Ngành NN và PTNT chủ động các phương án phòng, chống thiên tai

06:04, 25/04/2015

Năm nay, tình hình thời tiết được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo, khả năng xảy ra bão, lũ cao. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu; trong đó, tỉnh ta được dự báo trong vùng ảnh hưởng trực tiếp. Chính vì vậy, tỉnh đã và đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó nhằm bảo vệ người, tài sản, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Năm 2015 còn là năm đầu tiên thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai. Việc ứng phó rủi ro thiên tai có 19 loại hình thiên tai khác nhau gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác. Trong thời điểm hiện tại, tỉnh ta tập trung vào các loại hình thiên tai thường diễn ra ở nhóm 1 và 2 là:  Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, ngập lụt, nước dâng, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; hạn hán và xâm nhập mặn.

Thi công kè Mặt Lăng đoạn đê hữu sông Hồng, thuộc địa phận huyện Trực Ninh.
Thi công kè Mặt Lăng đoạn đê hữu sông Hồng, thuộc địa phận huyện Trực Ninh.

Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT-TKCN) tỉnh, Sở NN và PTNT thực hiện tốt chức năng tham mưu cho UBND tỉnh về công tác PCLB, giảm nhẹ thiên tai; tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương, các ngành xây dựng kế hoạch ứng phó với các tình huống cơ bản về sự cố, thiên tai, TKCN; đôn đốc triển khai thực hiện công tác PCLB; kiểm tra đánh giá hiện trạng đê điều trước, trong và sau lũ bão; tham mưu cho BCH PCTT-TKCN tỉnh duyệt phương án bảo vệ trọng điểm PCLB cấp tỉnh, phương án hộ đê toàn tuyến, phương án TKCN năm 2015. Sở NN và PTNT đã biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác PCTT-TKCN; phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi địa bàn, tham mưu giúp BCH PCTT-TKCN tỉnh, huyện, thành phố triển khai công tác PCLB và khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng, phê duyệt kế hoạch ứng phó các cấp địa phương, với các tình huống sự cố vỡ đê, đập; sự cố cháy rừng; bão, áp thấp, lũ, lụt. Tổng hợp xây dựng kế hoạch của tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt. Hạt Quản lý đê phối hợp với các Phòng NN và PTNT tham mưu cho UBND các huyện, thành phố, phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý những sự cố về đê, kè, cống. Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Quản lý đê điều và PCLB hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập thủ tục xin cấp phép và giám sát thực hiện những hoạt động có liên quan đến an toàn đê điều, thoát lũ; cùng với các địa phương và đơn vị liên quan kiểm tra việc thực hiện pháp luật về đê điều và PCLB; phát hiện, lập biên bản đình chỉ; đề xuất biện pháp xử lý vi phạm với chính quyền các địa phương. Kết quả đã xử lý, giải tỏa được 265 vụ vi phạm, trong đó có 52/70 vụ phát sinh năm 2014. Toàn tỉnh hiện có gần 76 nghìn ha diện tích đất trồng lúa và trên 12 nghìn ha đất trồng màu. Hiện nay, các công trình thủy nông nội đồng như các trục tiêu chính Tiên Hương, T3, T5 thuộc hệ thống trạm bơm Cốc Thành; S48, S40 thuộc hệ thống trạm bơm Vĩnh Trị; sông Xinh, Hoàng Hoa Thám thuộc hệ thống trạm bơm Cổ Đam; Quỹ Nhất, Long Thành (Nghĩa Hưng); Doanh Châu, Đối, Trệ (Hải Hậu); kênh Bà Nữ - Cát Chử, Bà Nữ - Cổ Lễ (Nam Trực - Trực Ninh)… chưa có kinh phí để nạo vét toàn tuyến, mới nạo vét được từng đoạn cục bộ. Trường hợp mưa vượt tần suất thiết kế vào thời điểm lúa mới cấy nếu gặp triều nghén nước, những vùng trũng như: vùng 6 xã (Hải Hậu); Trực Khang, Trực Nội (Trực Ninh); Nam Toàn, Nam Cường, Nam Dương (Nam Trực)... việc tiêu úng sẽ rất khó khăn. Các trạm bơm điện lớn như: Cổ Đam, Vĩnh Trị I, Sông Chanh, Cốc Thành, Hữu Bị đã sử dụng trên 40 năm thường có sự cố, hư hỏng cần phải sửa chữa, nâng cấp. Việc phát triển các KCN, đô thị, công trình giao thông... cũng ảnh hưởng lớn đến tiêu úng trong mùa mưa bão. Tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi còn nhiều vụ việc chưa được xử lý kịp thời và dứt điểm. Trước tình hình trên, Sở NN và PTNT thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Cty TNHH một thành viên KTCTTL thực hiện nghiêm phương án phòng, chống úng, hạn; quy trình vận hành hệ thống; quy trình vận hành các cống dưới đê trong mùa lụt bão; kết hợp với các địa phương hoành triệt các cống xung yếu. Trong chiến dịch thủy lợi nội đồng vụ đông xuân 2014-2015, các địa phương và các Cty KTCTTL đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi; mua sắm thêm các thiết bị máy móc… đồng thời tổ chức ra quân nạo vét kênh, mương, củng cố bờ vùng, bờ thửa. Kết quả, toàn tỉnh đã nạo vét 68 cửa cống, 17 bể hút các trạm bơm, 18 kênh cấp I, 229 kênh cấp II, 7.114 kênh cấp III, đào đắp 4.550 kênh khoảnh và bờ vùng, kiên cố hóa 104 kênh các cấp với chiều dài 33,6km… với tổng khối lượng đào đắp là 2,206 triệu m3. Hiện tất cả các công trình, máy móc, thiết bị… cấp thiết đã xong và sẵn sàng vận hành hết công suất đảm bảo yêu cầu sản xuất và PCLB. Khu vực ven biển tỉnh ta có 15 xã và 3 thị trấn thuộc 3 huyện: Giao Thuỷ, Hải Hậu và Nghĩa Hưng, có trên 1.000 đầm nuôi trồng thủy, hải sản; có 700 lều, chòi trông coi đầm, bãi. Toàn tỉnh có 1.991 tàu thuyền khai thác thủy sản (Giao Thủy 811 chiếc, Hải Hậu 698 chiếc, Nghĩa Hưng 436 chiếc, Trực Ninh 46 chiếc) đã tổ chức được 38 đoàn, tổ, đội khai thác thuỷ sản với 1.198 tàu cá và 2.981 lao động. Hằng ngày, có hàng chục nghìn nông, ngư dân tham gia sản xuất trên các vùng cửa sông, cửa biển và trên các ngư trường trong và ngoài tỉnh. Do vậy, việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia khai thác, nuôi trồng thủy sản là hết sức khó khăn, phức tạp. Thực hiện quy định về PCTT-TKCN, Sở NN và PTNT đã sớm kiện toàn BCH PCTT-TKCN chuyên ngành thủy sản. Chỉ đạo Phòng NN và PTNT các huyện ven biển phối hợp với các cơ quan chức năng nắm chắc số lượng tàu cá, số lượng lao động trên từng phương tiện cũng như diện tích, số hộ, số lao động tham gia nuôi, trồng thủy sản ở từng xã ven biển nhằm phục vụ công tác gọi tàu thuyền, ngư dân tránh trú bão khi có tình huống xảy ra. Phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức thông báo các địa điểm neo đậu, tránh trú bão cho các tàu thuyền khai thác thủy sản, địa điểm treo tín hiệu và bắn pháo hiệu báo bão tới các chủ tàu cá và ngư dân. Trong nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn cho ngư dân các biện pháp gia cố, bảo vệ bờ ao, cống, đăng chắn, chuẩn bị máy nổ quạt nước khi mất điện, gia cố lều trông coi nuôi ngao trên biển, kiểm tra và yêu cầu người trông coi tuyệt đối không được ở lại khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào… Trong thời gian tới, Sở NN và PTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các huyện: Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất, chia sẻ thông tin về thời tiết, ngư trường; hỗ trợ, ứng cứu, giúp đỡ nhau khi xảy ra thiên tai, tai nạn; đồng thời thực hiện tốt các quy định về quản lý tàu thuyền khai thác thuỷ sản nhất là công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác.

Tích cực triển khai các phương án PCTT, ngành NN và PTNT quyết tâm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm nay./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com