Khai thác hiệu quả thị trường cung ứng thực phẩm cho các bếp ăn tập thể

08:05, 04/05/2015

Theo số liệu của ngành chức năng, tỉnh ta có trên 100 bếp ăn tập thể  (BATT) tại các doanh nghiệp và 510 BATT trong các trường tiểu học, THCS với khả năng phục vụ trên 100 nghìn suất ăn mỗi ngày cho người lao động, học sinh, sinh viên và trẻ mẫu giáo, mầm non. Ước tính khối lượng lương thực, thực phẩm tiêu dùng cho các BATT mỗi ngày khoảng trên 2 tấn gạo, tương ứng với đó là lượng thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản và rau xanh các loại. Đây chính là thị trường lớn, đầy tiềm năng để tiêu thụ các loại nông sản, thực phẩm tại chỗ, mang lại giá trị kinh tế cao và lâu dài cho nông dân trong tỉnh. Tuy nhiên hiện nay người dân trong tỉnh chưa nắm bắt được lợi thế này để phát triển sản xuất bởi trên 70% nguồn nguyên liệu lương thực, thực phẩm tại các BATT được nhập từ tỉnh ngoài trong khi năng lực sản xuất của tỉnh mỗi năm đạt khoảng trên 930 nghìn tấn lúa, 25 nghìn tấn lạc, 30 nghìn tấn khoai tây, 230 nghìn tấn rau, củ các loại; 140 nghìn tấn thịt hơi, trên 100 nghìn tấn thủy, hải sản… hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng này. Bỏ ngỏ thị trường đầy tiềm năng ngay tại “sân nhà” là sự lãng phí lớn đáng quan tâm của cả nhà quản lý và các đơn vị kinh doanh, cung ứng lương thực, thực phẩm.

Cách thức tổ chức BATT của các đơn vị trên địa bàn tỉnh gồm các hình thức: thành lập bộ phận nhà bếp tự tổ chức nấu ăn; tự lo thực phẩm chỉ thuê nhân sự khâu nấu ăn; ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn. Tham gia vào thị trường cung ứng lương thực, thực phẩm và suất ăn trọn gói cho các trường học, doanh nghiệp trong các khu, CCN trên địa bàn tỉnh ta có khoảng 10 đơn vị. Trong đó, hầu hết các doanh nghiệp ngoài tỉnh như Cty CP Thương mại và dịch vụ Nhật Lâm, Cty Ba sao (Hà Nội); Cty TNHH Foseca Việt Nam (Bắc Ninh)… ngoài ra còn một lượng lớn lương thực, thực phẩm theo chân tư thương các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội và nông sản Trung Quốc… tập kết từng xe lớn tại các chợ đầu mối để cung ứng cho các BATT trên địa bàn. Ưu điểm của các cơ sở cung ứng lương thực, thực phẩm này là có khả năng đáp ứng được các đơn hàng lớn, giá cả phải chăng, chất lượng ổn định trong một thời gian dài và điều đặc biệt là các cơ sở này có thương hiệu với đầy đủ chứng từ hợp lệ, đảm bảo cho khách hàng an tâm khi sử dụng sản phẩm cũng như dịch vụ của đơn vị. Tại Cty CP Thương mại và dịch vụ Nhật Lâm là đơn vị cung ứng suất cơm công nghiệp cho hầu hết các doanh nghiệp lớn và liên doanh trên địa bàn tỉnh. Cty có khả năng cung ứng hàng nghìn suất cơm mỗi bữa cho cả thực đơn của người Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác… với chất lượng ổn định. 100% nhân viên phục vụ từ khâu chuyên chở nguyên phụ liệu đến phục vụ đều được trang bị kiến thức ATVSTP, kiểm tra sức khỏe định kỳ và bảo hiểm 100% suất ăn tại Cty Bảo hiểm Bảo Minh. Điều này đã khiến người tiêu dùng có căn cứ để yên tâm sử dụng sản phẩm; có cơ sở pháp lý để hoàn thiện hồ sơ chứng từ khi tham gia quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới cũng như giải quyết những tranh chấp thương mại khi không may có sự cố xảy ra. Trong khi đó, các doanh nghiệp trên địa bàn chỉ tham gia một phần vào chuỗi cung ứng thực phẩm cho những BATT như các Cty CP Lương thực miền Bắc, Ngọc Hương (KCN Hòa Xá) chuyên cung ứng gạo, bột mỳ; Siêu thị Big C, Micom, cửa hàng rau sạch Linh Chi, Sunday (TP Nam Định), Dũng Oanh (Nam Trực), Dũng Hiền (Vụ Bản), Hùng Vương (Giao Thủy)… chuyên cung ứng các loại rau củ quả, thủy, hải sản; thịt và các phụ phẩm gia súc, gia cầm… Một vài cơ sở cung ứng suất ăn công nghiệp như Cty TNHH một thành viên Cầu Bắc, doanh nghiệp tư nhân Hưng Thịnh, Thái Hoa (TP Nam Định)… đã tiếp cận, đưa suất ăn vào các Cty lớn nhưng với số lượng không nhiều. Với hạn chế cơ bản là không cung ứng trọn gói suất ăn; số lượng sản phẩm hạn chế, chất lượng không đồng đều; chưa có chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, chỉ dẫn địa lý… khiến khách hàng mất nhiều thời gian cho các khâu thu gom, tiếp nhận và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Do đó các cơ sở cung ứng lương thực, thực phẩm trong tỉnh mới chỉ đáp ứng yêu cầu BATT của một số trường mầm non, tiểu học, THCS… nhưng bếp ăn của các doanh nghiệp có lượng công nhân lớn thì chưa có khả năng. Cty CP May Sông Hồng có trên 10 nghìn lao động ở 4 cơ sở chính trên địa bàn tỉnh. Cty có nhà bếp đạt chuẩn đáp ứng yêu cầu ATVSTP và đảm bảo cho người lao động thư giãn ngay trong bữa ăn trước khi tiếp tục sản xuất. Để bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm an toàn với mức giá hợp lý cho hơn 10 nghìn suất ăn, Cty có nhu cầu sử dụng hàng sản xuất trong tỉnh làm nên đã đề nghị các cơ sở cung ứng thực phẩm trong tỉnh chào hàng theo thực đơn của Cty nhưng đều không đáp ứng được nhu cầu. Hiện tại Cty vẫn phải nhập gạo, rau quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và trứng của một Cty tại Hà Nội với giá khá cao và không thể góp phần hỗ trợ khâu tiêu thụ nông sản cho nông dân trong tỉnh.

Để tháo gỡ khó khăn này, UBND tỉnh cần sớm ban hành chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, thực phẩm theo chuỗi, nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia các mối liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Các ngành chức năng như Sở Công thương, NN và PTNT phải vào cuộc quyết liệt trong việc thực hiện sản xuất nông sản hàng hóa, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông sản và xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho từng sản phẩm để người tiêu dùng dễ dàng truy nguyên nguồn gốc xuất sứ sản phẩm. Hình thành các đầu mối thu gom nông sản theo mùa vụ cung ứng với số lượng lớn cho khách hàng. Hỗ trợ xây dựng các mô hình thí điểm kết nối cung ứng nông sản giữa doanh nghiệp và các đơn vị tổ chức BATT để rút kinh nghiệm và nhân nhanh ra diện rộng. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần nỗ lực đầu tư trọn gói mô hình cung ứng nông sản thực phẩm, suất ăn công nghiệp cho các BATT; chủ động xây dựng, ký hợp đồng với người dân ở những vùng sản xuất nông sản chất lượng cao để đảm bảo nguồn cung thường xuyên cho khách hàng. Đồng thời đổi mới phương thức tổ chức dịch vụ để phù hợp với yêu cầu của các BATT. Phấn đấu đến năm 2020, có 50% nguyên liệu cho các BATT trên địa bàn là sản phẩm nội tỉnh và dần giành lại thị trường tiêu thụ nông sản tại các BATT vào năm 2025./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com