Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Yên Nhân

05:04, 04/04/2015

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Yên Nhân (Ý Yên) đã hoàn thành 18/19 tiêu chí NTM; tiêu chí còn lại là cơ sở vật chất văn hóa cũng đã cơ bản đạt. Xã Yên Nhân đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM năm 2014.

Trường Mầm non Hoa Đào, xã Yên Nhân đạt chuẩn quốc gia mức II.
Trường Mầm non Hoa Đào, xã Yên Nhân đạt chuẩn quốc gia mức II.

Đồng chí Chu Minh Giang, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Với xuất phát điểm thấp hơn các địa phương khác, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, bình quân thu nhập của người dân thấp (năm 2010 mới đạt trên 11 triệu đồng/người/năm), nguồn thu ngân sách hạn chế nên các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ít được đầu tư, nâng cấp; nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng. Bên cạnh đó, với cốt đất cao thấp không đều nên tình trạng hạn, úng cục bộ vẫn xảy ra thường xuyên ở cả 15 xóm của xã. Trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND xã đã đề ra chủ trương xây dựng NTM theo phương châm "từ đồng về nhà". Trước hết, tập trung hoàn thành tốt công tác DĐĐT để quy hoạch các vùng sản xuất tập trung như: vùng trồng lúa, vùng trồng màu, vùng phát triển kinh tế trang trại. Để giải quyết khó khăn về vốn đầu tư, xã đã huy động tối đa nội lực, kết hợp với sử dụng kinh phí hỗ trợ của các cấp và huy động nhân dân đóng góp thông qua nhiều hình thức như: hiến đất, đóng góp bằng tiền mặt, ngày công, vật liệu... để hoàn thành việc nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Nhờ đó, qua 4 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, tổng kinh phí xã huy động từ các nguồn đạt 120 tỷ đồng, góp phần cải tạo, chỉnh trang hoàn thiện hệ thống giao thông - thủy lợi nội đồng theo các tiêu chí NTM. Hệ thống đường trục chính nội đồng dài gần 8km đã được mở rộng từ 3,5-5m, có trên 5,3km đã được cứng hóa (bằng 68%); hệ thống đường nhánh nối với trục chính nội đồng cũng được mở rộng từ 2,5-3m. Cùng với đó là hệ thống mương cấp 3 dài 10,5km cũng được cải tạo, nâng cấp, đảm bảo việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất; trong đó có trên 8,9km đã được kiên cố hóa. Chủ động đầu tư cho hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất nên bình quân thu nhập trên một đơn vị canh tác của xã được nâng cao, đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, vùng đồng màu rộng trên 250ha của xã đạt tỷ lệ quay vòng sử dụng đất từ 4-5 vụ/năm: lạc xuân - lạc hè thu - rau màu ngắn ngày - cây vụ đông (khoai tây, đậu tương, bí xanh) đã cho thu nhập thực tế từ 150-200 triệu đồng/ha/năm. Vùng kinh tế trang trại VAC khép kín rộng 80ha thuộc 13 xóm "ngoại đê trong bối" được quy hoạch và mở rộng sau DĐĐT đã thu hút trên 50 hộ tham gia phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng cây cảnh, cây lưu niên... với bình quân thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm. Trong vùng kinh tế trang trại khép kín đã có một số hộ đạt doanh thu từ 500 triệu đồng/ha/năm như hộ các ông: Chu Xuân Thành, Ngô Văn Vấn, Chu Đức Thiện xóm 12; Trịnh Văn Thanh, xóm 1; Lê Đức Hoạt, xóm 4... Sản xuất nông nghiệp phát triển, đã đem lại thu nhập cao cho người nông dân là tiền đề để xã tiếp tục triển khai các hạng mục công trình khác trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM như: giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế... theo hình thức xã hội hóa. Với quan điểm: công trình phục vụ cho đối tượng nào thì huy động sự đóng góp của đối tượng đó; phát huy tối đa nội lực và chú trọng vận động các tổ chức, doanh nghiệp và con em quê hương Yên Nhân đang đi làm ăn ở mọi miền Tổ quốc đóng góp kinh phí về xây dựng quê hương. Đồng thời, phân cấp rõ công trình của cấp nào thì cấp đó làm; các công trình xây dựng đường giao thông liên thôn, trường học, trạm xá, các công trình phúc lợi công cộng khác do UBND xã xây dựng đề án để các thôn thảo luận; khi thống nhất HĐND xã ra nghị quyết thực hiện mức đóng góp. Đối với các công trình thuộc xóm thì các xóm tự lên phương án thực hiện, cử ban đại diện, ban giám sát và phân bổ mức đóng góp của từng hộ. Với cách làm đó, hệ thống giao thông nông thôn của xã đã được quy hoạch và phát triển hoàn chỉnh với trên 6km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, mặt đường rộng 3,5-4m; 100% đường trục thôn, xóm với tổng chiều dài 9,11km đã được nhựa hóa, bê tông hóa với mặt đường rộng từ 2,5-3,5km; 96% đường dong ngõ (21,2/22,13km) đã được bê tông hóa. Không chỉ thành công trong việc xã hội hóa các hạng mục giao thông - thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn, xã Yên Nhân còn huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong việc xây dựng trường học, NVH. Trên địa bàn xã có 5 trường học, trong đó có 1 trường THCS, 2 trường tiểu học (A và B), 2 trường mầm non là Hương Sen và Hoa Đào; trong đó 2 trường tiểu học và Trường Mầm non Hương Sen đạt chuẩn quốc gia mức I, riêng Trường Mầm non Hoa Đào hoàn thành tháng 8-2012 với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng đã đạt chuẩn quốc gia mức II. Để có được kết quả đó, nhân dân trong xã đã tự nguyện đóng góp 1,7 tỷ đồng xây 5 phòng chức năng của trường THCS; 1,1 tỷ đồng xây 6 phòng chức năng và khu hiệu bộ Trường Tiểu học B; trên 900 triệu đồng xây phòng chức năng cho Trường Tiểu học A... Ngoài ra, nhân dân còn tự nguyện ủng hộ hàng trăm ngày công cải tạo khuôn viên, làm sân chơi, trồng cây xanh trong các trường học.

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong điều kiện xuất phát điểm về kinh tế còn thấp, kinh nghiệm của xã Yên Nhân là: Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND và các ngành, đoàn thể đối với việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án xây dựng NTM. Làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt về chủ trương, nhiệm vụ xây dựng NTM. Xây dựng đề án NTM sát với tình hình thực tế của địa phương theo phương châm “làm từ đồng về nhà” đảm bảo tính khả thi và khả năng huy động nguồn lực của địa phương, đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch trong thực hiện, nhất là quyền giám sát của người dân trong việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Sau 4 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đời sống của người dân và bộ mặt nông nghiệp - nông thôn xã Yên Nhân đã có sự thay đổi rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt trên 12%; năm 2014, bình quân thu nhập đầu người của xã được nâng lên mức 26,1 triệu đồng/người/năm; năm 2015 dự kiến đạt mức 29 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ mức trên 10% (năm 2010) xuống còn 2,98% (năm 2014); tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 72,1%./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com