Những phụ nữ mạnh dạn làm giàu

09:05, 08/05/2015

Trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào phụ nữ thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ phong trào đó đã có nhiều hội viên phụ nữ vươn lên làm kinh tế giỏi, góp phần ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc ấm no, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Về thôn 16, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc), ai cũng biết tấm gương của chị Trần Thị Liên, một điển hình làm kinh tế giỏi luôn được chị em mến phục, tin yêu. Hai vợ chồng chị đều là bộ đội phục viên, trở về địa phương với hai bàn tay trắng, cuộc sống vô cùng khó khăn. Chị luôn trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình. Năm 2001, với chính sách dồn điền đổi thửa của Nhà nước, chị mạnh dạn bàn với chồng đấu thầu ruộng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Nói là làm, chị mạnh dạn đấu thầu 3.000m2 ruộng, vượt đất, xây dựng chuồng trại rộng 300m2 nuôi 50 con lợn cấn thương phẩm; vài chục con gà lấy trứng; đồng thời trồng rau màu theo mùa để phục vụ nhu cầu của người dân. Những năm đầu, kinh nghiệm chưa có, kỹ thuật chăm sóc còn vụng về, lợn bị dịch chết hàng loạt nên lãi từ gia trại không cao, thậm chí liên tục nhiều năm liền chỉ hòa vốn mà không có lãi. Chị chia sẻ: “Thời điểm đó, kinh tế khó khăn, cuộc sống thiếu thốn, con cái còn nhỏ đang tuổi ăn học, bố mẹ già yếu, tằn tiện lắm mà vẫn không đủ chi tiêu trong gia đình. Vả lại tôi cũng đã đầu tư không ít vào trang trại, vì vậy, tôi quyết tâm bằng mọi cách phải bám vào trang trại, phát triển kinh tế gia đình”. Để tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm, chị bố trí thời gian tham gia các lớp tập huấn do Hội Phụ nữ, Hội Nông dân cùng các đoàn thể trong xã tổ chức. Chị còn cất công đến các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình… để học thêm về kinh nghiệm nuôi trồng các loại cây, con. Chị quyết tâm đầu tư mở rộng chuồng trại với tổng diện tích 1.200m2 với thiết kế khu chuồng trại khép kín, thoáng mát, sạch sẽ, đầy đủ nước phù hợp với đặc thù từng loại lợn thịt, lợn nái đẻ, lợn lấy giống. Chị nuôi thêm 10 con lợn nái và 1 con lợn đực lấy giống kết hợp trồng các loại cây lâu năm như hồng xiêm, ổi, chuối, xoài, nhãn, cam, chanh với tổng diện tích 1.800m2. Hiện tại, chị đang nuôi 30 đầu lợn nái, 200 đầu lợn thương phẩm, 2 con lợn đực lấy giống; trên 100 con gà đông cảo, ngan, vịt, ngỗng; trồng 2 sào chuối, 50 gốc nhãn, 150 gốc cam, chanh. Khi kinh nghiệm đã dày dặn hơn, chị có thể tự quan sát, nhận biết dấu hiệu lợn bệnh, rau sâu, kịp thời điều trị dứt bệnh. Nhờ vậy, cây trồng, vật nuôi đều phát triển tốt, năng suất, chất lượng cao. Bình quân mỗi năm, gia đình chị xuất chuồng 600 con lợn tương đương với 70 tấn thịt và hàng tạ hoa quả mỗi năm, cho thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm. Nhờ đó, chị có điều kiện nuôi dạy các con trưởng thành, xây dựng nhà cửa khang trang, sạch sẽ với đầy đủ tiện nghi. Không chỉ làm kinh tế giỏi, là phụ nữ từng trải qua những giai đoạn khó khăn, vất vả, thấu hiểu hoàn cảnh của những phụ nữ nghèo, chị đã hỗ trợ họ về giống, vốn, kỹ thuật, động viên họ mạnh dạn vươn lên làm giàu thoát nghèo. Mỗi năm, chị hỗ trợ từ 5-6 người trong và ngoài xã về giống với hình thức bán trả chậm, không lãi với tổng số tiền 30-40 triệu đồng/năm; riêng từ đầu năm 2015 đến nay, chị hỗ trợ giống lợn nái, lợn nuôi thương phẩm cho 3 người với số tiền trên 10 triệu đồng. Chị còn đóng góp làm đường thôn xóm 8 triệu đồng. Năm 2015, chị được Hội Phụ nữ xã vinh danh phụ nữ làm kinh tế giỏi, được Hội LHPN tỉnh tặng giấy khen có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua và hoạt động công tác Hội Phụ nữ từ năm 2010-2015.

