Hiện nay, tỷ lệ thu gom rác thải ở nông thôn còn thấp, tính chung toàn tỉnh mới đạt 74,1% tổng lượng rác thải phát sinh. Rác thải sau thu gom được vận chuyển đến nơi quy định và được xử lý chủ yếu bằng 3 phương pháp: chôn lấp, sử dụng lò đốt và sử dụng máy nghiền rác kết hợp chôn lấp, trong đó chôn lấp là phương pháp xử lý chủ yếu được áp dụng tại các xã, thị trấn. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý rác thải, nhiều địa phương chưa áp dụng đầy đủ, chặt chẽ quy trình kỹ thuật nên gây ô nhiễm môi trường. Với mục tiêu năm 2015, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải nông thôn đạt 80% trở lên, ngay từ đầu năm, Sở TN và MT đã tập trung kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn. Kiểm tra, giám sát việc xây dựng và vận hành các hệ thống xử lý rác thải tập trung, đảm bảo thực hiện đúng quy định. Đồng thời bố trí, huy động nguồn kinh phí, hỗ trợ cho các địa phương trong công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn.
Nhân dân Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) làm vệ sinh khu dân cư. |
Đến thời điểm hiện nay, các địa phương trong toàn tỉnh đang phấn đấu làm tốt việc thu gom, xử lý rác thải. Tại Nghĩa Hưng, huyện đã phát động toàn dân tham gia BVMT, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch. Vận động mỗi gia đình đều có ý thức xử lý rác; hình thành và duy trì 100% các thôn xóm, khu dân cư tập trung có tổ thu gom, xử lý rác thải. Các thôn xóm đã đề ra quy chế, hương ước bảo vệ các công trình BVMT, tạo chuyển biến tốt, cảnh quan nông thôn khang trang, sạch sẽ, tình trạng ô nhiễm môi trường từng bước được hạn chế. Tại huyện Trực Ninh, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và nguồn kinh phí khác, UBND tỉnh đã hỗ trợ 14 xã, thị trấn xây dựng và đưa vào sử dụng 17 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. 20/21 xã, thị trấn đã tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt; tổng lượng rác thu gom khoảng 49,9 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom rác toàn huyện đạt khoảng 67,6% tổng lượng rác thải phát sinh. Trong đó, xã Trực Thuận chưa tổ chức thu gom, 7 xã tổ chức thu gom với tỷ lệ rất thấp gồm: Trực Thái, Trực Tuấn, Trực Đạo, Trực Đại, Trực Thắng, Liêm Hải và Trực Hưng; ngoài ra ở một số xã còn có tình trạng đổ rác ra ven đường, ven đê. Khắc phục thực trạng kể trên, UBND huyện đã yêu cầu UBND xã Trực Thuận khẩn trương thành lập tổ, đội, HTX thu gom, xử lý rác để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường. Đối với 14 xã, thị trấn đã được hỗ trợ kinh phí xây dựng bãi chôn lấp rác thải cần tập trung thực hiện vận hành theo Hướng dẫn số 2276/HD-STNMT ngày 6-12-2013 của Sở TN và MT về việc thu gom, phân loại và vận hành bãi chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn quy mô cấp xã. Đối với các xã, thị trấn chưa được hỗ trợ xây dựng bãi chôn lấp, lò đốt xử lý rác thải cần thực hiện thu gom, xử lý rác thải theo Hướng dẫn số 2275/HD-STNMT ngày 6-12-2013 của Sở TN và MT. Tại Xuân Trường, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương chưa có khu xử lý rác thải triển khai xây dựng quy hoạch nơi chứa, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn theo quy định; thành lập tổ thu gom, xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Hướng dẫn, khuyến khích các địa phương sử dụng công nghệ lò đốt để xử lý rác thải sinh hoạt. Hiện nay, huyện tập trung đẩy mạnh ngăn chặn, xử lý kịp thời các bãi rác thải tự phát; khắc phục kịp thời những hạn chế, tồn tại của các bãi rác thải đang xây dựng. Đặc biệt, huyện tập trung xử lý, khắc phục tình trạng một số cơ quan, đơn vị như: Phòng GD và ĐT, Cty May Nam Định, hiệu thuốc Xuân Trường… còn buông lỏng quản lý, thực hiện chưa tốt công tác quản lý đô thị và BVMT, để xảy ra tình trạng không làm tốt vệ sinh môi trường và đổ rác không đúng nơi quy định. UBND huyện chỉ đạo trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân phố tuyên truyền, vận động các hộ dân ven các đường giao thông không tập kết rác thải, chất thải tại vỉa hè, lòng đường; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý nghiêm các trường hợp cố tình đổ trộm chất thải, rác thải trên hành lang ATGT đường bộ khu trung tâm huyện; nêu tên các hộ vi phạm trên sóng đài phát thanh địa phương để tuyên truyền, giáo dục chung. Đồng thời hướng dẫn các hộ đổ rác thải đúng nơi quy định và thường xuyên tổ chức, thu gom, tập kết, xử lý rác đúng quy định. Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học khu vực trung tâm huyện thường xuyên tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh làm vệ sinh môi trường toàn bộ khuôn viên cơ quan, tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải về nơi xử lý theo quy định. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng mất vệ sinh môi trường.
Về xử lý rác thải, các địa phương hướng dẫn người dân tận dụng và tự xử lý tối đa lượng rác hữu cơ phục vụ phát triển chăn nuôi, cải tạo đất, phát triển sản xuất nông nghiệp; đưa vào tái chế lượng rác thải rắn có thể tái sử dụng. Tuy nhiên, để xử lý rác thải vùng nông thôn một cách triệt để, tỉnh có chủ trương khuyến khích các địa phương tích cực đầu tư công nghệ xử lý bằng lò đốt. Do việc lựa chọn máy móc, công nghệ đốt rác của nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn bởi chi phí đầu tư lớn, giá thành thường trên dưới 3 tỷ đồng/một lò đốt, quá khả năng của các địa phương nên tỉnh đã có chủ trương sử dụng công nghệ máy móc của chính doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất nhờ ưu điểm giá thành rẻ, chỉ khoảng 600-700 triệu đồng/máy, phù hợp với khả năng tài chính của địa phương./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy