Kinh nghiệm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới ở Yên Cường

07:06, 25/06/2015

Sau 4 năm xây dựng NTM, đến nay, xã Yên Cường đã hoàn thành 16/19 tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, 3 tiêu chí còn lại là: giao thông, trường học, cơ sở văn hóa cũng đã đạt theo quy định của UBND tỉnh. Xã Yên Cường là 1 trong 7 xã xây dựng NTM của huyện Ý Yên được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM năm 2014.

Trạm Y tế xã Yên Cường có tổng mức đầu tư 2,5 tỷ đồng, đạt tiêu chí NTM.
Trạm Y tế xã Yên Cường có tổng mức đầu tư 2,5 tỷ đồng, đạt tiêu chí NTM.

Trước khi triển khai chương trình xây dựng NTM, Yên Cường là xã thuần nông, bình quân ruộng đất thấp nên đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Đối chiếu với bộ tiêu chí xây dựng NTM, xã Yên Cường chỉ đạt 6/19 tiêu chí là: quy hoạch và thực hiện quy hoạch, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, văn hóa, hệ thống chính trị và an ninh, trật tự xã hội. Thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng NTM năm 2010, bình quân thu nhập trên 1 đơn vị diện tích canh tác của xã mới đạt 69 triệu đồng/ha/năm; bình quân thu nhập đầu người đạt 10 triệu đồng/người/năm. Toàn xã có 2.501 hộ dân thì có đến 347 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,87%; xã có tổng số 6.411 lao động trong độ tuổi thì có đến 4.744 lao động (bằng 74%) làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND xã đã đề ra chủ trương xây dựng NTM theo phương châm kế thừa và phát huy nội lực, sức mạnh tổng thể của nhân dân để thực hiện tốt từng tiêu chí NTM. Tập trung hoàn thành tốt công tác DĐĐT để quy hoạch các vùng sản xuất tập trung như: vùng trồng lúa, vùng trồng màu, vùng phát triển kinh tế trang trại… Tổ chức xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng kết hợp với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp; phát triển ngành nghề và thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN nông thôn… để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho người dân… Để giải quyết khó khăn về vốn đầu tư, xã đã huy động tối đa nội lực, kết hợp với sử dụng kinh phí hỗ trợ của các cấp và huy động nhân dân đóng góp thông qua nhiều hình thức như: hiến đất, đóng góp bằng tiền mặt, ngày công, vật liệu... để hoàn thành việc nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; chỉnh trang, cải tạo, mở rộng và làm mới hệ thống đường dong ngõ, dong xóm, đường liên thôn, trục chính… Nhờ đó, sau 4 năm triển khai xây dựng NTM, xã Yên Cường đã huy động được trên 15,4 tỷ đồng (trong đó vốn Nhà nước là 6 tỷ đồng, vốn ngân sách xã trên 5 tỷ đồng và huy động nhân dân đóng góp trên 4,4 tỷ đồng) để đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi theo tiêu chí xây dựng NTM. Hệ thống đường trục xã, liên xã dài trên 3,5km đã được nhựa hóa, bê tông hóa 100%, mặt đường rộng từ 4,5-7m; hệ thống đường trục thôn xóm dài trên 9,1km đã được bê tông hóa toàn bộ với mặt đường rộng từ 3-5m; toàn bộ hệ thống đường dong ngõ, xóm dài trên 18,6km đã được cứng hóa 100%. Ngoài hệ thống đường giao thông nông thôn, hệ thống giao thông nội đồng cũng được các thôn, xóm tập trung cải tạo, nâng cấp. Trong đó có 4,1/7,3km (bằng xấp xỉ 57% tổng chiều dài) đã được cứng hóa với mặt đường rộng từ 3,5-5m; hệ thống đường nhánh nội đồng dài 17,7km cũng được hoàn thành với mặt đường rộng 2,5-3m. Hệ thống kênh mương cấp 3 do xã quản lý dài trên 33,1km đã được cải tạo, nâng cấp (xây mới 5 cầu, cải tạo - nâng cấp 150 cống), có trên 31,1km (đạt xấp xỉ 94%) kênh mương nội đồng đã được kiên cố hóa. Song song với việc đầu tư cho hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất, Ban nông nghiệp xã đã chỉ đạo 2 HTX đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích các hộ dân tích cực tham gia các mô hình sản xuất mới, đẩy mạnh các khâu cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu như mô hình thay thế giống lạc cũ bằng các giống mới như L18, X20 và áp dụng kỹ thuật trồng lạc che phủ ni lông cho hầu hết diện tích lạc xuân và lạc vụ đông; đồng thời đưa các giống cây màu chất lượng cao như ngô ngọt, ngô bao tử, dưa chuột bao tử, bí xanh đá... vào sản xuất đại trà và trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, tạo tiền đề cho việc sản xuất nông sản hàng hóa tập trung với số lượng lớn phục vụ chế biến xuất khẩu. Nhờ đó, trên tổng diện tích 514ha đất canh tác, toàn xã đã có 268ha chuyên canh lạc vụ xuân, 26ha chuyên canh lạc mùa và 266ha chuyên canh cây vụ đông với vòng quay sử dụng đất từ 4 đến 6 vòng/năm. Việc đa dạng hóa cơ cấu cây trồng trên quy mô lớn đã phát huy tối đa tiềm năng đất đai, tạo thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Ngoài ra, xã còn xây dựng thành công 2 mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lạc xuân ở hai HTX trên tổng diện tích 20ha với năng suất bình quân 40tạ/ha, giá trị thu nhập ước đạt trên 20 tỷ đồng. Nhờ đó, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác của xã đã đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm; một số vùng chuyên canh cây màu đã đạt mức thu nhập trên 140 triệu đồng/ha/năm. Để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã Yên Cường chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn ngay tại địa phương. Từ năm 2011 đến nay, xã đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện, các trường dạy nghề trong huyện, trong tỉnh tổ chức 5 lớp đào tạo nghề kỹ thuật chăn nuôi, may công nghiệp cho gần 200 lao động trong xã; 6 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho trên 500 lượt người tham gia. Trên địa bàn xã hiện có 1 doanh nghiệp, 3 tổ hợp may công nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 200 lao động tham gia với mức thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2014, xã Yên Cường đã thu hút thêm được 1 doanh nghiệp ngành may công nghiệp là Cty TNHH Dệt may Vĩnh Oanh (trụ sở chính tại xã Yên Trị) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các loại trang phục thu hút và tạo việc làm cho khoảng 500 lao động nông thôn trong xã và các xã xung quanh. Quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là tiền đề quan trọng để xã Yên Cường phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM khác như: cơ cở vật chất văn hóa, trường học, chợ nông thôn, môi trường, y tế… Chợ xã Yên Cường nằm sát huyện lộ 57B, có tổng diện tích trên 7.000m2, xây tường gạch, lợp tôn kiên cố là nơi diễn ra các hoạt động kinh doanh, trao đổi hàng hóa khối lượng lớn họp 2 ngày/phiên. Trạm Y tế xã được đầu tư xây dựng mới với tổng kinh phí trên 2,5 tỷ đồng đã hoàn thành và chính thức phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân từ đầu năm 2012. Năm 2014, Trạm Y tế xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2020. Toàn xã đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp và xây mới 21 nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng của nhân dân…

Thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM trong điều kiện xuất phát điểm thấp, bài học kinh nghiệm của xã Yên Cường là: Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND và các ngành, đoàn thể đối với việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án xây dựng NTM. Làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt về chủ trương, nhiệm vụ xây dựng NTM. Xây dựng đề án NTM sát với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo tính khả thi và khả năng huy động nguồn lực của địa phương. Chú trọng kết hợp giữa phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của nhân dân gắn với xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Sau hơn 4 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đời sống của người dân và bộ mặt nông nghiệp - nông thôn xã Yên Cường đã có sự thay đổi rõ rệt: bình quân thu nhập đầu người của xã năm 2014 được nâng lên mức 27,1 triệu đồng/người, năm 2015 ước đạt 30 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 347 hộ (13,87%) xuống còn 78 hộ (bằng 3%); năm 2014 toàn xã có 2.282 hộ (bằng xấp xỉ 88% tổng số hộ) được công nhận “Gia đình văn hóa”; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 74,65%...

Bài và ảnh: Thành Trung
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com