Hội Nông dân (HND) xã Yên Quang (Ý Yên) có 1.026 hội viên, thuộc 999 hộ sinh hoạt ở 7 chi hội, chiếm 74,16% so với hộ nông nghiệp. Trong những năm qua, HND xã đã có nhiều biện pháp hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương.
Thi công đường giao thông nội đồng ở xóm 7A, xã Yên Quang. |
Với lợi thế gần sông Đáy, có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Quốc lộ 10 chạy qua địa bàn xã nhưng những năm trước, thu nhập của hội viên nông dân trong xã không ổn định, ngành nghề phụ kém phát triển. Nhiều hội viên phải đi làm ăn xa nên việc phát triển kinh tế gia đình, kinh tế hộ có nhiều khó khăn. 3 năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể, HND xã đã tích cực tuyên truyền cho hội viên mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề, tăng thu nhập. Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, HND xã đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Từ đầu năm đến nay, HND xã đã phối hợp HTX dịch vụ nông nghiệp mở 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 1.100 lượt hội viên; hướng dẫn nông dân phương pháp gieo sạ hàng. Với diện tích đất canh tác có 407ha chủ yếu cấy 2 vụ lúa, vụ xuân 2015, diện tích gieo sạ hàng của xã đạt hơn 122ha (chiếm 30% diện tích gieo cấy). Nhờ chủ động phòng trừ sâu bệnh kết hợp với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất lúa vụ xuân của xã đạt 210kg/sào. Ngoài sản xuất nông nghiệp, HND xã còn hỗ trợ hội viên phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, lai hóa đàn bò thông qua các chương trình, dự án. Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của địa phương có trên 22 nghìn con; trong đó có 255 con trâu bò, 1.200 con lợn, 20 nghìn con gia cầm. Trên địa bàn xã đã hình thành nhiều mô hình VAC mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt kết hợp nuôi cá, vịt siêu trứng và trồng lúa của hội viên Trịnh Xuân Dân, chi hội 1. Với diện tích 2,5 mẫu gần sát chân đê tả sông Đáy, anh Dân cấy 2 vụ lúa trên diện tích 1,4 mẫu; còn lại anh đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi mỗi lứa trên 50 con lợn thịt và 7 con lợn nái; bình quân mỗi năm xuất bán 3-4 lứa lợn thịt. Ngoài ra anh còn nuôi 250 con vịt siêu trứng, bình quân thu nhập 130 triệu đồng/năm. Hiện toàn xã có hơn 10 hộ chăn nuôi dê, trong đó có nhiều hộ chăn nuôi với số lượng 40-50 con trở lên. Điển hình như gia đình chị Trần Thị Tuyết, xóm 7A nuôi 56 con; gia đình anh Nguyễn Văn Tài, xóm 7A nuôi 43 con; gia đình chị Nguyễn Thị Hương, thôn Đông Duy nuôi 33 con. Bình quân thu nhập của các hộ chăn nuôi dê đạt từ 60-70 triệu đồng/năm. Nghề trồng hoa, cây cảnh ở khu vực xóm 6 và xóm 7 cũng thu hút nhiều hội viên nông dân tham gia. Điển hình có hộ anh Bùi Ngọc Hà, hộ ông Bùi Văn Ninh vừa kết hợp trồng hoa, cây cảnh, vừa chăn nuôi lợn, bình quân thu nhập 70-80 triệu đồng/hộ/năm. Bên cạnh đó, HND xã đã phối hợp với các ban, ngành, đơn vị tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng các loại hình sản xuất, đồng thời có chính sách hỗ trợ, nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả trên địa bàn xã. Đến nay, dư nợ từ ngân hàng NN-PTNT của Yên Quang đạt 7,493 tỷ đồng cho 176 hộ vay; dư nợ từ Ngân hàng CSXH trên 4,666 tỷ đồng cho 302 hộ vay vốn phát triển kinh tế. Hộ gia đình ông Trịnh Duy Nhật, ở chi hội 1 là điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Năm 2005, được HND hỗ trợ vay vốn hộ nghèo từ Ngân hàng CSXH, ông đã đầu tư thiết bị mở xưởng chế biến bánh cuốn, bình quân mỗi ngày ông sản xuất 6 đến 8 tạ bánh cuốn cung cấp cho thị trường các xã trong huyện. Sau 2 năm, ông đã trả hết nợ và bắt đầu làm ăn có lãi. Đến nay, bình quân thu nhập của gia đình ông đã đạt trên 200 triệu đồng/năm. Hộ anh Trương Công Sơn, chi hội 3, được HND xã tạo điều kiện tham gia lớp học nghề mây tre đan xuất khẩu do HND huyện tổ chức. Năm 2011, sau khi hoàn thành khóa học, anh Sơn về địa phương mạnh dạn vay vốn, mở cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu. Hiện cơ sở của anh đang thu hút và tạo việc làm cho 27 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/tháng/người.
Với sự hỗ trợ hiệu quả của HND xã và cấp ủy, chính quyền địa phương, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn xã đã phát triển mạnh mẽ góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Nhiều hộ nông dân đã vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu. Đến nay, toàn xã có 578 mô hình kinh tế hộ với các trang trại, gia trại, trong đó có nhiều gia trại, trang trại đạt hiệu quả kinh tế cao, 19 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 157 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn dưới 6,37%, hộ cận nghèo giảm còn 5,32%. Từ hiệu quả của hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân, 5 năm gần đây, HND xã Yên Quang luôn được các cấp Hội đánh giá cao, là một trong những tổ chức HND cơ sở vững mạnh toàn diện của huyện Ý Yên./.
Bài và ảnh: Thanh Tuấn