Hội Nông dân Vụ Bản hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất

07:06, 11/06/2015

Phát huy vai trò là cầu nối giữa “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Vụ Bản đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Trong đó, việc xây dựng mô hình trình diễn và tổ chức cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm là chương trình có ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân có thêm nguồn lực để đầu tư cho sản xuất, đồng thời tiếp cận và sử dụng vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng, góp phần tăng năng suất cây trồng.

Hằng năm, HND huyện đã phối hợp với Cty CP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ) tổ chức xây dựng các mô hình trình diễn trong việc sử dụng phân bón NPK cho các loại cây trồng như: trồng lúa ở các xã Đại Thắng, Cộng Hòa; trồng lạc, khoai tây vụ đông ở xã Liên Minh; sử dụng phân bón NPK khép kín cho lúa xuân ở xã Hợp Hưng… Ông Triệu Đình Hưng, hội viên nông dân xóm 13, xã Hợp Hưng cho biết, vụ xuân năm 2015, gia đình ông cấy 7 sào lúa, giống BTS7. Trước đây, ông thường sử dụng phân đơn (kali, đạm, lân) để bón lót, bón thúc cho lúa theo từng đợt nhưng việc sử dụng chỉ đúng quy trình chứ không đảm bảo về lượng phân bón. Vụ xuân năm 2015, gia đình ông là một trong 12 hộ nông dân trong xã được HND huyện lựa chọn xây dựng mô hình trình diễn phân bón NPK Lâm Thao khép kín. Khi vào thời vụ, gia đình ông và các hộ tham gia trình diễn được HND huyện phối hợp với Cty CP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón NPK theo quy trình khép kín cho cây trồng vụ xuân. Qua hướng dẫn, gia đình ông và các hộ tham gia đã nắm bắt kỹ thuật và tuân thủ các quy trình sử dụng phân bón để bón lót, bón thúc đúng hàm lượng. Đến nay, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn hơn. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nếu dùng ở đại trà phải phun 5 lần thì ở mô hình bón phân NPK khép kín giảm được 2 lần, số ngày công chăm sóc cũng giảm đi đáng kể. Dự kiến năng suất vụ này sẽ thu hoạch cao hơn 10-15%, ước thu hoạch 207-210kg/sào (ở mô hình đại trà đối với giống BTS7 chỉ đạt từ 185-190kg/sào). Qua đánh giá thăm đồng, hiệu quả của mô hình đã thấy rõ khi sử dụng phân bón NPK khép kín.

Cán bộ HND các xã, thị trấn tham quan mô hình trình diễn sử dụng phân bón NPK khép kín trên lúa xuân ở xã Hợp Hưng (Vụ Bản).
Cán bộ HND các xã, thị trấn tham quan mô hình trình diễn sử dụng phân bón NPK khép kín trên lúa xuân ở xã Hợp Hưng (Vụ Bản).

Ngoài việc xây dựng các mô hình trình diễn, thực hiện chức năng hỗ trợ cho nông dân, hằng năm, HND huyện còn tổ chức hỗ trợ hội viên mua phân bón trả chậm đẩy mạnh chương trình liên kết với các doanh nghiệp, nhằm gắn kết giữa hộ nông dân - doanh nghiệp. Căn cứ vào tình hình thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện canh tác của nông dân các địa phương trong huyện và ưu điểm, thế mạnh của từng loại phân bón, HND huyện đã chủ động phối hợp với Cty Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân đạt hiệu quả thiết thực, số lượng cung ứng mỗi năm từ 300-350 tấn, trong đó chủ yếu là phân bón đa dinh dưỡng NPK chuyên dùng cho cây lúa và các loại cây rau màu. Đây cũng là loại phân bón được ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, dễ sử dụng, có chất lượng ổn định và giá cả hợp lý. Theo ký kết, Cty chở phân bón về tận các xã, bán cho nông dân theo giá niêm yết của nhà máy tại thời điểm cung ứng. Cty chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng và giá cả của các loại phân bón. HND huyện đứng ra tín chấp để hội viên nông dân mua phân bón trả chậm. Sau khi thu hoạch, HND các xã chịu trách nhiệm thu đủ tiền phân bón hoàn trả Cty. Qua đó đã hạn chế được tình trạng phân bón giả, kém chất lượng. Để hội viên nông dân sử dụng phân bón đạt hiệu quả kinh tế cao, HND huyện đã phối hợp chặt chẽ với Cty tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, cấp phát tờ rơi hướng dẫn sử dụng, đồng thời triển khai xây dựng các mô hình trình diễn, các cuộc hội thảo đầu bờ để đánh giá chất lượng và hiệu quả thực tế. Qua các mô hình trình diễn dưới sự hướng dẫn về khoa học kỹ thuật và cách sử dụng phân bón của đội ngũ cán bộ kỹ thuật Cty đảm bảo theo đúng quy trình tại nhiều địa phương trong huyện cho thấy, chi phí thực hiện thấp hơn so với diện tích đối chứng nhưng thu hoạch lại cho năng suất cao hơn.

Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại cho hội viên nông dân, chương trình hỗ trợ nông dân trong sản xuất còn góp phần tăng cường gắn bó giữa hội viên nông dân với tổ chức Hội, góp phần tập hợp và phát triển hội viên nông dân, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh./.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com