Chất lượng công trình (CLCT) là yếu tố quan trọng đảm bảo hiệu quả đầu tư, quyết định chất lượng đầu tư của dự án. Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng còn gặp nhiều khó khăn trở ngại. Theo Phòng Quản lý CLCT xây dựng (Sở Xây dựng) cho biết, thông qua công tác quản lý cho thấy chất lượng khảo sát, thiết kế vẫn còn nhiều tồn tại. Nguyên nhân là do năng lực của nhiều đơn vị tư vấn thiết kế còn yếu nên hồ sơ thiết kế phải sửa chữa nhiều lần. Một số công trình sai sót trong việc tính toán kết cấu, thiết kế công trình hoặc thể hiện sai trên bản vẽ, không bảo đảm an toàn của công trình dẫn đến phải chỉnh sửa thiết kế ban đầu. 6 tháng đầu năm 2015, Sở đã tiến hành thẩm định 76 hồ sơ và cắt giảm so với dự toán hơn 38 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số công trình khi tiến hành thanh tra, kiểm tra buộc phải cắt giảm mức quyết toán công trình do công tác nghiệm thu vật liệu đầu vào, nghiệm thu hạng mục công việc chưa đủ căn cứ; nhà thầu tư vấn giám sát trên công trường không lập sơ đồ tổ chức và đề cương giám sát theo quy định, không tổ chức khảo sát, giám sát xây dựng... khiến cho công tác nghiệm thu, quyết toán công trình gặp nhiều cản trở. Các lỗi vi phạm chủ yếu do sai lệch quyết toán một số khối lượng không đúng với thực tế thi công. Ngoài ra, tình trạng một số công trình khó xác định mức chi phí bảo hành công trình (chủ yếu do chủ đầu tư tự thỏa thuận trong hợp đồng với các nhà thầu tham gia xây dựng công trình), chi phí bảo trì công trình cũng gây khó khăn và dễ gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.
Thi công dự án cải tạo, nâng cấp cửa sông Lạch Giang tại Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu). |
Ngày 12-5-2015, Chính phủ ban hành Nghị định 46/2015/NĐ-CP quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng có hiệu lực thi hành từ 1-7-2015 tiếp tục tập trung giải quyết các khúc mắc và tồn tại phát sinh trong lĩnh vực quản lý CLCT xây dựng. Đặc biệt, công tác giám sát thi công, đảm bảo chất lượng thi công trên công trường được quan tâm hơn. Theo Nghị định 46, chất lượng thi công xây dựng công trình phải được kiểm soát từ công đoạn mua sắm, sản xuất, chế tạo các sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện và thiết bị được sử dụng vào công trình cho tới công đoạn thi công xây dựng, chạy thử và nghiệm thu đưa hạng mục công trình, công trình hoàn thành vào sử dụng. Đây là bước tiến mới để giảm thiểu các sự cố đáng tiếc xảy ra trên công trường do các thiết bị thi công không đảm bảo chất lượng hoặc dễ xảy ra sự cố trong mùa lũ bão, nhất là các thiết bị vận thăng, cần cẩu, trục tháp. Đối với các công trình đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, việc tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình phải độc lập với các nhà thầu thi công xây dựng và các nhà thầu chế tạo, sản xuất, cung ứng vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình. Để đảm bảo tính khách quan, đơn vị giám sát thi công xây dựng không được tham gia kiểm định CLCT xây dựng do mình giám sát. Nhà thầu chế tạo, sản xuất, cung ứng vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình cũng không được tham gia kiểm định chất lượng sản phẩm có liên quan đến vật tư, thiết bị do mình cung cấp. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về bảo trì công trình xây dựng và thời gian bảo hành đối với hạng mục công trình, công trình xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp kể từ khi nghiệm thu và quy định mức tiền bảo hành đối với công trình sử dụng vốn Nhà nước. Cụ thể mức tiền bảo hành đối với công trình sử dụng vốn Nhà nước được quy định: 3% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt và cấp I; 5% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng cấp còn lại. Đối với các công trình cấp III không phải lập quy trình bảo trì riêng cho từng công trình. Trách nhiệm thực hiện bảo trì công trình xây dựng cũng được quy định rõ ràng thuộc về chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình.
Nhằm tạo hành lang pháp lý, đưa Nghị định 46 vào cuộc sống, Sở Xây dựng sẽ hoàn tất rà soát các thủ tục hành chính về CLCT thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, huyện để trình UBND tỉnh công bố; phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ngành có liên quan đến CLCT đảm bảo phân công, phân cấp rõ ràng, phù hợp với quy định của Luật Xây dựng (sửa đổi). Sở Xây dựng sẽ tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quyết định quy định trách nhiệm quản lý CLCT xây dựng trên địa bàn tỉnh Nam Định trong tháng 6-2015. Đồng thời, tích cực phối hợp với các chủ đầu tư, các cấp, ngành địa phương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hiện tượng sai phạm, tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Tổ chức rà soát, hướng dẫn các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng rà soát, điều chỉnh, bổ sung các định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc 7 bộ đơn giá xây dựng, phần khảo sát; phần sửa chữa; phần lắp đặt; phần thí nghiệm vật liệu, cấu kiện và kết cấu xây dựng; bảng giá ca máy và thiết bị thi công trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với công nghệ, biện pháp thi công mới. Chỉ đạo các cấp, ngành quan tâm tăng cường công tác quản lý tư vấn giám sát thi công trên công trường để làm cơ sở cho việc lập đơn giá, quản lý chi phí và thanh, quyết toán công trình được kịp thời, công khai, minh bạch. Triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ công việc ISO-ONLINE tại cơ quan, nhằm tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành và thực hiện nghiêm cơ chế hành chính một cửa trong giải quyết các thủ tục hành chính về CLCT. Phối hợp, tổ chức tập huấn, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các đơn vị có công trình xây dựng, các đơn vị tham gia hoạt động xây dựng về Nghị định 46/2015/NĐ-CP và thông tư hướng dẫn mới của nghị định này./.
Bài và ảnh: Đức Toàn