Thời gian gần đây, người tiêu dùng tìm đến với các loại thực phẩm dưỡng sinh như gạo lứt muối vừng, bột ngũ cốc, rong biển, củ sen, tâm sen… Đây được cho là phương pháp dưỡng sinh thông qua ăn uống để chống lại bệnh tật và nguy cơ gây hại từ thực phẩm nhiễm nhiều chất độc hại như thuốc tăng trọng, thuốc trừ sâu… cũng chính vì thế mà thị trường sản phẩm thực dưỡng ngày càng trở nên sôi động.
Sơ chế đỗ đen làm nguyên liệu chế biến sản phẩm thực dưỡng tại Cty TNHH Việt Trung, xã Tân Thành (Vụ Bản). |
Theo các nhà khoa học thì thực dưỡng là phương pháp dưỡng sinh thông qua ăn uống có nguồn gốc từ Nhật Bản. Sản phẩm thực dưỡng là những thực, động vật có nguồn gốc từ thiên nhiên muối biển, gia vị không hoá chất, đạm thực vật có chất ngọt tự nhiên với các sản phẩm đặc trưng như gạo lứt, muối vừng, ngũ cốc, rong biển. Đặc biệt trong quá trình chế biến sản phẩm thực dưỡng chỉ được phép sử dụng ngọn lửa của củi, than, gas để nấu chín, tuyệt đối không dùng điện. Phương pháp này đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là một phương pháp cân bằng tự nhiên thành phần thức ăn đưa vào cơ thể để giảm bệnh tật, giữ cho cơ thể khoẻ mạnh và khác biệt hoàn toàn với cách ăn chay thông thường. Ví như khi ăn gạo lứt muối vừng mang đến cho cơ thể nhiều chất xơ hòa tan, vitamin, khoáng chất, chất chống ô-xy hóa tốt có trong lớp vỏ cám. Chất xơ đó còn giúp đào thải cholesterol, ngăn ngừa bệnh tim mạch, tốt cho người bị đái tháo đường. Vừng đen chứa nhiều vitamin E giúp nhuận tràng, bổ não và chống lão hóa... Bên cạnh tác dụng phòng và chữa bệnh, sản phẩm này còn được các chủ cửa hàng khuyến cáo có tác dụng làm đẹp da, giữ vóc dáng thon gọn và chế biến nhiều món ăn khác nhau nên nhanh chóng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi, không giới hạn là những người lớn tuổi, người có bệnh như trước đây. Xuất hiện trên thị trường tỉnh ta chưa lâu nhưng sản phẩm thực dưỡng có hàng trăm loại khác nhau gồm: gạo lứt đủ loại, yến mạch, hạt kê, bo bo, bún, mì, miến, muối biển, nước tương, muối vừng, bánh đa, cốm gạo lứt, đậu, rau củ quả có nguồn gốc hữu cơ… với thực đơn cụ thể như cơm gạo lứt muối vừng, gạo lứt rong biển dùng vào các bữa chính; sữa ngũ cốc, gạo lứt huyết rồng rang dùng cho bữa phụ còn trà gạo rang, trà củ sen, trà xanh ba năm… được dùng làm nước uống hằng ngày… Ngoài ra còn dấm hoa quả, nước tương, vừng rang… dùng làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn khác. Giá sản phẩm thực dưỡng chỉ nhỉnh hơn so với thực phẩm thông thường lại tiện dụng và an toàn cho sức khỏe nên được nhiều người lựa chọn nhất là người già, trẻ em và phụ nữ tin dùng. Tại cửa hàng sản phẩm thực dưỡng số 446 đường Trần Hưng Đạo, chị Nguyễn Thị Hường, khu quân nhân, tranh thủ giờ nghỉ trưa ra mua ba bát cơm gạo lứt về sử dụng cho cả gia đình. Chị cho biết: Trong khi có quá nhiều nguy cơ bệnh tật do thức ăn nhiễm hóa chất, dư lượng kháng sinh, chất bảo quản nên khi được giới thiệu công dụng của sản phẩm thực dưỡng chúng tôi quyết tâm sử dụng để phòng ngừa mầm mống bệnh tật. Tuy nhiên do không có thời gian chế biến, lại mới tập ăn nên một tuần ba lần, tôi đến đây nhờ bà Liên nấu giúp. Bà Liên - chủ cửa hàng luôn tất bật vừa xới cơm, bán hàng cho khách, vừa cẩn thận giới thiệu từng loại sản phẩm, hướng dẫn cách sử dụng cho khách hàng mới đến. Cái duyên đến với nghề cung ứng sản phẩm thực dưỡng thật tình cờ khi đến tuổi nghỉ hưu, sức khỏe yếu chữa trị bao nhiêu thầy thuốc mà không khỏi, bà chỉ quanh quẩn việc nhà, lúc khỏe thì đi lễ chùa cho khuây khỏa. Tình cờ, bà được nhà chùa khuyên dùng sản phẩm gạo lứt muối vừng để làm hạn chế một số triệu trứng của bệnh viêm khớp, cao huyết áp… Bà vừa làm theo vừa nghiên cứu thêm các tài liệu khoa học minh chứng cho hiệu quả của phương pháp dưỡng sinh thông qua cách ăn uống này. Chỉ sau 6 tháng sức khỏe của bà được cải thiện, bà tự tin làm thức ăn thực dưỡng cho người thân, bà con lối xóm cùng dùng. Cứ thế, tiếng lành đồn xa, nhiều người đến hỏi han, nhờ bà làm giúp, rồi nhờ truyền dạy cách làm đã khiến nhà bà thành cửa hàng lúc nào không hay. Bà cho biết: để có được bát cơm gạo lứt, bà trộn gạo với đỗ đỏ và ngâm trong nước mưa từ tối hôm trước với lượng nhất định. Sáng hôm sau âu gạo đó được cho vào trong chiếc nồi quân dụng, đun cách thủy trong vòng 4 tiếng đồng hồ để hạt gạo chín hơi căng mọng không mất chất dinh dưỡng mà vẫn mềm, dẻo và giữ được độ đậm đà, giòn ngon đặc trưng của vỏ cám. Với cách làm cầu kỳ này nhiều người muốn sử dụng nhưng không có thời gian và kỹ thuật để làm. Vậy là từ chiếc nồi cơm nhỏ vừa cho 4 người ăn của gia đình bà thường nấu đã nhân lên gấp đôi, rồi gấp ba, gấp năm lần mới đủ phục vụ nhu cầu của bà con quanh vùng. Nhiều gia đình có cỗ chay hoặc vào ngày rằm, mùng một, lễ vu lan báo hiếu, cửa hàng thực dưỡng của gia đình bà đông khách gấp bội. Đến nay ngày nào bà cũng nấu một nồi cơm gạo huyết rồng nóng hổi phục vụ gia đình và những khách hàng quen. Ngoài ra còn trà gạo lứt, cháo dinh dưỡng, sữa bột ngũ cốc, bột sắn dây, trà xanh 3 năm, trà tâm sen, củ sen và hạt sen khô… Toàn bộ sản phẩm trên do một tay bà chế biến từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, theo đúng công thức nguyên bản dịch ra từ tiếng Nhật bằng cả tình cảm và trách nhiệm với khách hàng để cổ động việc ăn uống một cách khoa học, giữ gìn sức khỏe cho mọi người. Ngoài cửa hàng của bà Liên, nhiều cửa hàng chuyên doanh thực dưỡng khác cũng mở ra đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó do xu hướng sử dụng sản phẩm thực dưỡng tăng cao nên các hàng xay bột trẻ em vốn lặng lẽ bấy lâu nay do nhu cầu sử dụng bột ăn dặm được thay thế cũng sôi động trở lại để nghiền ngũ cốc. Nhiều hàng xay bột cũng áp dụng công thức thực dưỡng chế biến sẵn các loại bột đỗ xanh, đỗ tương, đỗ đen, sen, vừng đen, củ dền, cà rốt… hay bột tổng hợp với 5, 7 hay 9 loại ngũ cốc khác nhau bán cho người tiêu dùng với giá từ 70 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng/kg.
Sản phẩm thực dưỡng đang là xu hướng tiêu dùng tích cực không chỉ có lợi cho sức khỏe cộng đồng, mở thêm ngành nghề kinh doanh mới mà còn có tác động lớn đến việc làm thay đổi tư duy sản xuất phụ thuộc vào các loại phân bón hóa học, hóc môn tăng trưởng, chất bảo quản trong sản xuất hiện nay. Để sản phẩm thực dưỡng phát huy tác dụng và phát triển bền vững, bên cạnh việc các cơ sở kinh doanh chủ động đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, cung cách phục vụ khách hàng, người tiêu dùng cũng phải trang bị kiến thức nâng cao kỹ năng mua sắm, lựa chọn và sử dụng sản phẩm đúng cách tránh những thiệt hại do thói quen tiêu dùng thái quá gây ra./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương