Theo “thói quen định giá” của các tư thương, thường sau mỗi lần Chính phủ quyết định điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng giá điện, xăng, dầu... thì hầu hết các mặt hàng thiết yếu lưu thông trên thị trường cũng ồ ạt tăng giá theo. Trong tháng 3-2015, Chính phủ điều chỉnh giá xăng dầu tăng từ 4,7%-10% và 7,5% đối với giá điện. Với mức tăng này sẽ có những tác động nhất định đến chi phí đầu vào sản xuất, giá thành và giá bán một số hàng hóa dịch vụ. Tuy nhiên tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh vẫn tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến, bất hợp lý.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát giá hàng hóa tại huyện Ý Yên. |
Để có được sự ổn định này, ngay sau khi có quyết định điều chỉnh tăng giá điện và xăng, dầu, ngày 30-3-2015, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc công tác quản lý và bình ổn giá thị trường trên địa bàn. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng thường xuyên theo dõi, nắm tình hình diễn biến giá cả thị trường… để kịp thời báo cáo UBND tỉnh có biện pháp bình ổn giá thích hợp theo quy định. Giám sát chặt chẽ việc kê khai giá những mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; rà soát định mức và đơn giá các yếu tố hình thành giá, đánh giá tình hình thị trường và tác động của tăng giá điện, xăng, dầu đến giá thành và giá bán sản phẩm đầu ra để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tăng giá bất hợp lý không do tác động trực tiếp hoặc tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá điện, xăng, dầu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, trước mắt tập trung đối với mặt hàng thiết yếu như cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh, gas… để kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về giá cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc định giá, đăng ký giá, kê khai giá của các doanh nghiệp đối với mặt hàng do Nhà nước định giá, các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng tăng giá, phí, lệ phí tùy tiện, trái pháp luật. Sở Công thương chủ động theo dõi sát tình hình giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh, tham mưu với UBND tỉnh kịp thời có các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật nhằm bình ổn thị trường, giá cả. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, giám sát về giá cả và chất lượng hàng hóa. Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng, các loại hình dịch vụ tại các chợ đầu mối, quầy hàng tổng hợp, nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ... đã được cấp đăng ký kinh doanh; xử lý nghiêm các hành vi tăng giá bất hợp pháp nhằm thu lợi bất chính theo đúng quy định của pháp luật. Từ tháng 3-2015 đến nay, qua công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực giá và gian lận thương mại, Chi cục Quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 35 vụ vi phạm quy định về quản lý giá như: Không niêm yết giá, niêm yết giá không đầy đủ, kinh doanh hàng hoá không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo về đo lường; hàng hoá vận chuyển không có đầy đủ hoá đơn, chứng từ và đã xử phạt hành chính gần 30 triệu đồng. Cùng với các ngành chức năng, các doanh nghiệp lớn, hiệp hội ngành hàng thực hiện tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh các biện pháp quản lý giá như tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tìm nguồn nguyên liệu đầu vào giá rẻ để không tăng giá sản phẩm khi cung ứng ra thị trường. Đặc biệt các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh dịch vụ vận tải và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có sử dụng nhiều năng lượng điện, nhiên liệu xăng, dầu phấn đấu cải tiến công nghệ, áp dụng mọi biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao năng suất lao động để giảm giá thành, hạn chế tác động của việc điều chỉnh giá điện, xăng, dầu đến giá bán sản phẩm.
Việc các ngành chức năng tập trung tuyên truyền, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, điều tiết sản xuất, giảm tối đa thao tác thừa trong sản xuất, chủ động kiểm soát thị trường, không để các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở bán buôn, bán lẻ tăng giá thành sản phẩm bất hợp lý không chỉ góp phần bình ổn thị trường mà còn khẳng định sự điều hành hợp lý của UBND tỉnh trong việc kiểm soát giá từ sản xuất đến khâu tiêu thụ. Tuy nhiên qua công tác điều hành giá, bình ổn thị trường và kiểm soát giá, lực lượng chức năng phát hiện vẫn còn tồn tại một vài vi phạm trong lĩnh vực giá như bán hàng không tăng giá nhưng khéo léo rút bớt trọng lượng hàng hóa; niêm yết giá công khai nhưng lại bán hàng quá so với mức niêm yết; không hạ giá thành sản phẩm đối với một số mặt hàng có nguyên liệu đầu vào giảm như phân bón, thuốc BVTV và thức ăn chăn nuôi. Đây là những phần việc mà ngành chức năng tiếp tục phải quyết liệt vào cuộc xử lý nghiêm khắc để công tác điều hành, quản lý giá trên thị trường được ổn định, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương