Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25-7-2011 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề nông thôn giai đoạn 2011-2015, sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề giai đoạn 2011-2014 đạt 24,4%, chiếm tỷ trọng gần 54% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 36,4 nghìn lao động…
Để triển khai thực hiện nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 12-8-2011; giao các sở, ngành: NN và PTNT, Công thương... chủ trì tiến hành rà soát thực trạng các làng nghề, làng nghề truyền thống hiện có trên địa bàn, các CCN tập trung, các địa phương có thế mạnh phát triển sản xuất CN-TTCN và chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề nông thôn. Trên cơ sở đó, căn cứ thực tế và điều kiện cụ thể, các huyện, Thành phố Nam Định đã ban hành nghị quyết chuyên đề, xây dựng chương trình công tác trọng tâm và kế hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề. Cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành 4 quyết định quy định các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn. Để hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn có điều kiện đầu tư công nghệ, thiết bị, mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương thực hiện tốt công tác khuyến công, xúc tiến thương mại. Nhờ đó, trong 4 năm qua, đã có trên 80 doanh nghiệp được UBND tỉnh quyết định hỗ trợ một phần kinh phí tham dự 32 hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành Công thương tổ chức 21 hội chợ, triển lãm gồm: hội chợ, triển lãm tại Thành phố Nam Định quy mô 250-400 gian hàng/hội chợ; 16 hội chợ, triển lãm tại các huyện quy mô 100-150 gian hàng/hội chợ.
Sản xuất máy ép gạch thủy lực tại Cty TNHH Cơ khí Thanh Bằng, CCN Xuân Tiến (Xuân Trường). |
Thông qua các chương trình, đề án khuyến công, trong giai đoạn 2011-2014, UBND tỉnh và Bộ Công thương đã hỗ trợ kinh phí trên 20,5 tỷ đồng để tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho trên 17 nghìn lao động nông thôn; hỗ trợ 8 doanh nghiệp tổ chức các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới với mức kinh phí từ 140-250 triệu đồng/mô hình; 20 lớp tập huấn về khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Đồng thời UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư về địa bàn nông thôn. Sau 4 năm triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, của tỉnh tại khu vực nông thôn đã có thêm 336 doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN được thành lập mới với tổng vốn điều lệ đăng ký trên 1.519 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho trên 11,8 nghìn lao động nông thôn; nâng tổng số các doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN khu vực nông thôn lên 850 doanh nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 20 CCN tập trung, trong đó có 15 CCN đã được lấp đầy diện tích. Trong các CCN tập trung đã lấp đầy diện tích có 8 CCN được lấp đầy trong giai đoạn 2011-2014 là: Hải Phương, Hải Minh (Hải Hậu); Trung Thành, Quang Trung (Vụ Bản); Xuân Tiến, Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường); Cát Thành, Trực Hùng (Trực Ninh)... Các CCN tập trung đã thu hút thêm được 95 doanh nghiệp đầu tư mới, nâng tổng số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư vào các CCN lên 471 với tổng vốn đăng ký đạt xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, tổng vốn đã thực hiện là trên 2.700 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các CCN tập trung đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 18.724 lao động nông thôn, tăng thêm 7.124 lao động so với năm 2011. Ngoài các dự án đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN trong các CCN tập trung, 4 năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã thu hút được nhiều dự án lớn (trong nước, nước ngoài và trong tỉnh), giải quyết việc làm cho nhiều lao động như: Cty TNHH Yamani Dynasty (Đài Loan) đầu tư trên 1.000 tỷ đồng tại xã Nam Hồng (Nam Trực) thu hút trên 2.600 lao động; Cty CP May Sông Hồng đầu tư trên 350 tỷ đồng xây dựng khu sản xuất Sông Hồng - Nghĩa Hưng tại xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng), dự kiến thu hút trên 2.000 lao động; tại huyện Trực Ninh có các dự án: Cty TNHH AMARA Việt Nam đầu tư trên 540 tỷ đồng tại Thị trấn Cổ Lễ, dự kiến thu hút trên 8.000 lao động và Cty CP May 9 đầu tư gần 70 tỷ đồng tại xã Trực Phú... Bên cạnh các CCN tập trung, trong 4 năm thực hiện Nghị quyết, toàn tỉnh đã phát triển thêm được 9 điểm công nghiệp tại các xã xây dựng NTM như: Xuân Ninh, Xuân Kiên (Xuân Trường); Thị trấn Yên Định, Hải Đường (Hải Hậu); Giao Yến, Hoành Sơn (Giao Thủy)... Các điểm công nghiệp đã thu hút được 13 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 1.344 tỷ đồng, ước tạo thêm việc làm và thu nhập cho 4.170 lao động nông thôn. Cùng với các cụm, điểm công nghiệp, đòn bẩy mạnh mẽ cho sản xuất CN-TTCN khu vực nông thôn phát triển khả quan là các làng nghề, làng nghề truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 124 làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất CN-TTCN gồm 94 làng nghề cũ và 30 làng nghề mới được phục hồi, nhân cấy và phát triển thành công trong các năm 2011-2014; trong đó có 51 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận đủ các tiêu chí theo quy định của Bộ NN và PTNT. Ngoài các làng nghề truyền thống, có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm hiện vẫn đang hoạt động ổn định, 4 năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã phục hồi và nhân cấy thành công các làng nghề, làng nghề truyền thống, là động lực thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Tiêu biểu như huyện Ý Yên đã nhân cấy thành công nghề chạm khắc gỗ ở thôn Đằng Động, xã Yên Hồng; phục hồi thành công các nghề thêu ren, khâu nón tại các thôn Nhuộng, Trung, Mạc Sơn... của xã Yên Trung. Huyện Hải Hậu có các làng nghề mộc mới như: Kim Thành, xã Hải Vân; Tam Tùng Đông xã Hải Đường. Sau 4 năm triển khai thực hiện, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và nỗ lực của các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh, tình hình sản xuất CN-TTCN, làng nghề khu vực nông thôn đã có những kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề bình quân giai đoạn 2011-2014 đạt 24,4%/năm, cao hơn mức bình quân chung toàn tỉnh 2,4% (ước tính tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 đạt 22%/năm). Trong đó, năm 2014 là năm có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề nông thôn đạt cao nhất là 25,3% so với năm 2013. Tốc độ tăng trưởng đã làm cho tỷ trọng giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề khu vực nông thôn đến năm 2014 chiếm 53,96% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; tăng 2,56% so với thời điểm năm 2011. Sản xuất CN-TTCN ở khu vực nông thôn phát triển mạnh đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của các địa phương. Tính đến hết năm 2014, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 166/209 xã, thị trấn (bằng 79,42%) có giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm tỷ trọng trên 10% trong cơ cấu kinh tế; có 78/96 xã xây dựng NTM giai đoạn I (bằng 81,25%) có giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm tỷ trọng trên 15% cơ cấu kinh tế toàn xã. Nhiều xã xây dựng NTM đã đạt giá trị sản xuất CN-TTCN từ 50-80% tổng giá trị sản xuất toàn xã như: Yên Ninh, Thị trấn Lâm (Ý Yên); Trực Hùng, Trung Đông (Trực Ninh); Thị trấn Thịnh Long, Hải Minh, Hải Phương (Hải Hậu); Xuân Kiên, Xuân Phương (Xuân Trường)...
Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề khu vực nông thôn, bộ mặt nông nghiệp - nông thôn và đời sống của người nông dân ở nhiều địa phương đã có sự chuyển biến tích cực, rõ rệt. Sản xuất CN-TTCN, làng nghề nông thôn phát triển là động lực quan trọng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM ở các xã, thị trấn giai đoạn I. Ngày 18-3-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 426/QĐ-UBND công nhận 54 xã, thị trấn đạt chuẩn xây dựng NTM năm 2014./.
Bài và ảnh: Thành Trung