Tỉnh ta có khoảng 90 làng nghề truyền thống với lịch sử phát triển hàng trăm năm, được phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh và hoạt động hầu hết ở các ngành kinh tế chủ yếu như dệt may, cơ khí, chế biến gỗ, mây tre đan, chế biến lương thực, thực phẩm… Nhiều làng nghề nổi tiếng trong khắp cả nước như: Hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá, cơ khí Vân Chàng, Nam Thanh (Nam Trực), Xuân Tiến (Xuân Trường); đúc đồng Tống Xá; mộc mỹ nghệ La Xuyên (Ý Yên)… Những năm qua, các làng nghề truyền thống đã nỗ lực đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, mang lại việc làm, thu nhập cho gần 100 nghìn lao động địa phương và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của đất và người Nam Định. Tuy nhiên làng nghề truyền thống của tỉnh cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế như giá trị hàng hoá thấp, sức cạnh tranh chưa cao do hầu hết các sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu; năng lực quản lý, công nghệ, thiết bị lạc hậu nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề chưa cao. Bên cạnh đó, trình độ tay nghề của lao động, trình độ quản lý của các chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề còn thấp. Sự kết hợp giữa kinh nghiệm với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế. Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng nghiêm trọng, nhất là các làng nghề sản xuất cơ khí, sơn mài, chắp nứa… ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững kinh tế và đời sống cộng đồng. Ý thức tuân thủ các quy tắc về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống ô nhiễm môi trường, phòng, chống cháy, nổ của nhiều chủ cơ sở và người lao động còn thấp. Điều này là trở ngại lớn cho sản phẩm làng nghề truyền thống phát triển bền vững. Đặc biệt khi hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay, các làng nghề sẽ phải trải qua một thử thách mới là cạnh tranh với các sản phẩm thủ công truyền thống của các nước Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po, Phi-líp-pin… khi sản phẩm của họ được ưu đãi thuế suất vào thị trường Việt Nam là 0%. Làm thế nào để nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của các làng nghề truyền thống đang là vấn đề đặt ra đối với cả nhà quản lý, người dân làng nghề và những người quan tâm đến sản phẩm truyền thống địa phương.
Ứng dụng công nghệ dệt máy vào sản xuất tại làng nghề dệt chiếu Phương Đức, xã Hải Bắc (Hải Hậu) bước đầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. |
Theo đánh giá của ngành chức năng, tất cả các sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh ta đều có sản phẩm tương ứng ở các quốc gia khác thuộc Cộng đồng kinh tế AEC. Trong đó nhóm sản phẩm của các làng nghề sản xuất mây tre đan, hàng thủ công mỹ nghệ phải chịu cạnh tranh rất lớn từ các sản phẩm Trung Quốc, Thái Lan; nhóm hàng dệt may chịu sức ép rất lớn từ các nước Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po, In-đô-nê-xi-a…; nhóm hàng nông sản thực phẩm qua chế biến sẽ gặp bất lợi khi cạnh tranh với sản phẩm của Thái Lan, Xinh-ga-po. Duy chỉ có nhóm sản phẩm cơ khí, mộc mỹ nghệ là ít bị cạnh tranh về chất lượng sản phẩm nhưng lại thua kém mẫu mã sản phẩm và không chủ động được nguồn nguyên liệu… Cánh cửa hội nhập kinh tế quốc tế đang mở ra ngay tại sân nhà, trên từng sản phẩm nhưng điều đáng ngại nhất vẫn là ý thức tự vận động để thích nghi với quan hệ cung cầu mới của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề. Nhiều doanh nghiệp còn không biết gì về Cộng đồng kinh tế AEC cũng như cơ hội và thách thức khi tham gia vào thị trường chung này. Làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) vốn nổi tiếng về bề dày lịch sử, người thợ có tay nghề cao và có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn. Làng nghề hiện có 25 Cty, doanh nghiệp, 1 HTX và 1.600 hộ sản xuất nghề gỗ truyền thống. Sản phẩm của làng nghề đã được xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, tiêu thụ nội địa rất tốt và còn xuất bán sang các nước như: Lào, Căm-pu-chia và In-đô-nê-xi-a…, doanh thu trung bình một năm khoảng 200 tỷ đồng. Tuy nhiên người thợ làng nghề vẫn sản xuất theo phương thức đơn lẻ, mạnh ai nấy làm, mẫu mã hàng hóa không đa đạng; sản xuất rập khuôn theo một mô típ nhất định; không chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu và hiện tượng tranh mua tranh bán, tìm cách làm mất uy tín của nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh vẫn xảy ra. Việc áp dụng công nghệ một cách cẩu thả nhằm tăng năng suất lao động đã làm mất đi nét tinh tế tài hoa vốn có của sản phẩm thủ công truyền thống. Chế độ hậu mãi, đồng hành cùng người tiêu dùng trong quá trình sử dụng sản phẩm hầu như không được thực hiện… Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không biết về Cộng đồng kinh tế AEC hoặc có biết nhưng không tự giác chuẩn bị các điều kiện tham gia Cộng đồng kinh tế AEC mà dựa dẫm vào ngành chức năng hỗ trợ đổi mới, chỉ dẫn hội nhập. Đây là yếu điểm làm hạn chế sự phát triển sản phẩm của làng nghề khi tham gia thị trường cạnh tranh. Đồng thời là khác biệt quan trọng giữa làng nghề truyền thống trong tỉnh với bạn bè quốc tế. Hạn chế này là biểu tượng cho tư duy thụ động và xuất hiện ở hầu hết các làng nghề trên địa bàn.
