Những năm qua, Hải Hậu luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh trong công tác ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, việc xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất được huy động từ nguồn kinh phí của Nhà nước, ngân sách địa phương; vốn của doanh nghiệp và sự đóng góp của nhân dân. Năm 2014, riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, toàn huyện đã có gần 300 mô hình ứng dụng vào sản xuất ở cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến nông sản. Ngoài ra còn nhiều mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc chuyên môn của các đơn vị khối sự nghiệp, tạo điều kiện giải quyết nhanh, chính xác mọi nhu cầu của người dân khi có yêu cầu.
Đóng gói sản phẩm sứa ăn liền trên dây chuyền công nghệ hiện đại tại cơ sở của gia đình anh Phạm Văn Phong, Thị trấn Thịnh Long. |
Để đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, Hội đồng khoa học công nghệ huyện đã được kiện toàn và định hướng, khuyến khích các đơn vị chức năng xây dựng nhiệm vụ phát triển công nghệ, ứng dụng tiến bộ KHKT bảo đảm phù hợp với từng đơn vị, địa phương. Trên cơ sở đó, hằng năm, các đơn vị chức năng như Trạm Khuyến nông, Phòng NN và PTNT, UBND các xã, thị trấn và các tổ chức hội, đoàn thể tổ chức tập huấn, trang bị kỹ thuật và xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thuỷ sản để chọn lọc, bổ sung những giống cây trồng, con nuôi mới vào sản xuất. Tổ chức hội thảo đầu bờ với sự tham gia của đại diện các HTXDVNN, bà con nông dân cùng trao đổi với cán bộ kỹ thuật về đặc tính, năng suất, chất lượng, quy trình chăm bón và so sánh với các giống đối chứng, từ đó nhanh chóng nhân rộng các mô hình, giống tốt vào sản xuất. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiêu biểu được áp dụng vào sản xuất. Trong đó Trạm Khuyến nông huyện áp dụng mô hình trồng cải dầu lấy hạt; sử dụng máy làm đất công suất trung bình trên diện tích 92ha tại các xã Hải Sơn, Hải Tân, Hải Lộc. Trạm Bảo vệ thực vật huyện áp dụng các mô hình: dùng máy bẫy đèn theo dõi dịch hại di cư trên lúa, thay thế việc điều tra đồng ruộng theo phương pháp thủ công tại xã Hải Lộc; trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu trên ruộng lúa phủ rơm rạ tại xã Hải Đường. Phòng NN và PTNT huyện đã nhân rộng mô hình trồng ngô đông theo phương pháp làm đất tối thiểu trên diện tích 15ha tại 5 xã Hải Hưng (2ha), Hải Minh (2,5ha), Hải Đường (3ha), Hải Trung (3,5ha), Hải Phong (4ha). Các giống ngô LVN885, LVN99, HN45 có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chịu hạn, chịu rét tốt nên rất thích hợp để trồng vụ đông trên đất 2 vụ lúa ở các xã trong huyện… Đặc biệt nhiều doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như Cty TNHH 27-7 thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất phân bón đa dinh dưỡng”; Cty TNHH một thành viên Đài Hải, xã Hải Hoà với dự án “Sinh sản nhân tạo giống cá mú theo công nghệ Đài Loan”; Cty TNHH Biển Đông với dự án nuôi lợn công nghệ cao ở xã Hải Lộc. Đặc biệt trong năm 2014, 2015, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới còn được mở rộng sang lĩnh vực chế biến nông, thủy sản với các dự án có hàm lượng công nghệ cao như ứng dụng công nghệ cải tiến quy trình sản xuất nâng cao chất lượng nước mắm Ninh Cơ tại Cty CP Chế biến thủy hải sản Nam Định; Ứng dụng công nghệ trong chế biến rau quả sấy khô tại cơ sở sản xuất của gia đình anh Phạm Văn Phong, Thị trấn Thịnh Long, Cty TNHH Hành Quân xã Hải Tây chuyên chế biến nông sản xuất khẩu. Mặc dù mới đi vào hoạt động trong lĩnh vực chế biến rau quả sấy khô chưa lâu nhưng gia đình anh Phạm Văn Phong, Thị trấn Thịnh Long đã chủ động đi sang Trung Quốc và một số tỉnh, thành phố có thế mạnh về chế biến nông sản như Hải Dương, Lâm Đồng để học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư cơ sở sản xuất ngay tại địa phương với công nghệ cao, sử dụng hoàn toàn dây chuyền tự động và hút chân không để sản phẩm đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm chính của gia đình anh gồm 2 dòng là rau quả sấy khô (củ cải, su hào, cà rốt) và sứa ăn liền. Hiện tại mỗi năm, gia đình anh xuất bán ra thị trường các tỉnh, thành phố: Huế, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng khoảng 60 tấn rau củ và sứa đã qua chế biến. Khối lượng sản phẩm này tương ứng với việc tiêu thụ được trên 200 tấn nguyên liệu nông thủy sản do chính người dân của địa phương sản xuất. Hiện tại cơ sở đang nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu, mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân khu vực miền Trung và miền Nam. Đây là hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi đã chuyển đổi cơ bản về tư duy từ sản xuất sang chế biến và tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ do địa phương sản xuất. Cùng với cơ sở sản xuất của gia đình anh Phong, mô hình chế biến nông, thủy sản từ nguồn nguyên liệu tại chỗ đang được phát triển mạnh mẽ. Cty TNHH Hành Quân xã Hải Tây dự kiến đầu tư nâng công suất chế biến lên 30 nghìn tấn rau quả mỗi năm. Cty TNHH Biển Đông đang đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thực phẩm tại xã Hải Nam với công suất giết mổ 50 tấn/ngày. Dự kiến nguồn cung nguyên liệu mỗi năm cần 150-180 tấn lợn hơi.
Bằng việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Hải Hậu luôn phát triển bền vững với giá trị gia tăng cao. Năm 2014, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác của huyện Hải Hậu ước đạt trên 100 triệu đồng, tăng hơn 20 triệu đồng/ha so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,83%./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương