Những năm qua, huyện Xuân Trường tập trung thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, tích cực tích tụ ruộng đất và chỉnh trang đồng ruộng, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác, tạo ra những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.
Cánh đồng mẫu lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tại Xuân Vinh. |
Trước những ảnh hưởng bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp như: biến đổi khí hậu, dịch hại trên đồng ruộng có xu hướng tăng cao…, UBND huyện đã xây dựng và ban hành đề án sản xuất lúa vụ đông nhằm đảm bảo cho việc phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và có tính hiệu quả, bền vững. Nội dung của đề án là chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ và thời vụ gieo cấy, gắn sản xuất vụ xuân với vụ mùa và vụ đông. Dưới sự chỉ đạo của huyện, các xã, thị trấn đã thực hiện nghiêm túc việc bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo cấy lúa. Công tác chỉ đạo sản xuất luôn bám sát kế hoạch chung; việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện diễn ra thường xuyên và kịp thời. Huyện xác định khâu điều hành nước để khống chế thời vụ và tiến độ các khâu công việc trong suốt vụ sản xuất. Đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có chuyển biến tích cực. Về giống và cơ cấu giống, toàn huyện cơ bản chuyển sang gieo cấy bằng các giống lúa thuần có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng trong vụ xuân chỉ từ 120-125 ngày như: BT7, RVT, NĐ5, Nếp 97, QR1... Cùng với chuyển đổi mạnh về cơ cấu giống lúa, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và thời vụ gieo cấy cũng được huyện xác định là đòn bẩy đưa ngành nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Ở vụ xuân, huyện tập trung chuyển sang gieo mạ nền trước tiết lập xuân để có điều kiện đẩy sớm thời vụ vụ mùa. Ở vụ mùa, huyện chuyển mạnh sang cấy lúa mùa sớm và mùa trung sớm để hạn chế rủi ro do gặp thời tiết mưa bão muộn. Bên cạnh đó, việc thay đổi tập quán thâm canh nhằm giảm chi phí sản xuất cho nông dân, rút ngắn thời vụ cũng được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hầu hết các địa phương trong huyện đều xây dựng vùng sản xuất tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Nhiều xã tỷ lệ gieo sạ trong vụ xuân đạt trên 90% như: Xuân Kiên, Xuân Châu, Xuân Thượng… Cùng với việc chuyển đổi mùa vụ, thay đổi tập quán thâm canh, phương thức tổ chức sản xuất của nông dân cũng được huyện chú trọng. Những năm gần đây, nông dân nhiều địa phương trong huyện thường xuyên đi làm ăn xa, ruộng đất cho mượn hoặc vẫn tiến hành sản xuất song đầu tư thâm canh thấp, sản xuất không có hiệu quả. Thực hiện đề án tái cơ cấu của tỉnh đã phê duyệt, huyện Xuân Trường đã tiến hành rà soát, bổ sung các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch NTM phù hợp với các địa phương để phát huy thế mạnh, tạo vùng sản xuất đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. Tập trung rà soát các diện tích đất 2 lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn, đồng thời chỉ đạo các địa phương vận động, khuyến khích các hộ nông dân tự thuê gom, tích tụ ruộng đất, tạo ra vùng sản xuất có từ 5ha trở lên và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Hiện tại, trên địa bàn huyện có trên 20 hộ cá nhân thuê gom tích tụ ruộng đất và 3 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Cty TNHH Cường Tân đã thuê 70ha đất ở 2 xã Xuân Ninh và Xuân Thượng để tạo thành vùng sản xuất lúa giống tập trung. Tại các vùng sản xuất, Cty đã đầu tư quy hoạch lại các ô thửa, bờ vùng, hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng… Cùng với phát triển sản xuất giống lúa, từ vụ đông năm 2012, Cty đã liên kết, bao tiêu sản phẩm của hàng trăm ha các cây rau màu chế biến xuất khẩu ở 3 vùng cánh đồng mẫu lớn đã sản xuất giống lúa lai vụ trước, giúp lao động của Cty (chủ yếu là các hộ nông dân địa phương) tăng thêm thu nhập. Vụ xuân 2015, Cty TNHH Đình Mộc thuê gom tích tụ ruộng đất ở các xã Xuân Vinh, Xuân Bắc, Xuân Phương, Xuân Trung tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có quy mô 50ha để xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Ông Đinh Xuân Mộc, giám đốc Cty cho biết: Bước đầu Cty thuê ruộng thuộc vùng xâm canh nên gặp rất nhiều khó khăn. Cty đã đầu tư máy móc để chỉnh trang đồng ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa để chủ động cho công tác tưới tiêu nước. Trong những vụ tới, Cty sẽ đầu tư máy móc, tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lên tới 100ha, tích cực đưa các giống lúa mới vào sản xuất, chú trọng phát triển sản xuất vụ đông tạo thành cánh đồng mẫu lớn sản xuất 3 vụ hàng hóa. Cty TNHH Hoàng Vinh thuê vùng đất bãi ở xã Xuân Thành để xây dựng trang trại tổng hợp. Đây là vùng đất có trên 10ha là 2ha trồng lúa nước và 8ha trồng màu; hiệu quả sản xuất hằng năm của nông dân địa phương tại vùng này thấp, khó canh tác bởi đê bao quanh, nước thủy triều dâng cao, cống không đảm bảo… Cty đã đặt vấn đề và được các hộ nông dân nhiệt tình ủng hộ theo phương án cho Cty thuê đất sử dụng vào mục đích xây dựng trang trại chăn nuôi, phát triển sản xuất, người nông dân được nhận một khoản tiền để đầu tư phương án sản xuất khác của gia đình. Cty Hoàng Vinh đã tiếp nhận, cải tạo và trồng 7ha cây đinh lăng, đồng thời Cty đã ký hợp đồng với các Cty cây thuốc trong nước tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Bên trên vườn đinh lăng, Cty mắc giàn trồng cây gấc để xuất khẩu ra nước ngoài. Ngoài những cây trồng chính, Cty còn kết hợp nuôi lợn rừng, dưới thả cá tạo ra chu trình khép kín đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Đồng chí Đinh Sơn Hà, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Xuân Thành cho biết: Đây là những mô hình để nhân dân địa phương xem xét, học tập, áp dụng chuyển đổi hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Hiện xã đang đề xuất với các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho xã chuyển đổi tiếp 2 vùng: vùng đất bãi ven sông rộng hơn 20ha thành mô hình chăn nuôi lợn sạch, phát triển kinh tế trang trại; vùng giáp xã Xuân Châu rộng trên 30ha cho Cty Đình Mộc thuê để sản xuất lúa giống. Các Cty cũng đã về khảo sát các vùng đất của địa phương và tiếp tục bàn bạc, thống nhất phương thức thủ tục thuê đất với các hộ nông dân nhằm tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ yếu vẫn là sản xuất nông hộ, manh mún, nhỏ lẻ; sản xuất nông nghiệp hàng hóa còn hạn chế. Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững thì vai trò của các doanh nghiệp hết sức quan trọng. Việc doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân liên kết sản xuất và chỉnh trang đồng ruộng, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn có khối lượng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa lớn, đảm bảo yêu cầu của thị trường là bước đi tất yếu. Những mô hình ở Xuân Trường rất phù hợp với những định hướng của tỉnh, cần được nhân rộng để các doanh nghiệp đầu tư, liên kết, tổ chức cùng nông dân sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giúp tỉnh có nhiều hơn những cánh đồng, những vùng sản xuất hàng hóa./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh