Bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới

07:07, 30/07/2015

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Nghĩa Hưng đã thực sự đi vào cuộc sống, phù hợp với nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Chương trình đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện thực hiện đồng bộ, toàn diện với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Đồng chí Sái Hồng Thanh, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết: Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện ủy, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM, tập trung chỉ đạo tích cực tổ chức thực hiện chương trình; chọn 9 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, trong đó xã Nghĩa Sơn là đơn vị làm điểm. BCH Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) đất nông nghiệp. UBND huyện chỉ đạo các cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng nông nghiệp, nông thôn; đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML), hỗ trợ cây vụ đông, hướng dẫn DĐĐT đất nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại, BVMT, cơ chế đầu tư thuỷ lợi gắn với đắp nền đường ra đồng… Các xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 đều ban hành nghị quyết xây dựng NTM; tổ chức lập đề án xây dựng NTM của xã và hướng dẫn thôn, đội lập phương án xây dựng NTM. Các xã, thị trấn còn lại căn cứ tình hình thực tế của địa phương triển khai xây dựng NTM, lựa chọn các tiêu chí khả thi để thực hiện trước. Từ thực tiễn triển khai xây dựng NTM tại xã điểm Nghĩa Sơn, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Hưng đã kịp thời rút kinh nghiệm chỉ đạo các xã, thị trấn từ quy hoạch, kế hoạch, xây dựng đề án, xây dựng kết cấu hạ tầng, DĐĐT đất nông nghiệp, góp đất, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng… Đồng thời, cụ thể hóa phân nhóm các công trình kết cấu hạ tầng xây dựng NTM thuộc 3 cấp gồm: các công trình xây dựng trực tiếp do UBND xã làm chủ đầu tư; các công trình do thôn, xóm trực tiếp quản lý phục vụ lợi ích thiết thực cho thôn, xóm, kinh phí thực hiện các công trình Nhà nước hỗ trợ không quá 50%, nhân dân đóng góp và huy động các nguồn lực từ 50% giá trị công trình trở lên; công trình nhà ở của nhân dân, chỉnh trang trong khuôn viên thổ cư, đường vào ngõ… do nhân dân tự làm theo quy hoạch. Từ kết quả phân chia các nhóm công trình trên, nhân dân thấy thiết thực, dễ bàn bạc thống nhất, dễ kiểm tra giám sát, tạo đồng thuận cao. Đây chính là cách làm mới sáng tạo của Nghĩa Hưng trong thực hiện xây dựng NTM.

Xã nông thôn mới Nghĩa Minh.
Xã nông thôn mới Nghĩa Minh.

Với chủ trương đúng, sáng tạo, xác định quy hoạch là cơ sở quan trọng để xây dựng NTM, phải đi trước một bước, Nghĩa Hưng chỉ đạo các xã, thị trấn sớm hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng NTM đảm bảo đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất và chỉ tiêu bảo toàn diện tích đất trồng lúa được giao. Huyện coi nhiệm vụ DĐĐT là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, trong xây dựng NTM; hết năm 2012, 25 xã, thị trấn của huyện đã hoàn thành DĐĐT; hoàn thiện cắm mốc giới theo đúng quy hoạch xây dựng NTM. Thông qua DĐĐT, các xã, thị trấn đã vận động nhân dân góp 266,4ha đất; góp công, kinh phí xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng kết hợp chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng; quy gọn được quỹ đất công, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Sau DĐĐT các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch, tổ chức chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất CĐML gắn với sản xuất 3 vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn huyện có 22 xã, thị trấn thực hiện sản xuất theo mô hình CĐML với tổng diện tích gần 3.000ha, lợi nhuận cao hơn gần 10 triệu đồng/ha/vụ so với cấy lúa truyền thống. Diện tích sản xuất cây vụ đông liên tục tăng qua từng năm. Giá trị sản xuất năm 2014 của Nghĩa Hưng đạt 109 triệu đồng/ha đất canh tác, là một trong những địa phương dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản có nhiều mô hình trang trại đạt hiệu quả kinh tế cao, có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.

Thực hiện phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, huyện đã tập trung chỉ đạo, tạo mọi điều kiện để triển khai thi công các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện như: nâng cấp đường tỉnh lộ 490C2, đường Giây Nhất - Chợ Gạo; đường Hồng - Hải - Đông; nâng cấp đường 486B; đường Lâm - Hùng - Hải, các tuyến đường cứu hộ; cải tạo nâng cấp hệ thống thuỷ lợi Quần Vinh I, Quần Vinh II, Bình Hải 1, Đại Tám...; nâng cấp hệ thống đê, kè biển và hạ tầng kinh tế biển; khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão; nâng cấp các trường học; trung tâm văn hoá, thể thao; trụ sở làm việc, NVH... Hoàn thành nhà máy nước sạch khu vực Thị trấn Liễu Đề - Nghĩa Trung và nhà máy nước sạch Thị trấn Quỹ Nhất; hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình bể bơi xã Nghĩa Phú, bể bơi trung tâm huyện… Các công trình hạ tầng được đầu tư xây mới, nâng cấp đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tổng vốn huy động đầu tư xây dựng NTM sau hơn 4 năm của toàn huyện đạt trên 685 tỷ đồng. Các xã, thị trấn đã xây mới, cải tạo và nâng cấp 12 NVH xã, khu thể thao xã; 225 NVH thôn; 212 khu vui chơi tập luyện TDTT, 42 sân bóng đá, 38 sân bóng chuyền, 215 sân cầu lông… 9 xã, thị trấn xây dựng NTM đã triển khai và đưa vào sử dụng trên 700 công trình hạ tầng NTM: nạo vét 67 kênh cấp I và II, đầu tư xây mới và cải tạo nâng cấp trên 700 cống đập cấp III; 100% đường từ trung tâm xã và trục xã đạt chuẩn, cứng hóa 106,2km đường trục chính nội đồng, cứng hóa 105,8km đường thôn, xóm; hệ thống điện nông thôn, trường lớp học tiếp tục được xây mới, cải tạo, nâng cấp… phục vụ sản xuất và dân sinh. Trong 9 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 có 8 xã, thị trấn đạt cơ bản đạt 19 tiêu chí; riêng xã Nghĩa Hồng phấn đấu hoàn thành trong năm 2015. Ở 16 xã, thị trấn còn lại bình quân đạt 9-11 tiêu chí. Vừa qua, huyện được tỉnh phê duyệt 4 xã, thị trấn là: Liễu Đề, Nghĩa Trung, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phúc tham gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 được thực hiện từ năm 2015.

Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt nhiệm kỳ 2015-2020, trong thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục chỉ đạo Đảng bộ các xã, thị trấn tập trung quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện về xây dựng NTM; cân đối, tính toán bố trí phù hợp ngân sách Nhà nước, ưu tiên hỗ trợ xây dựng NTM. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng có hiệu quả về mục đích yêu cầu, nội dung, phương thức, cách làm, cách tổ chức triển khai nhiệm vụ xây dựng NTM đến từng thôn, xóm, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện, tạo sự đoàn kết nhất trí cao, cùng chung sức xây dựng NTM. Phát huy dân chủ, tiếp tục huy động các nguồn lực trong nhân dân, nguồn lực của con em quê hương đang công tác ngoài huyện, nguồn lực của các tổ chức kinh tế - xã hội để xây dựng NTM. Phát động sâu rộng phong trào thi đua yêu nước, chung sức xây dựng quê hương; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư để xây dựng NTM với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”. Tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; nhân rộng mô hình CĐML 3 vụ nhằm nâng cao thu nhập, phát triển trang trại, gia trại có hiệu quả kinh tế cao, tạo bước chuyển biến quan trọng về mức sống nhân dân và diện mạo nông thôn. Tập trung cao độ phát triển CN-TTCN, dịch vụ; xây dựng các điểm công nghiệp: may Nghĩa Thái, may Quỹ Nhất, may Nghĩa Lạc. Phát huy lợi thế KCN Dệt may Rạng Đông với quy mô giai đoạn 1 là 515ha đi vào hoạt động sẽ thu hút hàng chục vạn lao động, góp phần nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của nhân dân. Tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án: đường trục nối Khu kinh tế Ninh Cơ với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển đi qua 6 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hạng mục dự án WB6 kênh nối giữa sông Ninh Cơ và sông Đáy… Đưa vào quy hoạch và xúc tiến đầu tư xây dựng Khu thương mại dịch vụ ngoài đê PAM với diện tích từ 500-800ha. Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 12%/năm; giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 25%, công nghiệp - xây dựng 40,5%, dịch vụ - thương mại 34,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng…; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩn huyện NTM./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com