Nhận diện những khó khăn này, để nâng cao năng lực cạnh tranh của các làng nghề và hỗ trợ cho các làng nghề thích ứng với quá trình hội nhập, ngay từ năm 2013, UBND tỉnh đã có Thông báo số 80/TB-UBND ngày 13-5-2013 giao Sở NN và PTNT lập Quy hoạch phát triển làng nghề nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 làm cơ sở cho làng nghề phát triển. Liên tục từ đó đến nay, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các biện pháp thúc đẩy làng nghề phát triển như: Thực hiện ưu đãi, hỗ trợ các làng nghề được công nhận theo quy định về vốn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề, có cơ chế giảm lãi suất cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất trung, dài hạn cho làng nghề phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách để phát triển một số sản phẩm đặc trưng của làng nghề. Tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách miễn, giảm thuế 3-5 năm đầu trong các trường hợp thành lập cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất các sản phẩm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Phát triển sản xuất kết hợp với du lịch làng nghề; từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề. Đưa ra giải pháp giúp các cơ sở sản xuất làng nghề tiếp cận thị trường quốc tế để xuất khẩu các sản phẩm, nhập khẩu nguyên liệu cho các làng nghề. Thành lập Trung tâm Giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống tỉnh để dễ dàng quảng bá các sản phẩm tới người dân trong và ngoài nước. Phát triển hệ thống giao thông nông thôn để kết nối từ làng nghề tới các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch của địa phương phát triển. Các ngành chức năng gắn việc nâng cao sức cạnh tranh làng nghề với nhiệm vụ chuyên môn. Ngành Công thương, NN và PTNT, LĐ-TB và XH đã làm tốt công tác quy hoạch phát triển làng nghề; truyền dạy nghề cho lao động nông thôn; xúc tiến thương mại, khuyến công; hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất; vay vốn phát triển ngành nghề và vinh danh nghệ nhân làng nghề để động viên khuyến khích làng nghề phát triển. Ngành KH và CN chủ động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề truyền thống và hỗ trợ cho một số làng nghề đăng ký nhãn hiệu tập thể; cập nhật thông tin về rào cản thương mại và hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng, hợp lý hóa lao động sản xuất… Bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề cần không ngừng cải tiến mẫu mã, tạo ra nhiều sản phẩm mới, độc đáo. Đẩy mạnh việc đăng ký thương hiệu để giữ bản quyền đối với một số sản phẩm tiêu biểu của cơ sở, làng nghề, phố nghề. Cần đặc biệt coi trọng nâng cao trình độ của người lao động, thực hiện các biện pháp bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, tiếp thu công nghệ mới; đồng thời phát huy thế mạnh của các nghệ nhân trong việc cải tiến mẫu mã, truyền nghề cho lớp trẻ. Bên cạnh đó, phải có sự liên kết giữa các cơ sở cùng nghề, cùng làng, phố nghề để hợp lực, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi cơ sở. Ngoài ra, các làng nghề cần thường xuyên tổ chức giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là những sản phẩm mới qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Từng bước tiến tới giao dịch, bán hàng trực tiếp giữa cơ sở sản xuất với cơ sở tiêu thụ để giảm bớt chi phí trung gian với giá cả công khai, minh bạch; hoặc phát triển phương thức bán hàng trên internet, qua trang tin điện tử của cơ sở sản xuất, làng nghề, phố nghề, Hiệp hội Làng nghề...
Bài và ảnh: Nguyễn Hương