Ngành Xây dựng chủ động các phương án phòng, chống thiên tai

08:06, 08/06/2015

Trước những dự báo về diễn biến phức tạp của thời tiết do tác động của biến đổi khí hậu gây ra trong mùa bão năm 2015, ngành Xây dựng đã nhanh chóng xây dựng phương án, kịch bản chủ động phòng, chống ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là ứng phó với siêu bão. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Sở Xây dựng đã lập và hướng dẫn UBND các huyện, thành phố cách phân loại nhà ở và thống kê các công trình có thể sử dụng làm nơi tập kết sơ tán để phục vụ công tác điều tra, thống kê và kiểm tra. Tiến hành kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của tất cả các công trình, trụ sở Nhà nước, doanh nghiệp, nhà tư nhân... để sơ tán nhân dân khi có bão, lũ từ phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng phó với các kịch bản thiên tai của các địa phương. Sở đã lập phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với các kịch bản thiên tai với các nội dung chính như phương án huy động các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão, lũ; phương án phòng, chống bão, lũ cho các công trình đầu tư xây dựng dở dang, công trình xây dựng sử dụng tháp cẩu, công trình trên cao; phương án phòng, chống bão và khắc phục hậu quả cho cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng trên địa bàn tỉnh; phương án phòng, chống bão, lũ và khắc phục hậu quả, xử lý các sự cố hư hỏng của hệ thống cấp nước do bão, lũ trên địa bàn tỉnh; phương án xử lý khẩn cấp cấp nước của Nhà máy nước Nam Định. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng chỉ đạo các đơn vị đánh giá tình hình thực tế về lực lượng, phương tiện, vật tư… và đề xuất trang bị vật tư, phương tiện cần thiết của đơn vị để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Đối với 64 đơn vị, cơ quan doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, Sở yêu cầu các đơn vị trong ngành chủ động kiện toàn lại Ban chỉ huy PCTT, đồng thời xây dựng phương án và PCTT đảm bảo an toàn cho công trình xây dựng và hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng trong mùa lũ bão năm nay.

Thi công lát mái kè Ngô Xá mới thuộc huyện Nam Trực.
Thi công lát mái kè Ngô Xá mới thuộc huyện Nam Trực.

Hiện tại, UBND các huyện, thành phố đã tiến hành kiểm tra thực tế các thuyết kế, thuyết minh tính toán kết cấu, vị trí và hiện trạng kết cấu các công trình đang thi công trên địa bàn, đồng thời kiểm tra công tác chuẩn bị và các biện pháp ứng phó với lũ của chủ đầu tư, chủ quản lý công trình xây dựng… để xác định công trình đó có đảm bảo để làm nơi tập kết hay không. Sở Xây dựng có công văn yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các đơn vị, cơ quan tham gia hoạt động xây dựng phải nghiêm túc bám sát các hướng dẫn chỉ đạo của Sở trong đảm bảo an toàn về nhà ở và công trình xây dựng dang dở, công trình xây dựng sử dụng tháp cẩu, công trình trên cao. Thời gian qua, Sở đã tiến hành hướng dẫn một số phương pháp phòng và giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ cho nhà ở, đặc biệt là đối với các huyện tuyến ven biển như Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng phổ biến rộng rãi bằng hình ảnh để các huyện, phòng, ban chuyên môn, người dân biết, tham khảo và triển khai áp dụng vào thực tiễn nhằm giảm thiệt hại do tác động của gió, bão và lốc xoáy đối với công trình bán kiên cố. Có tất cả 11 cách gia cố nhà được hướng dẫn để phòng và đối phó với bão và siêu bão như sử dụng dây thép neo giằng mái đối với nhà mái lá - vách đất liếp; sử dụng bao cát đóng lỏng từ 15-20kg hoặc bằng thanh nẹp đối với nhà bán mái, nhà mái tôn, phi-brô xi măng; chèn vữa xi măng hoặc xây bờ chảy mái đối với nhà mái ngói… Cùng với đó, tài liệu còn hướng dẫn về thiết kế mẫu nhà ở xây dựng hai gian kiên cố có gác xép thường được sử dụng ở các vùng có bão và đặc biệt là lũ. Sở Xây dựng cũng hướng dẫn UBND các huyện, các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các đơn vị có công trình xây dựng thi công trên công trường có các biện pháp chủ động bảo vệ thiết bị, đặc biệt là đảm bảo an toàn cần trục tháp, các thiết bị nâng khi có gió bão. Lưu ý đối với bão mạnh cấp 8 đến cấp 10 phải quay cần trục để tay cần và đối trọng nằm trong mặt bằng công trình, gia cố và neo giằng vào công trình. Tính toán thu ngắn chiều dài tay cần và giảm đối trọng đảm bảo tay cần và đối trọng phải cân bằng trọng tải. Đối với bão mạnh từ cấp 10 trở lên phải tính toán và hạ độ cao cần trục tháp, nếu cần phải tháo dỡ cần trục để đảm bảo an toàn. Công việc tháo lắp thiết bị nâng ở trên cao, ở ngoài trời phải tạm ngừng khi mưa to, giông bão hoặc có gió từ cấp 5 trở lên. Đối với lũ, Sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị thường xuyên kiểm tra công trường, đảm bảo các thiết bị làm việc trên cao như giàn giáo thi công, cần trục tháp, máy vận thăng được liên kết chắc chắn với kết cấu công trình. Đặc biệt lưu ý công tác điện, an toàn thiết bị và máy thi công. Các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa và nâng cấp, gia cố công trình đang xây dựng dở dang và xác định điểm dừng thi công yêu cầu kỹ thuật đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng. Đồng thời, đảm bảo nghiêm ngặt chế độ thông tin, dự phòng thông tin liên lạc trong mùa bão lũ; kiểm tra và xử lý nhanh các sự cố công trình xây dựng, tham gia các hoạt động của cộng đồng trong việc phòng tránh bão.

