Nghĩa Phúc phát triển thương mại dịch vụ

09:06, 05/06/2015

Với 800 hộ, trên 2.475 nhân khẩu, xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) là địa phương duy nhất của tỉnh độc canh nghề làm muối nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Để nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm gắn với phát triển thương mại dịch vụ.

Để tạo điều kiện cho diêm dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển thương mại dịch vụ. Đảng ủy, UBND xã đã quy hoạch lại diện tích đất sản xuất, đất ở trong khu dân cư giúp người dân ổn định diện tích đất làm muối, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để hình thành tuyến phố thương mại, tổ chức các loại hình kinh doanh, dịch vụ, UBND xã còn định hướng cho người dân tận dụng trồng rau màu tại phần đất xen kẹt trong khu dân cư và đất gò màu. Bên cạnh đó, UBND xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể đứng ra tín chấp cho nhân dân vay vốn phát triển sản xuất từ các kênh Ngân hàng Chính sách xã hội, NN và PTNT. Đồng thời đẩy mạnh việc tổ chức tập huấn, trang bị kỹ thuật canh tác, chăn nuôi để người dân áp dụng thành công ngay khi bắt tay vào sản xuất vụ đầu tiên. Trên cơ sở đó, trong năm 2014 đã có 317 hộ dân được vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ lên đến gần 16 tỷ đồng. Hàng chục lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong canh tác, nuôi trồng thủy, hải sản được tổ chức tới tận thôn, đội để bà con dễ nắm bắt và áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Đồng thời yêu cầu cán bộ, đảng viên trong xã nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong phong trào chuyển đổi sản xuất và thi đua lao động sản xuất giỏi. Cách làm này đã giúp người dân tin tưởng vào sự chỉ đạo của UBND xã và tích cực chuyển đổi sản xuất. Đến nay, ngoài việc sản xuất muối ổn định trên diện tích 53ha, trên địa bàn xã đã chuyển đổi được 23,76ha đất bãi và đất xen kẹt trong khu dân cư để trồng màu và 30,7ha nuôi trồng thủy, hải sản. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi luôn được thay đổi theo hướng lựa chọn cây, con giống chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và trồng cấy cả 3 vụ trong năm. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đưa các cây, con giống đặc sản vào canh tác để nâng cao hiệu quả kinh tế như cây ngô ngọt, tôm chân trắng, cá bống bớp, cá mú, cá song… Đồng thời hình thành 125 cơ sở sản xuất, kinh doanh và tuyến phố thương mại dịch vụ tại xóm 8 với các cửa hàng kinh doanh trong các lĩnh vực thủy, hải sản tươi sống, cung ứng nguyên liệu phục vụ nghề làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản với tổng vốn đầu tư trên 25 tỷ đồng. Trong đó có hàng chục hộ gia đình buôn bán hải sản tươi sống, thu mua rau câu; 10 hộ chế biến, kinh doanh thủy, hải sản qua chế biến; 3 hộ tổ chức làm hương xuất khẩu và 2 cơ sở may gia công… Ngành nghề và dịch vụ thương mại phát triển đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương mà không phải phụ thuộc vào nghề muối và đi làm ăn xa quê hương. Năm 2014, sản lượng muối của xã đạt trên 3.000 tấn, năng suất bình quân đạt 75 tấn/ha, giá trị thu nhập đạt 5,6 tỷ đồng. Giá trị thu nhập từ trồng rau màu, chăn nuôi và nuôi trồng thủy, hải sản đạt trên 14 tỷ đồng. Hoạt động thương mại dịch vụ và cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá cho các hộ dân trong xã và các khu vực lân cận đã mang lại thu nhập trên 15 tỷ đồng cho người dân địa phương. Đã xuất hiện nhiều hộ gia đình vừa sản xuất, vừa kinh doanh giỏi như các anh Nguyễn Văn Năng, xóm 1; Trần Văn Hưng, xóm 6; Ngô Văn Bình, xóm 5; Nguyễn Thế Luận, xóm 3… Gia đình ông Phạm Văn Trường, xóm 4 là điển hình tiêu biểu trong việc chuyển đổi sản xuất từ làm muối sang nuôi thủy sản và kinh doanh dịch vụ. Trung bình mỗi năm, ngoài sản lượng thủy sản của gia đình, anh còn tổ chức thu mua khoảng 2.000 tấn muối;  1,5 tấn cá thương phẩm cho người dân trong xã.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với phát triển thương mại dịch vụ đã mang lại hiệu quả thiết thực. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã năm 2014 đạt 18,3 triệu đồng, cao hơn 15% so với năm 2013. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 5,8%. Hiện tại, xã Nghĩa Phúc đang tiếp tục khuyến khích người dân phát triển sản xuất và mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ. Trong đó nhân rộng mô hình bao tiêu sản phẩm muối cho diêm dân và cung ứng thủy hải sản, vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất. Tiếp tục hoàn thiện việc chuyển đổi 23ha làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy, hải sản, trước mắt chuyển đổi sản xuất 5ha vào cuối năm 2015./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com