Chị Trần Thị Liên, thôn 16, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) đang chăm sóc đàn lợn nái.
Chị Trần Thị Liên, thôn 16, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) đang chăm sóc đàn lợn nái.

Chúng tôi đến xưởng sản xuất mộc gia dụng của gia đình chị Dương Thị Thanh Hải ở xóm A, thôn Phúc Trọng, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) khi cả xưởng đang bắt tay vào sản xuất đồ nội thất cho một công trình mới. Từ đôi bàn tay trắng, đến nay xưởng sản xuất mộc gia dụng của gia đình chị đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Chị Hải vốn là công nhân may làm việc tại KCN Hòa Xá; chồng chị làm thuê cho một xưởng mộc trên địa bàn xã. Năm 2002, vợ chồng chị quyết định vay mượn xây căn nhà mái bằng vững chãi. Kể từ đó, chị luôn trăn trở làm thế nào để vừa trả được nợ, vừa nuôi con. Chị mạnh dạn bàn với chồng mở xưởng mộc tại gia đình. Năm 2013, chị Hải vay anh em, họ hàng được 2 chỉ vàng cộng với khoản vốn vợ chồng chị tích lũy được mua máy cưa với giá hơn 3 triệu đồng phục vụ cho công việc làm tại nhà. Đồng thời, chị cũng quyết định nghỉ việc để chuyên tâm cho công việc của xưởng. Ban đầu, diện tích xưởng của 2 vợ chồng chị chỉ gói gọn trong khu nhà ở và sân rộng khoảng 100m2 cùng với 2 lao động và một số máy móc “khiêm tốn”. Những khách hàng ban đầu là anh em, họ hàng; càng về sau, chất lượng sản phẩm từ xưởng của chị được khẳng định, lượng khách hàng ngày càng nhiều. Tuy nhiên không phải mọi việc đều suôn sẻ. Khi xưởng sản xuất mới đi vào hoạt động, vốn ít trong khi kinh phí đầu tư cho việc mua nguyên liệu lại khá cao. Nhiều khách hàng nợ kéo dài khiến việc quay vòng vốn chậm. Để khắc phục tình trạng trên, chị quyết định chỉ nhận những hợp đồng có thỏa thuận thanh toán đầy đủ ngay sau khi hoàn thiện công trình. Đồng thời, vợ chồng chị cũng tập trung đào tạo cho đội ngũ lao động theo hướng “cầm tay chỉ việc”, giúp nâng cao tay nghề cho đội ngũ người lao động của xưởng. Nhờ vậy, mẫu mã đẹp, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, khách hàng tin tưởng, tìm đến. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chị tiếp tục bàn với chồng mở rộng xưởng sản xuất lên 350m2, đồng thời đầu tư thêm các loại máy đục, máy phay, máy bào, máy chà nhẵn... để phục vụ sản xuất. Đến nay, mỗi năm, vợ chồng chị nhận được hàng chục công trình lớn nhỏ. Hiện, xưởng mộc của gia đình chị tạo việc làm thường xuyên cho trên chục người lao động với mức lương từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Với những kết quả đạt được trong sản xuất, chị Dương Thị Thanh Hải được Hội LHPN thành phố vinh danh hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi. Dù công việc rất bận rộn nhưng chị luôn tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt của tổ, của Hội LHPN xã; tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội Phụ nữ các cấp phát động và là hội viên gương mẫu được Hội LHPN xã giới thiệu đi học lớp cảm tình Đảng.

Từ đôi bàn tay trắng, nhờ sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, các chị đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, trở thành những tấm gương tiêu biểu trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi được các cấp Hội biểu dương, vinh danh./.

Bài và ảnh: Hoàng Dung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com