Đối với hệ thống cây xanh, Sở Xây dựng chỉ đạo các phòng Công thương các huyện, phòng Quản lý đô thị, Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị, các đơn vị quản lý vận hành các hệ thống trên kiểm tra toàn bộ hệ thống cây xanh trên địa bàn, chặt bỏ phát quang những cây xanh có khả năng gãy đổ gây mất an toàn; kiểm tra sửa chữa kịp thời các phương tiện kỹ thuật để thực hiện giải tỏa cây xanh đổ ra lòng đường. Hệ thống chiếu sáng phải được đảm bảo an toàn, các đơn vị chủ động triển khai các kế hoạch, phương án theo chỉ đạo của cấp trên, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Điện lực 24/24h, tiến hành cắt điện cục bộ tại nơi xảy ra sự cố ngay khi phát hiện tình trạng mất an toàn trong vận hành lưới điện do bị ảnh hưởng của thiên tai. Các huyện, thành phố, thị trấn rà soát lại hệ thống thoát nước tưới tiêu của từng đô thị, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đô thị. Các đơn vị chức năng của Sở phối hợp với UBND các huyện, thành phố, xã, phường; Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định khẩn trương rà soát và xây dựng phương án PCTT và sơ tán các hộ dân đối với các nhà ở thuộc diện đặc biệt nguy hiểm và nhà ở các vùng đê bối, đê biển khi có bão lụt xảy ra. Ngoài ra, Sở đã phối hợp với các sở xây dựng chuyên ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án, phòng Công thương các huyện, phòng Quản lý đô thị thành phố, các nhà thầu thi công tập trung mọi nguồn lực hoàn thành việc xây dựng, tu bổ, sửa chữa công trình đê điều, công trình liên quan đến PCLB, nhất là các công trình xử lý cấp bách đang triển khai thi công, đảm bảo khối lượng, tiến độ quy định. Yêu cầu các nhà thầu xây lắp phải chủ động phương án đảm bảo an toàn người, phương tiện, thiết bị, công trình… trong suốt quá trình thi công. Các đơn vị thi công chủ động kiểm tra, phát hiện xử lý ngay từ đầu các hư hỏng, sự cố đê điều phát sinh đột xuất trong mùa lũ bão và khẩn trương hoàn thành xử lý các sự cố mới phát sinh. Căn cứ vào Quyết định số 498/QĐ-UBND ngày 26-3-2015 của UBND tỉnh về việc phân công phụ trách địa bàn để chỉ đạo PCTT và TKCN năm 2015, Sở được phân công phụ trách PCTT và TKCN của huyện Trực Ninh. Sở đã nhanh chóng kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN Sở Xây dựng, phối hợp với UBND huyện Trực Ninh và chính quyền địa phương ở các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát đảm bảo công tác PCLB và TKCN theo đúng phương châm “4 tại chỗ” phòng là chính. Đồng thời đề nghị huyện gửi thông báo cập nhật hiện trạng đê điều, các trụ sở, công trình xây dựng khác như nhà ở, cơ quan, xí nghiệp tùy từng việc cụ thể để có hướng dẫn chỉ đạo phù hợp.

Với việc chủ động xây dựng các phương án, ngành Xây dựng quyết tâm hạn chế thấp nhất mức thiệt hại về người và các công trình đang thi công do thiên tai gây ra./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com