Nhiều giải pháp cải tiến kỹ thuật hữu ích mang lại hiệu quả kinh tế cao

09:05, 26/05/2015

Những năm qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Nhờ đó, phong trào lao động sáng tạo diễn ra sôi nổi tạo ra nhiều giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất hiệu quả, thiết thực góp phần giúp người lao động làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho đơn vị.

Kiểm tra chất lượng nước sau khi áp dụng giải pháp “Thay đổi điểm châm hóa chất trong khai thác nước sinh hoạt” của tác giả Phạm Văn Tá (Nhà máy nước Yên Quang, huyện Ý Yên).
Kiểm tra chất lượng nước sau khi áp dụng giải pháp “Thay đổi điểm châm hóa chất trong khai thác nước sinh hoạt” của tác giả Phạm Văn Tá (Nhà máy nước Yên Quang, huyện Ý Yên).

Năm 2014, nội dung thi đua lao động sáng tạo được các đơn vị cụ thể hóa theo nhiệm vụ chuyên môn. Trong khối cán bộ, công chức, viên chức, phong trào thi đua được gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”. Ngành GD và ĐT có phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Khối doanh nghiệp có phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm nguyên liệu, chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh... Đặc biệt phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo được các cấp chính quyền ủng hộ, tạo điều kiện, lực lượng công nhân, viên chức hưởng ứng nhiệt tình. Đến nay toàn tỉnh có 4.569 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất của công nhân, viên chức ở cả 5 lĩnh vực: Công nghiệp; GD và ĐT; nông nghiệp; quản lý và tổng hợp được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Qua tuyển chọn có 76 sáng kiến có tính mới, tính sáng tạo và có khả năng ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, đời sống sinh hoạt được công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Nhiều tập thể, cá nhân có những sáng kiến tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao như giải pháp “Nâng cao tỷ lệ sống trong giai đoạn ương nuôi cá Hồng Mỹ tại Nam Định” của tác giả Nguyễn Doãn Lâm (Sở NN và PTNT); giải pháp “Móc chữ T chống gió va đập cửa” của tác giả Lương Xuân Biên, Bộ CHQS tỉnh đã khắc phục hoàn toàn việc gió làm lật cánh cửa sổ, cửa ra vào chỉ với chi phí 1.000 đồng… Ngoài ra còn nhiều sáng kiến trong lĩnh vực giáo dục đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy, học tập của thầy và trò trong các nhà trường như các sáng kiến “Vận dụng lý thuyết cân bằng trong dung dịch chứa hợp chất ít tan để bồi dưỡng học sinh giỏi thi quốc gia và quốc tế” của tác giả Vũ Văn Hợp (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong); “Phát triển nhân cách học sinh tiểu học qua giáo dục kỹ năng sống” của tác giả Bùi Thị Ngọc Dung (Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái)… Đặc biệt giải pháp "Sinh sản nhân tạo giống cá trê đồng" của tác giả Hoàng Thanh Dương (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư) đã dùng các biện pháp kỹ thuật sinh sản nhân tạo thành công giống cá trê đồng và thuần hóa nuôi thương phẩm trong ao đất. Cách làm này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cách nuôi thương phẩm cá trê lai mà các hộ dân trong tỉnh vẫn làm, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của thị trường do chất lượng cá trê đồng ngon, có khả năng chữa một số bệnh mãn tính. Ngoài ra, sinh sản nhân tạo thành công cá trê đồng còn góp phần lớn vào việc bảo tồn nguồn giống bản địa tự nhiên, tránh hiện tượng khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản đang diễn ra ngày càng gay gắt. Giải pháp kỹ thuật “Thay đổi điểm châm hóa chất trong khai thác nước sinh hoạt” của tác giả Phạm Văn Tá (Nhà máy nước Yên Quang) đã góp phần đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt, tăng công suất khai thác và giảm chi phí sản xuất. Giải pháp được hình thành sau quá trình tác giả trực tiếp làm việc, vận hành hệ thống khai thác nước tại Nhà máy nước Yên Quang và nhận thấy những bất cập trong việc châm hóa chất làm trong nước tại bể lắng. Do đó tác giả đã nghiên cứu và thử nghiệm cách thay đổi điểm châm hóa chất tại đường ống dẫn ở khoảng cách nhất định trước khi nước đi vào bể lắng. Việc làm này giúp cho nước được tiếp xúc với hóa chất trong thời gian dài hơn, chất lượng đảm bảo hơn, nâng được công suất khai thác nước và phát huy triệt để lượng hóa chất hòa tan trong nước. Theo tính toán của tác giả và các cộng sự tại Nhà máy nước Yên Quang thì ngoài việc đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt; tiết kiệm công lao động, hóa chất, nước và kéo dài chu kỳ thay rửa bể lắng giải pháp này còn góp phần làm tăng công suất khai thác nước thành phẩm của nhà máy từ 3.700m3 lên 5.120m3/năm. Ngay sau khi công bố, giải pháp này đã được áp dụng trong toàn hệ thống 12 nhà máy nước khai thác nước từ nguồn nước sông trên địa bàn tỉnh. Giải pháp “Thiết kế xây dựng phòng tiệt trùng trạm y tế xã” của tác giả Phạm Văn Chính (Trung tâm Y tế huyện Ý Yên) mang tính ứng dụng cao và đặc biệt phù hợp với thực tế công việc y tế tuyến cơ sở và điều kiện cơ sở vật chất của địa phương. Theo đó, phòng tiệt trùng của trạm y tế xã được thiết kế nhỏ, gọn theo quy trình một chiều trong vận chuyển đồ bẩn và đồ sạch sau khử trùng; đồng thời nằm xen giữa các phòng chức năng, thủ thuật, chăm sóc sức khỏe sinh sản nên mang lại hiệu quả cao trong việc đảm bảo công tác chống nhiễm khuẩn tại các trạm y tế tuyến xã.

Mặc dù các giải pháp hợp lý hóa lao động sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực cho quá trình lao động sản xuất, thể hiện được tinh thần yêu nghề, yêu công việc và say mê nghiên cứu khoa học của các tập thể, cá nhân. Tuy nhiên số lượng đề tài, sáng kiến tập trung nhiều ở lĩnh vực giáo dục; trong khi ở các ngành sản xuất công nghiệp, NN và PTNT… còn hạn chế; tính mới, tính sáng tạo trong mỗi sáng kiến chưa cao; các tác giả trình bày không thoát hết được ý tưởng của đề tài nghiên cứu, hiệu quả kinh tế - xã hội của giải pháp chưa rõ ràng… Để khắc phục hạn chế này và khai thác hết những sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng vào thực tế đời sống và sản xuất, thời gian tới, các cấp, các ngành liên quan cần chú trọng hơn nữa công tác quản lý tổ chức hoạt động sáng kiến; có cơ chế khen thưởng phù hợp với tổ chức, cá nhân được công nhận; tổ chức nhiều chương trình tôn vinh các tác giả có giải pháp hữu ích, đồng thời tạo điều kiện ứng dụng, giới thiệu các sáng kiến có tính sáng tạo, có khả năng áp dụng, nhân rộng để động viên các tác giả đạt có sáng kiến cũng như phát huy tối đa hiệu quả sáng kiến, giải pháp hữu ích mang lại./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com