Những năm gần đây, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (TDND) trên địa bàn tỉnh đã không ngừng lớn mạnh về quy mô cũng như chất lượng hoạt động tín dụng. Tuy vậy, qua các đợt thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho thấy các quỹ TDND vẫn còn không ít những hạn chế cần khắc phục để bảo đảm hoạt động hiệu quả và phù hợp với các quy định của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
I - Ghi nhận những kết quả
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 41 quỹ TDND đang hoạt động, trong đó Thành phố Nam Định có 2 quỹ, huyện Hải Hậu 10 quỹ, Trực Ninh 9 quỹ, Xuân Trường 7 quỹ, Giao Thủy 6 quỹ, Nghĩa Hưng 4 quỹ và các huyện: Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên mỗi huyện có 1 quỹ. Theo đánh giá của Chi nhánh NHNN tỉnh thì hầu hết các quỹ TDND đều đang hoạt động khá hiệu quả, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, hướng dẫn của NHNN và các quy định nội bộ của quỹ. Thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, người điều hành quỹ TDND cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Các quỹ đã mở đầy đủ sổ kế toán nội bảng và ngoại bảng; chứng từ kế toán được lưu giữ cẩn thận, đầy đủ; chấp hành chế độ về chứng từ theo quy định của NHNN. Thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo về kế toán tài chính, thống kê, báo cáo hoạt động kiểm soát, báo cáo các tỷ lệ đảm bảo an toàn. Công tác an toàn kho quỹ đã cơ bản thực hiện theo quy định, ban hành chế độ giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản; tiền mặt được phân loại theo mệnh giá, có kiểm quỹ hằng ngày; các loại ấn chỉ được bảo quản nghiêm ngặt tại trụ sở quỹ. Việc xuất nhập tài sản đảm bảo, giấy tờ liên quan đều có phiếu xuất nhập và được lưu trữ đầy đủ… Nhờ đó, đến hết tháng 6-2015, tổng nguồn vốn huy động của các quỹ TDND trong toàn tỉnh đạt 1.616 tỷ đồng, tăng 330 tỷ đồng so với đầu năm; số vốn quỹ huy động bình quân TDND đạt 39,4 tỷ đồng/quỹ. Doanh số cho vay ước đạt 1.817 tỷ đồng, tăng 189 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014; số dư cho vay bình quân đạt 44,3 tỷ đồng/quỹ. Tổng số nợ xấu là 5 tỷ 766 triệu đồng, chiếm 0,36% tổng dư nợ. Nhiều quỹ hoạt động hiệu quả, có số dư nợ cao như: Quỹ TDND Xuân Tiến (Xuân Trường), Nam Thanh (Nam Trực), Trực Hùng và Liêm Hải (Trực Ninh), Hải Hà (Hải Hậu), Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng)… Đa số các quỹ đều kinh doanh có lãi, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Các quỹ TDND ra đời và hoạt động hiệu quả đã góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi và xóa bỏ tình trạng cho vay nặng lãi ở các vùng nông thôn. Nguồn vốn cho vay từ các quỹ TDND là nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho nhân dân trên địa bàn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho gia đình và xã hội. Đến nay có 10/41 quỹ TDND đã thực hiện chuyển tiền điện tử. Đây được xem là bước tiến quan trọng của các quỹ TDND trong việc áp dụng công nghệ hiện đại nhằm mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng…
Người dân đến giao dịch tại Quỹ TDND Nam Thanh (Nam Trực). |
II - Những hạn chế và giải pháp khắc phục
Có thể khẳng định, những lợi ích về kinh tế - xã hội mà hệ thống quỹ TDND mang lại đối với các địa phương là không hề nhỏ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các quỹ TDND đã bộc lộ không ít hạn chế cần phải khắc phục để bảo đảm hoạt động hiệu quả hơn. Qua 12 đợt thanh tra, kiểm tra các quỹ TDND của NHNN từ đầu năm đến nay cho thấy: HĐQT, giám đốc một số quỹ TDND chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định, như: chưa chỉnh sửa, bổ sung đầy đủ các quy chế, quy định nội bộ phù hợp với các quy định hiện hành và thực tế hoạt động của quỹ. Công tác kiểm soát còn yếu, chưa phát hiện được các sai sót trong quá trình hoạt động để khắc phục kịp thời. Về công tác tín dụng, qua kiểm tra 12 quỹ TDND gồm: Thọ Nghiệp, Xuân Bắc, Xuân Tân (Xuân Trường); Giao Thanh, Hoành Sơn (Giao Thủy), Đại An (Vụ Bản); Nam Thanh (Nam Trực); Trực Thắng, Cổ Lễ (Trực Ninh); Hải Bắc, Hải Ninh (Hải Hậu); Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) thì trong tổng số 162 món vay, với số dư nợ 19 tỷ 826,8 triệu đồng đã cho vay ngoài địa bàn hoạt động hoặc cho vay đối tượng không được là thành viên của quỹ TDND. Có 158 món vay, với dư nợ 18 tỷ 785,9 triệu đồng sử dụng vốn sai mục đích ghi trên hợp đồng tín dụng. Về hồ sơ vay vốn có 2.924 món vay với số dư nợ là 26 tỷ 327 triệu đồng có sai phạm. Các sai phạm chủ yếu, gồm: Thiếu đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đủ điều kiện kinh doanh; không có phương án, dự án kinh doanh theo quy định của quỹ; thiếu tài liệu chứng minh sử dụng tiền vay; cho vay tiêu dùng nhưng không có tài liệu chứng minh nguồn trả nợ; không có tài liệu chứng minh góp; cho vay trung hạn hoặc cho vay tiêu dùng trả nợ từ lương nhưng không phân kỳ trả nợ hợp lý mà thu tiền gốc một lần vào cuối kỳ; khách hàng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bảo đảm tài sản thế chấp. Về công tác thẩm định, hầu hết báo cáo thẩm định của các quỹ TDND có nội dung sơ sài, không tính cụ thể hoặc đánh giá tình hình tài chính, thu nhập, xác định vốn tự có của khách hàng. Chưa thực hiện đúng quy định về bảo đảm tiền vay có 1.056 món vay, dư nợ 109 tỷ 599,4 triệu đồng, cụ thể 11 món vay không thực hiện bảo đảm bằng tài sản theo quy định của quỹ; 575 món vay chưa thực hiện đăng ký giao dịch theo quy định tại Thông tư 20 của Bộ TN và MT về trình tự, thủ tục đăng ký và cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh bằng giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất hoặc sử dụng đăng ký của món vay đã tất toán; 425 món vay có hợp đồng thế chấp chưa bảo đảm tính pháp lý; 7 món vay vượt quá quy định của quỹ. Bên cạnh đó, các quỹ TDND còn mắc các sai phạm về tài sản thế chấp, hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp không thống nhất về người đồng sở hữu tài sản với người vay và người thừa kế; cho vay tín chấp bằng lương nhưng xác định tổng giá trị tài sản thế chấp bằng tổng giá trị tiền lương trong thời gian vay vốn; xác định giá trị tài sản, nhập ngoại bảng sai, nhập 2 lần giá trị cùng một tài sản; lập hợp đồng thế chấp tài sản không có tài liệu chứng minh về tài sản thế chấp. Việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro chưa đúng quy định còn xảy ra ở quỹ TDND Đại An, Trực Thắng, Xuân Bắc, Hải Bắc, Xuân Tân, Cổ Lễ. Công tác kế toán tài chính vẫn có sai phạm ở 920 món vay, với số tiền 22 tỷ 462 triệu đồng, trong đó thiếu chứng từ 220 món vay; chứng từ không bảo đảm tính pháp lý 297 món vay. Một số quỹ chưa chấp hành nghiêm nguyên tắc, thể lệ, chế độ quy định của NHNN về công tác kế toán, an toàn kho quỹ… Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên là do HĐQT, Ban giám đốc, Ban kiểm soát các quỹ chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Quyết định số 45/2006/QĐ-NHNN ngày 13-9-2006 của Thống đốc NHNN quy định về tổ chức và hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát, người điều hành quỹ TDND; khi xảy ra những sai sót, vi phạm chưa xử lý kịp thời và kiên quyết. Trình độ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, viên chức của các quỹ TDND còn hạn chế; ý thức, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ tín dụng còn kém. Việc nhận thức và thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra của các quỹ TDND chưa thực sự đầy đủ, triệt để… Công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kế toán, huy động vốn, cho vay, quản trị… chưa được coi trọng và thực hiện thường xuyên. Việc đào tạo lực lượng kế cận, bố trí cán bộ trẻ có năng lực, trình độ chuyên môn chưa được các quỹ quan tâm đúng mức…
Để giải quyết những tồn tại trên, thời gian tới Chi nhánh NHNN tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời những hạn chế, sai sót của các quỹ TDND để kiến nghị, yêu cầu các quỹ khắc phục sửa chữa ngay. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để bảo đảm các quỹ TDND hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật. Với trách nhiệm của mình, Ngân hàng Hợp tác xã tỉnh cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh đào tạo, hướng dẫn về công tác tín dụng, hoạt động cho vay, phân tích tài chính, thẩm định tín dụng… nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của các quỹ TDND là thành viên của mình. Tích cực hướng dẫn các quỹ TDND áp dụng thực hiện chuyển tiền điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ và gia tăng tiện ích cho các thành viên và khách hàng. Đối với các quỹ TDND cần chủ động thực hiện nghiêm túc các quy định của NHNN về số dư tiền gửi, định mức cho vay… Chú trọng đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kế toán, huy động vốn, cho vay, quản trị… Thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo về kế toán tài chính, thống kê, báo cáo hoạt động kiểm soát, báo cáo các tỷ lệ đảm bảo an toàn. Quan tâm đào tạo lực lượng cán bộ kế cận; thực hiện nghiêm túc và triệt để những kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra của các lực lượng chức năng./.
Bài và ảnh: Văn Đại