Liên đoàn lao động tỉnh hiện đang quản lý trên 400 công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp với trên 37 nghìn đoàn viên công đoàn. Thời gian qua, các cấp công đoàn đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo đảm chế độ chính sách cho NLĐ trong các doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ.
Dây chuyền sản xuất gạch của Cty CP Vật liệu và xây lắp Nghĩa Hưng. |
Nội dung kiểm tra tập trung những vấn đề liên quan đến quyền lợi của NLĐ như: Việc ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể; tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; chế độ tiền lương, thời gian làm việc, nghỉ ngơi; khám sức khỏe định kỳ; công tác bảo hộ lao động, PCCN, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo ATVSLĐ… Từ năm 2014 đến nay, LĐLĐ tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB và XH, Thanh tra tỉnh và BHXH tỉnh tiến hành thanh, kiểm tra và giám sát 80 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; riêng trong “Tháng Công nhân” năm 2015, các ngành đã phối hợp kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ tại 10 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy, tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp đã phối hợp với chuyên môn thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở như công khai, minh bạch những quy chế, quy định nội bộ có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân lao động đóng góp ý kiến xây dựng các nội quy, quy chế tại doanh nghiệp; đại diện NLĐ thực hiện ký thỏa ước lao động tập thể và có các hoạt động chăm lo, bảo vệ cho NLĐ. 60% doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương và thực hiện trả lương cho NLĐ cao hơn mức tối thiểu vùng theo quy định của Nhà nước; đến nay, thu nhập bình quân của NLĐ trong các doanh nghiệp dao động từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài thực hiện các chế độ do Nhà nước quy định còn có nhiều hình thức khác để giúp NLĐ tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống như: đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường, đảm bảo việc làm và thu nhập cho NLĐ; thưởng tăng năng suất lao động, thưởng lễ, Tết, thưởng sáng kiến kinh nghiệm đột xuất, thưởng chuyên cần... Tỷ lệ NLĐ được ký kết HĐLĐ chiếm 95,74%. Hầu hết các doanh nghiệp đều áp dụng thời gian làm việc 8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần; thực hiện ngày nghỉ hằng tuần, nghỉ lễ, nghỉ năm cho NLĐ làm việc ở bộ phận hành chính và một số bộ phận sản xuất trực tiếp tại doanh nghiệp theo quy định. 100% các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, thực hiện đúng chế độ ốm đau, thai sản cho NLĐ. Công tác bảo hộ lao động được chú trọng, tổ chức công đoàn, doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các lớp tập huấn về PCCN và đảm bảo ATVSLĐ; thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên giúp tuyên truyền ATVSLĐ giúp NLĐ ý thức hơn trong việc đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất; đầu tư kinh phí cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho NLĐ; trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân, thiết lập hệ thống nội quy, biển báo về ATLĐ. Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ như: lắp đặt điều hòa, hệ thống làm lạnh bằng hơi nước, đầu tư trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường làm việc luôn sạch, đẹp thông thoáng, mở rộng nhà xưởng... Một số doanh nghiệp đã xây dựng khu nhà ở công nhân tiêu biểu như Cty TNHH Youngone (KCN Hòa Xá) tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo cho công nhân yên tâm lao động, sản xuất. Nhiều doanh nghiệp có xe đưa, đón công nhân đi và về như Cty TNHH TBO Vina (LĐLĐ huyện Vụ Bản), Cty CP Lâm sản Nam Định (KCN Hòa Xá)…; hỗ trợ tiền xăng xe hằng tháng đối với công nhân lao động ở xa. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn thực hiện nhiều chế độ ưu đãi cho NLĐ như tổ chức đi tham quan, nghỉ mát, sinh nhật; hỗ trợ ăn ca; hỗ trợ công nhân khi gặp khó khăn, hoạn nạn, tặng học bổng cho con công nhân lao động học giỏi, đỗ đại học. Nhờ sự quan tâm và thực hiện tốt các chế độ chính sách, NLĐ tại các doanh nghiệp phấn đấu lao động sản xuất tốt và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, một số công đoàn cơ sở, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc chăm lo đời sống, bảo đảm chế độ chính sách cho NLĐ tại doanh nghiệp xoay quanh các vấn đề như: không thực hiện ký kết hợp đồng lao động với NLĐ hoặc ký kết hợp đồng lao động nhưng với điều khoản chung chung, mập mờ, chưa đầy đủ, thậm chí còn sai quy định của Nhà nước; tổ chức làm thêm quá số giờ quy định (quá 40 giờ/tháng; trên 200 đến 300 giờ/năm); tình trạng nợ đọng BHYT, BHXH, BH thất nghiệp còn diễn ra khá phổ biến hoặc mức tiền lương để đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ thấp nên quyền lợi của NLĐ sau khi nghỉ chế độ là thấp. Chất lượng bữa ăn ca còn nghèo nàn, chưa đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại một số bếp ăn có đông công nhân. Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng phòng vệ sinh và chỗ thay quần áo cho nữ công nhân... Nhiều công nhân phải làm việc trong tình trạng ô nhiễm môi trường như: nóng, bụi, tiếng ồn vượt chuẩn cho phép. Đời sống văn hóa, tinh thần của NLĐ ít được chú trọng, còn nghèo nàn… làm ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần và quyền lợi của NLĐ.
Thời gian tới, nhằm thực hiện tốt chế độ chính sách cho NLĐ, các cấp công đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, Luật BHYT; tiếp tục tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với CNLĐ, cán bộ công đoàn và người sử dụng lao động; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc chấp hành Luật Lao động, công tác bảo vệ môi trường, đồng thời kiến nghị lên cơ quan chức năng để có biện pháp xử phạt nghiêm minh các doanh nghiệp cố tình vi phạm, nhất là các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH và vi phạm về việc làm, tiền lương, an toàn lao động, vệ sinh lao động, thời gian làm việc… góp phần đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho NLĐ, giúp NLĐ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp./.
Bài và ảnh: Hoàng Dung