Thực hiện tốt công tác tham vấn cộng đồng trong xây dựng quy hoạch

07:05, 07/05/2015

Thời gian qua, hàng loạt các đồ án quy hoạch mới đã được UBND tỉnh phê duyệt như: “Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”; “Quy hoạch xây dựng đô thị Thịnh Long đến năm 2030”; “Tiếp tục triển khai xây dựng quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ, quy hoạch xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông đến năm 2035”; “Quy hoạch xây dựng đô thị Quất Lâm đến năm 2030” và Quy hoạch các khu đô thị tại các thị trấn trong tỉnh, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện… Đây đều là các quy hoạch lớn, tác động đến đại bộ phận dân cư, tạo động lực thúc đẩy chuyển biến mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, công tác tham vấn cộng đồng phải được coi trọng, giữ vai trò là cầu nối về định hướng, ý định của các chủ thể tham gia và chịu tác động trực tiếp của quy hoạch là cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị tư vấn thiết kế và cộng đồng dân cư. Bởi vậy, sự tham gia của cộng đồng trong công tác quy hoạch là một trong những chìa khoá để tạo nên sự thành công của công tác phát triển đô thị và nông thôn.

Xây dựng cầu giao thông nông thôn tại xã Hải Anh (Hải Hậu).
Xây dựng cầu giao thông nông thôn tại xã Hải Anh (Hải Hậu).

Theo quy định tại Điều 16 Luật Xây dựng mới, công tác lấy ý kiến (tham vấn) cộng đồng là một trong những quy định bắt buộc phải thực hiện trong các đồ án quy hoạch nói chung và thiết kế đô thị nói riêng. Đồng chí Nguyễn Ngọc Đạt, Phó Phòng Quy hoạch và Quản lý kiến trúc (Sở Xây dựng) cho biết: “Thời gian qua, công tác tham vấn trong xây dựng quy hoạch được tỉnh đặc biệt coi trọng bởi đây là yếu tố tác động trực tiếp đến tính thực tế, tính khả thi trong xây dựng quy hoạch, giúp mỗi quy hoạch đi vào cuộc sống được triển khai thuận tiện, tăng hiệu quả đầu tư”. Được biết, toàn bộ các quy hoạch từ quy hoạch cấp xã đến huyện, quy hoạch đô thị đến các phân khu chức năng trong đô thị; các khâu như nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch xây dựng điểm dân cư… đều được tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng. Các hình thức lấy ý kiến cộng đồng được triển khai bởi các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thông qua hình thức gửi hồ sơ, tài liệu, tổ chức hội nghị, hoặc bằng phiếu góp ý thông qua hình thức trưng bày công khai hoặc giới thiệu phương án quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng; trưng bày sơ đồ, bản vẽ các phương án quy hoạch. Thời gian lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng ít nhất là 20 ngày đối với cơ quan, 40 ngày đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư. Thời gian qua, Thành phố Nam Định đã phát huy hiệu quả vai trò cộng đồng trong định hướng quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phân khu chi tiết các phường, xã của thành phố. Hiện tại, thành phố đã hoàn thành quy hoạch phân khu chi tiết 18 phường, xã và tiếp tục triển khai quy hoạch 6 phường, xã còn lại gồm: Lộc An, Mỹ Xá, Lộc Hòa, Nam Vân, Nam Phong và phường Cửa Nam; riêng xã Lộc Hòa do quy hoạch xây dựng 2 bên đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý (đoạn qua Nam Định) chưa được tỉnh phê duyệt nên chưa triển khai điều chỉnh quy hoạch phân khu chi tiết. Đồng chí Phạm Quốc Hải, Phó phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết: Phòng đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn, đơn vị phường, xã mời bí thư chi bộ thôn, xóm, tổ trưởng tổ dân phố, đại diện Đảng ủy, UBND phường, các khối đoàn thể chính trị, xã hội cùng tổ chức hội nghị thông báo quy hoạch. Trong đó công bố kỹ các nội dung chính như: mặt bằng, phạm vi, phương án quy hoạch; tổ chức dán các hồ sơ thiết kế quy hoạch của đơn vị tư vấn, đồng thời báo cáo chi tiết từng phương án quy hoạch để mọi người tham gia đóng góp ý kiến về quy hoạch sử dụng đất, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, sự cần thiết phải điều chỉnh. Các phiếu điều tra được nghiên cứu kỹ chia nhiều tiểu mục đánh giá từng hạng mục công trình như đường giao thông, định hướng phát triển; việc bố trí các KCN, dân cư cây xanh; mạng lưới cấp nước, thoát nước… với 3 lựa chọn: hợp lý - chấp nhận được - chưa hợp lý. Các phiếu điều tra được tổng hợp và được chủ đầu tư đánh giá, lựa chọn các ý kiến tham khảo sát với thực tế, từ đó chỉ đạo đơn vị tư vấn điều chỉnh quy hoạch bám sát thực tế hơn và phù hợp hơn với nhu cầu cuộc sống người dân. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, công tác tham vấn lấy ý kiến cộng đồng sẽ giúp quá trình triển khai dự án đầu tư nhanh hơn, khắc phục được ngay từ đầu những bất cập, tồn tại do quy hoạch cũ chưa thể giải quyết được hoặc không phù hợp với hiện tại, giúp đơn vị tư vấn bổ sung các điểm thiếu sót trong lập quy hoạch. Bên cạnh đó, nắm rõ quy hoạch sẽ giúp người dân trở thành cánh tay nối dài giúp các cơ quan chức năng kiểm tra giám sát thi công, đánh giá hiệu quả dự án triển khai tránh thất thoát lãng phí.

Không chỉ ở thành phố, công cuộc xây dựng NTM đang triển khai sâu rộng và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trên địa bàn toàn tỉnh là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc lấy ý kiến cộng đồng trong xây dựng quy hoạch. Điều này thể hiện rõ nhất qua công tác phát triển hệ thống hạ tầng ở các điểm dân cư nông thôn. Theo đó, mỗi thôn, xóm tự chủ động bàn bạc, thống nhất tham gia xây dựng kế hoạch bám sát theo quy hoạch xây dựng đã được biết, đồng thời phát huy được nguồn vốn xã hội hóa từ người dân đóng góp xây dựng NTM. Đối với các quy hoạch có phạm vi quy hoạch tác động đến nhiều xã, các đơn vị tư vấn đều chủ động đảm bảo lấy ý kiến cộng đồng. Hiện tại, quy hoạch xây dựng đô thị Quất Lâm đến năm 2030 đã được Cty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng 689 lập và triển khai tham vấn cộng đồng tại các xã. Tổng cộng đã có 302 phiếu điều tra được phát và tổng hợp ý kiến với 100% đồng thuận với chủ trương và phương án quy hoạch của đơn vị tư vấn. Đây sẽ là cơ sở để quy hoạch triển khai đi vào thực tiễn được nhân dân đồng thuận và có hiệu quả trong tương lai.

Hoạt động tham vấn cộng đồng đóng góp quan trọng vào thiết kế, chất lượng quy hoạch; vai trò làm chủ của người dân được nâng cao bởi họ chính là chủ thể tham gia duy trì và hưởng lợi từ các dự án được quy hoạch, đồng thời cũng chính là lực lượng giám sát trực tiếp việc thực hiện theo quy hoạch. Đây sẽ là cơ sở vững chắc để các quy hoạch triển khai đúng và hiệu quả, bám sát theo đúng định hướng phát triển kinh tế -  xã hội của tỉnh./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com