Những tín hiệu lạc quan về tăng trưởng tín dụng trong năm 2015

08:05, 30/05/2015

Mặc dù tình hình kinh tế trong nước cũng như tỉnh ta trong thời gian vừa qua vẫn còn không ít khó khăn, song kết quả tăng trưởng tín dụng của hầu hết các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn vẫn có sự tăng trưởng đáng kể.

Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, đến ngày 25-5-2015, tổng số dư nguồn vốn huy động của các ngân hàng cổ phần thương mại và các TCTD trên địa bàn đạt 26.805 tỷ đồng, tăng 1.985 tỷ đồng (bằng 8%) so với đầu năm; tăng 4.875 tỷ đồng (bằng 22,2%) so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, tiền gửi bằng VND tăng 8,1% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 95,1% tổng nguồn vốn huy động; tiền gửi có kỳ hạn tăng 10,1% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 90,5% tổng nguồn vốn huy động. Nguồn vốn huy động tăng trưởng khá là do các TCTD trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về tuyên truyền, tiếp thị, áp dụng các biện pháp khuyến mại theo quy định của pháp luật, tiện ích huy động vốn đa dạng, mạng lưới mở rộng và thái độ phục vụ tận tình đối với người gửi tiền. Mặt khác, lãi suất huy động tuy giảm nhưng vẫn phù hợp với diễn biến của lạm phát, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, làm cho kênh tiền gửi ngân hàng vẫn có sức hấp dẫn. Thực hiện sự chỉ đạo của Thống đốc NHNN về mục tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2015 khoảng 13-15%, NHNN tỉnh đã có Văn bản số 81/NĐ-TH chỉ đạo các TCTD trên địa bàn xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp kiểm soát tín dụng trong suốt cả năm 2015, đến nay các ngân hàng cổ phần thương mại trên địa bàn đã được Hội sở chính giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm 2015 bước đầu là 17,5%. Dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đạt 27.039 tỷ đồng, tăng 530 tỷ đồng (bằng 2%) so với đầu năm, tăng 2.947 tỷ đồng (bằng 12,2%) so với cùng kỳ năm 2014. Với kết quả lạc quan về xu hướng phục hồi và ổn định kinh tế trong 2014 và những tháng đầu năm 2015 của tỉnh, đặc biệt là lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, GDP tăng trưởng khá và sự khởi sắc trong đầu tư tín dụng, đa số các TCTD đánh giá môi trường kinh doanh và kết quả hoạt động kinh doanh của họ đã cải thiện đáng kể và kỳ vọng tiếp tục cải thiện tích cực hơn trong năm 2015. Theo nhận định của các TCTD, nhu cầu của khách hàng về sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã tăng lên đáng kể trong quý I và cả năm 2015. Đại diện NHNN tỉnh cho biết: Tính thanh khoản của các ngân hàng cổ phần thương mại trên địa bàn hiện đang ở trạng thái tốt và tiếp tục được duy trì trong năm 2015. Dự kiến hết tháng 5-2015, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng và TCTD có khả năng đạt mức tăng trưởng 22,2% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là cơ sở để ngành Ngân hàng thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2015 là 17,5% theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Giao dịch tại Ngân hàng Hàng Hải (TP Nam Định).
Giao dịch tại Ngân hàng Hàng Hải (TP Nam Định).

Có thể khẳng định, đạt được những tín hiệu tích cực trên là do trong thời gian qua, cơ cấu nguồn vốn huy động của các TCTD đã được cải thiện đáng kể theo hướng tăng trưởng bền vững và phù hợp hơn theo diễn biến thực tế thị trường. Cụ thể, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến nay có dư nợ 13.790 tỷ đồng, tăng 226 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 51% tổng dư nợ cho vay; dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng 57,2%, trung, dài hạn chiếm tỷ trọng 42,8%. Dư nợ cho vay phân theo ngành kinh tế: Ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm tỷ trọng 24,5%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 40,3%; ngành thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 35,2%. Dư nợ cho vay phân theo loại khách hàng vay: Doanh nghiệp có dư nợ 10.978 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40,6%; HTX 51 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,2%; hộ gia đình, cá nhân 16.010 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59,2% tổng dư nợ cho vay. Việc điều chỉnh lãi suất huy động vốn cũng như cho vay đã được Chi nhánh NHNN tỉnh thực hiện nghiêm túc, linh hoạt theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN và của UBND tỉnh. Cùng với lạc quan về triển vọng kinh doanh thì tâm lý lo sợ rủi ro của các nhóm khách hàng đã giảm rõ rệt. Hiện, nợ xấu toàn ngành là 220 tỷ đồng, chiếm 0,8%. Hầu hết các ngân hàng có nợ xấu dưới 1%, thấp hơn so với mức chung của NHNN. Mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường hiện cũng tương đối ổn định so với cuối năm 2014, trong đó lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 1 tháng; ở mức 4,8-5,5%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; ở mức 5,7-6,7%/năm đối với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng; ở mức 6,7-7,3%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất cho vay bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7%/năm đối với món vay ngắn hạn, 9-10%/năm đối với món vay trung, dài hạn; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 7-9%/năm đối với món vay ngắn hạn, 9,5-11%/năm đối với món vay trung, dài hạn; dư nợ cho vay với mức lãi suất trên 12%/năm đến nay chỉ còn chiếm tỷ trọng 6,4% chủ yếu là các khoản cho vay tiêu dùng.

Với những tín hiệu khả quan trên từ hệ thống các ngân hàng và TCTD trên địa bàn tỉnh những tháng qua đã cho thấy sự chủ động trong việc thực hiện sự chỉ đạo của Thống đốc NHNN, của UBND tỉnh và sự điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ của Chi nhánh NHNN tỉnh đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh tiếp tục phát triển./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com