Những điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế tập thể

09:06, 05/06/2015

Trong 5 năm qua (2010-2015), bối cảnh suy thoái kinh tế, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong nước cũng như trên thế giới, sự thay đổi cơ chế quản lý của Nhà nước đối với khu vực HTX đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các HTX. Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đồng thời tích cực hỗ trợ các HTX thành viên duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều điển hình tiên tiến trong các loại hình HTX đã xuất hiện, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế hợp tác, HTX.

Một trong những điển hình về lĩnh vực kinh tế HTX nông nghiệp là HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Minh Tân, xã Minh Tân (Vụ Bản). Trong 5 năm qua, HTX đã tích cực đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với cơ chế thị trường và xây dựng được chiến lược phát triển bền vững. Trong hoạt động, HTX chú trọng bảo đảm đồng thời 3 lợi ích (doanh nghiệp, HTX và kinh tế hộ) trong đó kinh tế hộ được ưu tiên hàng đầu. Để làm được điều đó, HTX đã làm tốt vai trò “bà đỡ” đối với kinh tế hộ tại địa phương. Từ các mô hình khảo nghiệm về giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, HTX đã chọn được các giống lúa có chất lượng, năng suất cao để cung ứng cho các hộ xã viên. Hằng năm, HTX đã tổ chức sản xuất và tiêu thụ cho các hộ xã viên trên 300 tấn lúa giống chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế bền vững cho xã viên. Ngoài các dịch vụ thiết yếu (thủy nông, thủy lợi nội đồng, bảo vệ sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật), HTX đã tập trung vào các dịch vụ thỏa thuận, gồm: thu hoạch lúa bằng máy; cung ứng vật tư nông nghiệp, sản xuất giống lúa chất lượng cao, tín dụng nội bộ và dịch vụ nước sạch sinh hoạt. Với sự năng động của đội ngũ cán bộ HTX, doanh thu từ các hoạt động dịch vụ của HTX tăng từ 3,3 tỷ đồng (năm 2010) lên gần 3,9 tỷ đồng (năm 2014); thu nhập của hộ thành viên HTX tăng từ 18 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 26 triệu đồng/năm (năm 2014). Bài học kinh nghiệm trong sự phát triển của HTX là kết quả của sự đổi mới công tác quản lý, phân công trách nhiệm đến từng cá nhân, có chế độ giao khoán và khen thưởng nhằm động viên kịp thời cho người lao động. Trong việc tổ chức các hoạt động dịch vụ, HTX đã dân chủ bàn bạc, thống nhất từ HTX đến xã viên, đảm bảo 3 lợi ích (doanh nghiệp, HTX và hộ thành viên).

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp của HTX SXKDDVNN Minh Tân (Vụ Bản).
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp của HTX SXKDDVNN Minh Tân (Vụ Bản).

Trong số các Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) cơ sở trên địa bàn tỉnh, Quỹ TDND Giao Lâm, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) là đơn vị điển hình. Trong những năm qua, hoạt động kinh doanh của Quỹ luôn duy trì hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các thành viên, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hoạt động kinh doanh của Quỹ ngày càng phát triển; số lượng thành viên tăng từ 1.820 thành viên (năm 2010) lên 2.450 thành viên (năm 2014); doanh thu tăng 2.620 triệu đồng (năm 2010) lên 12.191 triệu đồng (năm 2014). Tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ tăng từ 18.250 triệu đồng lên 92.478 triệu đồng; đóng góp vào ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước. Đạt được kết quả đó là do trong hoạt động, Quỹ TDND Giao Lâm luôn làm tốt việc thẩm định, xác định khả năng tài chính, mục đích vay vốn của khách hàng. Quỹ giao chỉ tiêu cho cán bộ tín dụng và phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn để họ nắm bắt tình trạng các hộ vay vốn và thu gốc lãi đúng kỳ hạn. Bên cạnh đó, công tác huy động vốn được Quỹ thực hiện bằng nhiều giải pháp nhằm khai thác triệt để nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư. Quỹ đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, dịch vụ thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, Quỹ tích cực tham gia thực hiện các chính sách xã hội của địa phương; đã giải quyết cho vay theo chính sách giảm nghèo cho gần 200 hộ, góp phần giảm tình trạng cho vay nặng lãi ở địa phương.

Trong lĩnh vực CN-TTCN, nhiều HTX đã nắm bắt cơ hội, tập trung đầu tư nâng cấp nhà xưởng, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm. Điển hình trong số đó là HTX cổ phần dệt may Bình Định, xã Trực Chính (Trực Ninh). Với sản phẩm chính là dệt, may màn tuyn, HTX đã tích cực tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết tạo ra chuỗi giá trị góp phần tăng giá trị sản xuất. Bên cạnh đó, HTX đã có các chính sách khen thưởng nhằm khuyến khích, động viên người lao động tham gia phát minh sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện HTX đang duy trì ổn định việc làm cho 25 thành viên. Doanh thu của HTX năm 2014 đạt 17.814 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2011. Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động tăng từ 2 triệu đồng/tháng (năm 2011) lên 4 triệu đồng/tháng (năm 2014); đóng góp vào ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX ngày càng phát triển ổn định, giữ vững và phát huy được ngành nghề truyền thống tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thành viên đóng góp vào công cuộc giảm nghèo, xây dựng NTM.

Từ những điển hình các loại hình HTX, Quỹ TDND cơ sở cho thấy, để kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả và bền vững, mỗi thành viên và trước hết là cán bộ quản lý HTX phải có nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tính tất yếu khách quan của việc tồn tại, đổi mới và phát triển kinh tế HTX trong điều kiện mới phù hợp với luật pháp, chính sách của Nhà nước và điều kiện kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, sự phát triển của HTX cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành với những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, HTX phát triển./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com