Hải Đông phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

08:06, 27/06/2015

Những năm qua, chăn nuôi của xã Hải Đông (Hải Hậu) đã có bước phát triển mới và đạt được kết quả khá toàn diện, tốc độ phát triển nhanh theo hướng hàng hóa. Nhiều mô hình chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh đã xuất hiện, tạo ra xu thế phát triển chăn nuôi bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân trong xã.

Anh Nguyễn Văn Luật, xóm Tây Cát, xã Hải Đông phun khử trùng tiêu độc chuồng trại.
Anh Nguyễn Văn Luật, xóm Tây Cát, xã Hải Đông phun khử trùng tiêu độc chuồng trại.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đoàn Văn Vụ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hải Đông cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh, huyện, từ năm 2003 đến nay, Đảng ủy, UBND xã đã quy hoạch và chuyển đổi 22,8ha diện tích đất cấy lúa tại vùng Bòng thuộc 2 xóm Tây Cát và Hải Điền để phát triển mô hình trang trại, gia trại tổng hợp. Đây là vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả, cả năm 2 vụ lúa, năng suất chỉ đạt 120 kg/sào. Bên cạnh đó, xã triển khai hiệu quả việc cho thuê đất ưu đãi ở các vùng chuyển đổi; hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng. Tại vùng chuyển đổi, nhiều hộ đã tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao. Sự hình thành, phát triển bền vững của các hộ gia đình ở vùng chuyển đổi đã làm thay đổi hoàn toàn, nhận thức tư duy chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán của nông dân trong xã. Từ thay đổi về nhận thức, tư duy đến dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư, nhiều hộ gia đình ở Hải Đông đã từng bước xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại mô hình chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn xã có 123 trang trại, gia trại. Phong trào chăn nuôi phát triển, số lượng đàn vật nuôi của Hải Đông luôn đứng đầu huyện Hải Hậu. Tổng đàn lợn của xã đạt 3.000 con, sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt 342 tấn/năm; đàn gia cầm 135 nghìn con, trong đó có 120 nghìn con gà và 15 nghìn con vịt, sản lượng đạt 430 tấn/năm. Thu nhập từ chăn nuôi cao hơn gấp nhiều lần so với thu nhập từ sản xuất lúa, muối. Để đạt được những kết quả trên, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình từng bước ứng dụng công nghệ, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Đồng thời, khuyến khích các hộ gia đình thực hiện việc liên kết trong chăn nuôi từ việc tìm đầu vào như: con giống, thức ăn, thuốc thú y… đến đầu ra cho sản phẩm sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, liên kết, hỗ trợ nhau trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Do đó, các hộ nông dân ở Hải Đông đã thực hiện, tuân thủ các quy trình, nguyên tắc trong chăn nuôi. Hầu hết các hộ nuôi lợn đều xây bể biogas để xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm ở cả 2 vụ xuân và thu, xã luôn đạt trên 80% kế hoạch được giao. Việc làm vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc, dùng vôi sát trùng… được tuân thủ triệt để theo định kỳ và sự chỉ đạo của các cấp, các ngành trong tỉnh, huyện. Vì vậy, có những thời điểm, các dịch bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm H5N1, dịch tả lợn, dịch lợn tai xanh… diễn biến phức tạp trên đàn gia súc, gia cầm, thủy cầm nhưng các đàn vật nuôi tại xã luôn được đảm bảo an toàn dịch bệnh. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đấu thầu 1 mẫu diện tích chuyển đổi ở đội 8, xóm Tây Cát, anh Đinh Công Uẩn đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi lợn thịt công nghiệp một cách khoa học. Khu chuồng lợn được chia thành nhiều khu riêng biệt gồm: khu chuồng chăn nuôi lợn nái sinh sản, khu chuồng chăn nuôi lợn hậu bị và khu chuồng chăn nuôi lợn thịt thương phẩm. Anh Uẩn cho biết: đàn lợn, nhất là lợn nái cần được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật rất khắt khe để đạt chất lượng lợn giống tốt nhất và lợn thương phẩm bảo đảm VSATTP. Mỗi con lợn ngay từ khi bắt đầu nuôi được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin để phòng bệnh. Trung bình mỗi tuần một lần anh phun khử trùng toàn bộ khu chuồng nuôi, đồng thời quét dọn chuồng trại để giữ vệ sinh, sạch mầm bệnh. Để có nguồn thức ăn đảm bảo, anh Uẩn ký hợp đồng chặt chẽ với hãng thức ăn gia súc có uy tín. Nhờ vậy mà trang trại chăn nuôi của gia đình anh Uẩn nhiều năm không xảy ra dịch bệnh. Chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Luật ở xóm Tây Cát. Khi xã có chủ trương chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại, gia trại, anh đã mua 5 mẫu đất ở vùng chuyển đổi và đấu thầu 1 mẫu để tổ chức nuôi gà thương phẩm và thả cá. Anh đầu tư 1 tỷ đồng xây chuồng nuôi gà khép kín với quy mô mỗi lứa từ 8-10 nghìn con, có hệ thống thông gió, hệ thống làm ẩm, làm ấm, hệ thống cho ăn, uống hoàn chỉnh, thức ăn phù hợp với từng thời kỳ phát triển của vật nuôi và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Anh Luật cho biết, để đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, anh tuân thủ nghiêm từ việc chọn giống, thức ăn chăn nuôi đến vệ sinh, xử lý chuồng trại sau mỗi lứa nuôi. Mỗi lứa gà, anh thường chủ động mua các loại vắc-xin Niu-cát-sơn, tụ huyết trùng gia cầm, Gumboro, đậu gà... tiêm đầy đủ cho đàn gà, đồng thời cho gà uống thuốc trợ sức, trợ lực từ 3-4 lần/lứa nên gần chục năm nay đàn gà của anh Luật được an toàn về dịch bệnh và hiệu quả ngày càng cao. Ngoài ra, anh Luật còn nuôi lợn thịt quy mô mỗi lứa 150 con, ở khu vực ao nuôi cá anh nuôi thả 15 nghìn con cá diêu hồng. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 1 tỷ đồng từ chăn nuôi gà, lợn và thả cá. Ở Hải Đông còn có nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn, an toàn dịch bệnh, có thu nhập cao như hộ các ông: Nguyễn Văn Khuynh, Nguyễn Văn Uẩn, Bùi Văn Đình…

Trong thời gian tới, xã Hải Đông tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung theo quy hoạch, không xây dựng mới khu chăn nuôi nằm xen khu dân cư. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi, nhất là các cơ sở chăn nuôi lớn nhất thiết phải có hầm biogas, đệm lót sinh thái và các biện pháp kỹ thuật khác bảo đảm môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phấn đấu tăng tổng đàn gia súc, gia cầm và hình thành một số trang trại kiểu mẫu về hiệu quả sản xuất, đạt tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường. Tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, bảo đảm phát triển chăn nuôi hiệu quả và bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com