốn kém nhiều. Tôi sẽ tìm thêm một vài nhóm vật dụng nữa để hạn chế chi tiêu, dành tiền cho những phần việc khác. Khác với anh Hùng, vợ chồng chị Hoa là khách hàng quen tại cửa hàng này, anh chị đang có ý định mở rộng cửa hàng ăn của gia đình nên tranh thủ tìm và đặt mua một số sản phẩm như: bàn ghế, dụng cụ nhà bếp như bếp gas công nghiệp, chảo, nồi nấu, bát, khay… thanh lý. Với anh chị, là người “dưới huyện” lên thành phố lập nghiệp, phải chi trả biết bao nhiêu khoản, để cạnh tranh được phải tìm cách giảm bớt phần nào chi phí ban đầu để có thể cung ứng dịch vụ ở mức giá rẻ hơn thị trường nhằm thu hút khách hàng. Phương châm tiết kiệm đồng nào hay đồng nấy trong thời điểm kinh tế khó khăn được coi là bài tính khôn ngoan của những người tiêu dùng thông thái. Xu hướng tiêu dùng này không phải mới xuất hiện trên thị trường bởi từ nhiều năm trước đây, tỉnh ta đã có hội chợ Viềng Xuân là dịp người dân muôn phương mang vật dụng đã sử dụng trong gia đình trao đổi, mua bán cầu may. Đến nay, ngoài ý nghĩa văn hóa đó, các tư thương đã đẩy cao yếu tố kinh doanh, kéo dài giá trị sử dụng trong từng sản phẩm và là đầu mối cân bằng nhu cầu tiêu dùng giữa một bên muốn từ bỏ món đồ để thay đồ mới còn bên kia muốn tìm mua nhưng thị trường không còn hoặc quá đắt, không đủ khả năng chi trả. Đáp ứng nhu cầu đó, những cửa hàng đồ cũ cứ lặng lẽ ra đời với đủ các nhóm hàng, nhiều nhất là vật liệu xây dựng, nội thất, đồ điện, điện tử, đồ gia dụng, quần áo, sách vở, đồ giả cổ hay đồ cổ… Nhóm hàng này có nguồn gốc xuất xứ từ rất nhiều nguồn khác nhau, hầu hết là đồ đã qua sử dụng có thể bị lỗi hoặc hỏng hóc, được sửa chữa lại; hoặc do các gia đình, cơ quan, doanh nghiệp thanh lý toàn bộ tài sản để trang bị mới cho phù hợp với công việc và điều kiện sinh hoạt, nhưng đôi khi đó là những món hàng từ những mùa trước còn sót lại, hay hàng tồn kho không còn hiện đại bằng những dòng sản phẩm mới mà các cửa hàng kinh doanh đẩy ra để thu hồi vốn. Để thu hút được người tiêu dùng sử dụng đồ cũ, ngoài việc tập hợp, thu gom, người bán hàng còn phải thêm công đoạn làm mới, sửa chữa những chi tiết hỏng hóc nhỏ để khách hàng có thể sử dụng ngay khi mua về. Ông Trần Sỹ Tùng, chủ cửa hàng đồ gia dụng cũ trên đường Trường Chinh (TP Nam Định) vừa giới thiệu sản phẩm vừa giảng giải cho chúng tôi về khả năng phục hồi của từng món đồ cũ. Ví như chiếc cửa sắt xếp tuy xước sơn và cong một vài miếng nhôm nhưng phần chính là thép còn rất tốt, chỉ cần lau sạch và chỉnh sửa lại thì y chang như mới. Thậm chí nếu cửa nhà bạn nhỏ hơn thì cửa hàng có thể cắt gọt vừa đúng với yêu cầu. Nhiều sản phẩm bàn ghế gỗ, gương, kính cường lực của cửa hàng cũng còn khá tốt, chỉ cần rửa sạch đi là lại như mới… mà giá cao nhất cũng chỉ bằng 60-70% so với mua mới. Nhờ phong phú về chủng loại, số lượng hàng hóa, mức giá phù hợp nên ngày càng có nhiều người tìm đến dịch vụ mua bán đồ cũ cả ở ngoài thực địa lẫn các nguồn hàng được giao bán qua mạng internet. Việc mua đồ cũ không còn mặc định là dành cho người nghèo, những người chặt chẽ trong chi tiêu mà đã trở thành thú vui, niềm đam mê của cả người bán lẫn người mua bởi đồ đạc của mình không dùng nữa nhưng vẫn còn hữu ích với nhiều người khác hay người mua phấn khởi vì được sở hữu món đồ ưng ý với giá rẻ.

Trong lúc kinh tế khó khăn, giá cả leo thang, thì việc sở hữu một món đồ cũ với chất lượng tốt và mức giá rẻ là lựa chọn của không ít gia đình, nhờ đó những cửa hàng đồ cũ lại có điều kiện “lên ngôi”. Tuy nhiên, cũng có trường hợp những món đồ cũ mua về không sử dụng được nhưng đã được người bán đem sơn sửa lại nhằm đánh lừa người mua, bởi vậy người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ trước khi mua, đồng thời cần trang bị những kiến thức cơ bản về món đồ định mua để có thể lựa chọn được món hàng ưng ý. Trước tiên hãy chú ý kiểm tra nguồn gốc xuất xứ; thời gian sử dụng của món đồ để đảm bảo an toàn đến sức khoẻ khi sử dụng, đặc biệt đối với các thiết bị sử dụng điện năng như lò vi sóng, bình nước nóng, bếp điện từ, bếp hồng ngoại…; kiểm tra linh kiện và tình trạng sản phẩm để phát hiện những lỗi hỏng hóc không thể khắc phục, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của sản phẩm. Đối với bình đun nước, thiết bị lọc, chứa đựng nước uống, thức ăn, nồi nấu các loại cần lựa chọn sản phẩm cao cấp có chất liệu tốt để tránh làm sản sinh ra các chất có hại với sức khoẻ trong quá trình đun nấu và lưu trữ thực phẩm lâu ngày; xem xét thời hạn bảo hành và linh kiện thay thế trong trường hợp sản phẩm gặp trục trặc, bạn có thể yên tâm sửa chữa hoặc đổi sản phẩm mà không lo tiêu tốn quá nhiều tiền… Cầm lòng những kiến thức cơ bản này sẽ giúp người tiêu dùng lựa chọn được những món đồ “cũ người mới ta” thật ưng ý và tiết giảm chi tiêu./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com