Nghề đan bèo tây ở thôn Đồng Liêu

09:06, 26/06/2015

Trước đây cây bèo tây (hay còn gọi là bèo lục bình, bèo Nhật Bản) chỉ được người dân sử dụng thuần túy cho mục đích làm thức ăn trong chăn nuôi. Thời gian trở lại đây, người dân thôn Đồng Liêu, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) đã “nâng tầm” cho cây bèo, sử dụng chính loại cây này để làm các sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu không nhỏ. Cây bèo, vì vậy đã trở thành “cứu cánh” cho bà con nông dân trong thôn lúc nông nhàn.

Chị Nguyễn Thị Nhung, thôn Đồng Liêu, xã Nghĩa Lạc, người có công đưa nghề đan bèo tây về thôn, giúp những người nông dân nơi đây tăng thêm thu nhập chia sẻ: Những năm trước, cuộc sống của bà con trong thôn gặp nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Mỗi khi mùa vụ xong xuôi, dân làng Đồng Liêu có tham gia làm cói nhưng tiền công thấp, lại nhiều công đoạn vất vả, thị trường không còn ưa chuộng sản phẩm như những thời kỳ trước nên thu nhập chẳng đáng là bao. Năm 2011, khi có dịp sang Ninh Bình chơi, nhận thấy các hộ dân nơi đây đổ xô đi kiếm bèo tây về phơi khô, chị Nhung lấy làm lạ. Tìm hiểu, chị được biết họ dùng sản phẩm bèo tây phơi khô này để làm nguyên liệu đan lát các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống để xuất khẩu. Lúc đó, trong đầu chị nảy ra ý định học hỏi để đem nghề về nhà làm, tận dụng những ao bèo tây rộng mênh mông ở địa phương. Không quản vất vả, chị thường xuyên sang Ninh Bình để mày mò học nghề. Chị thường “lân la” đến các hộ gia đình có kinh nghiệm làm nghề đan bèo lâu năm để vừa học hỏi vừa đúc rút kinh nghiệm. Với kiến thức, sự khéo léo sẵn có từ việc đan cói lâu năm, nghề mới không làm khó được chị. Chỉ sau một thời gian ngắn, chị đã thành thạo nghề. Theo chị Nhung, muốn có các sản phẩm đẹp, đạt chất lượng, người đan phải rất cẩn thận ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Ấy là khi các thân bèo phải đạt độ dài từ 30-50cm, chọn hôm trời nắng, phơi khô cho bèo “quắt” lại, sau đó căn cứ vào hình dạng từng loại sản phẩm mới định hình để đan. Sau khi đan xong, họ còn dùng phẩm nhuộm rồi hấp sản phẩm cho bắt mắt, giữ màu. Cứ như vậy, cây bèo tây đã “lột xác” trở thành giỏ, bình, lẵng hoa, chậu cây, túi xách, làn đi chợ được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới như Ba Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Chị Nhung chia sẻ: Trong các sản phẩm làm lọ lục bình là khó nhất bởi khi đan lục bình đòi hỏi phải tỉ mỉ, kỹ càng, yêu cầu kỹ thuật rất cao. Sản phẩm làm xong phải đạt độ bóng bẩy trong từng đường nét. Do đó, giá thành sản phẩm cũng cao hơn. Đơn giản nhất trong nghề đan bèo là thực hiện các loại sản phẩm hộp to đan xương cá theo các đường nếp. Hiện, thôn Đồng Liêu có khoảng 20 hộ gia đình đang làm công việc từ nghề đan bèo tây xuất khẩu. Từ người già, trẻ em đều có thể làm nghề. Do sẵn có nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương lại được các đầu mối bao tiêu hết sản phẩm nên bà con nhân dân trong thôn rất yên tâm khi làm nghề. Với tay nghề trung bình của một người đan đều đặn, mỗi ngày họ cũng có thu nhập từ 70-100 nghìn đồng. Đối với những người cao tuổi không đi lấy bèo phơi khô được, phải mất tiền mua bèo khô bán sẵn về để đan cũng có thu nhập từ 40-50 nghìn đồng/người/ngày… Một số hộ nhận đan với số lượng lớn như gia đình các chị Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Thơm…

Chị Nguyễn Thị Nhung, thôn Đồng Liêu, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) đang phơi bèo tây làm nguyên liệu cho nghề đan bèo tây xuất khẩu.
Chị Nguyễn Thị Nhung, thôn Đồng Liêu, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) đang phơi bèo tây làm nguyên liệu cho nghề đan bèo tây xuất khẩu.

Nghề đan bèo tây vốn không đòi hỏi vốn ban đầu. Người dân chỉ cần chịu khó đi thu gom bèo tại các ao, đem về phơi khô là đã có nguyên liệu để hình thành nên sản phẩm. Các công đoạn học nghề cũng không quá phức tạp, chỉ cần khéo léo và để ý một chút là đã có thể cho ra các sản phẩm. Vì vậy, số lượng các hộ gia đình làm nghề đang có xu hướng tăng lên. Người làm nghề đan bèo tây thôn Đồng Liêu từ đó cũng có thêm thu nhập, giúp họ ổn định cuộc sống, chăm lo con cái ăn học, trang trải kinh tế gia đình. Nhờ có nghề mà nhiều gia đình trong thôn đã khá giả lên trông thấy. Không phải lo lắng nhiều về đầu ra sản phẩm, công việc lại nhẹ nhàng, phù hợp với mọi độ tuổi lao động, người dân thôn Đồng Liêu đánh giá, nghề đan bèo tây xuất khẩu là nghề có triển vọng tại địa phương có thể nhân rộng trong thời gian tới. Tuy nhiên, cái “khó” cho nghề đan bèo tây Đồng Liêu hiện nay là trên địa bàn thôn là chưa hình thành được các cơ sở thu mua chế biến lớn. Người trong thôn muốn bán sản phẩm còn phải qua nhiều “cửa” khác nhau. Thông thường, họ phải nhận mối hàng từ Ninh Bình về làm. Do đó, không chủ động cũng như “tận thu” được sản phẩm. Thời gian tới, người dân làm nghề thôn Đồng Liêu mong muốn sẽ có hộ gia đình trong thôn đứng ra thu mua sản phẩm, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất và sản phẩm có thể trực tiếp cạnh tranh với nhiều loại sản phẩm từ các làng nghề khác.

Mặc dù mới du nhập về thôn khoảng 4, 5 năm trở lại đây xong nghề đan bèo tây hiện đã trở thành “chủ lực” của nhiều hộ gia đình Đồng Liêu. Yêu thích và gắn bó với nghề, người Đồng Liêu hy vọng nghề mới mẻ này mang lại hiệu quả kinh tế cao cho họ, giúp giải quyết cơ bản tình trạng nông nhàn khi mùa vụ kết thúc. Giải quyết được việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, tăng thêm thu nhập không những chỉ giải quyết vấn đề “ly nông bất ly hương” mà còn giúp ổn định tình hình chính trị, xã hội ở các vùng nông thôn./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com