Xây dựng mạng lưới thương mại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

04:03, 28/03/2015

Ngoài 7 trung tâm thương mại, siêu thị, trên địa bàn tỉnh hiện có 213 chợ, trong đó có 5 chợ đầu mối, 4 chợ hạng I, 32 chợ hạng II, 172 chợ hạng III. Mạng lưới chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán và trao đổi hàng hoá phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của các chợ còn đơn sơ, phân bố chưa phù hợp nên đã hạn chế khả năng khai thác các lợi thế về thương mại của tỉnh. Để khắc phục bất cập trên, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn, đặc biệt là chợ nông thôn như: Ưu đãi về tín dụng và huy động vốn, về đất đai... nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và kiện toàn mạng lưới chợ nông thôn; đồng thời quy định cụ thể về tiêu chí chợ nông thôn với quy mô diện tích chợ phải bằng hoặc trên 3.000m2, diện tích đất xây dựng phải bằng hoặc trên 16m2/điểm kinh doanh và diện tích sử dụng phải bằng hoặc trên 3m2/điểm kinh doanh. Các địa phương coi trọng huy động nhiều nguồn lực để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các chợ nông thôn để thúc đẩy giao thương buôn bán giữa các vùng miền, để vừa khắc phục sự khan hiếm hàng hóa thiết yếu, vừa tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân.

Thành phố Nam Định là đơn vị điển hình trong việc phát triển nhanh hệ thống bán lẻ theo hướng văn minh, hiện đại. Năm 2014, thành phố đã thu hút đầu tư đưa vào khai thác 2 trung tâm thương mại chuyên doanh hàng điện tử là Trần Anh và Media Mart, đồng thời đang nỗ lực hoàn thiện các trung tâm thương mại là Thiên Trường Plaza và Nam Định Tower. Huyện Hải Hậu đặc biệt coi trọng việc nâng cấp, cải tạo chợ dân sinh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và luân chuyển hàng hóa của người dân địa phương. Ngoài việc chú trọng đầu tư, xây mới chợ theo đúng quy hoạch, huyện đã nhờ cán bộ chuyên môn của Sở Công thương tư vấn, chỉ ra những hạn chế của các chợ dân sinh trên địa bàn để khắc phục, đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Những năm qua, từ các kênh khác nhau, nguồn vốn đầu tư vào việc xây mới, cải tạo nâng cấp hạ tầng thương mại của tỉnh đã lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, toàn tỉnh đã xây mới 9 chợ hạng III; cải tạo, nâng cấp gần 100 chợ với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đang tiến hành các thủ tục để triển khai đầu tư tiếp các chợ và trung tâm thương mại khác trên địa bàn. Hoạt động thương mại nội địa trên địa bàn tỉnh đã có khởi sắc. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ năm 2014 đạt 23.612 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Cân đối cung - cầu hàng hoá được bảo đảm, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân. Từ khi tập trung kiện toàn mạng lưới chợ nông thôn, thương mại nông thôn của tỉnh không chỉ đáp ứng được nhu cầu vật tư sản xuất, hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống mà còn thiết thực mở ra kênh quan trọng đưa hàng Việt về nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển nhanh theo hướng CNH-HĐH. Thực tế, 80% lượng hàng hóa lưu thông tại khu vực nông thôn chủ yếu qua mạng lưới các chợ dân sinh.

Trung tâm thương mại huyện Nghĩa Hưng đi vào hoạt động trong năm 2014 đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương.
Trung tâm thương mại huyện Nghĩa Hưng đi vào hoạt động trong năm 2014 đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương.

Để khai thác tối đa thế mạnh dịch vụ thương mại, tạo đà phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ khác, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã hoàn thiện quy hoạch phát triển thương mại toàn tỉnh, với trọng tâm đầu tư 3 khu vực đầu mối là Khu kinh tế Ninh Cơ; Thành phố Nam Định và khu vực phụ cận và xã Yên Bằng (Ý Yên). Trên cơ sở đó, tại các trung tâm thị trấn, thị tứ sẽ phát triển các kết cấu hạ tầng thương mại bán buôn (vừa và nhỏ), bán lẻ. Các khu vực này sẽ đóng vai trò vệ tinh cho 3 khu vực phát triển thương mại tập trung trên địa bàn tỉnh và là trung tâm phát triển thương mại tại các tiểu khu vực. Đối với địa bàn nông thôn, sẽ phát triển chủ yếu các loại hình bán lẻ truyền thống và loại hình bán lẻ hiện đại có quy mô nhỏ, đảm bảo cung cấp hàng hóa tiêu dùng và vật tư sản xuất nhỏ cho dân cư. Theo đó, Khu kinh tế Ninh Cơ sẽ đầu tư xây dựng trung tâm thương mại đa năng, chợ đầu mối thuỷ hải sản Thịnh Long (Hải Hậu); trung tâm logistics gần với khu vực cảng Thịnh Long; trung tâm bán buôn vật liệu xây dựng; tổng kho phân phối gas, khí hóa lỏng; các kết cấu hạ tầng thương mại trong khu vực phi thuế quan như: cửa hàng, siêu thị miễn thuế; khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm; kho ngoại quan và các kết cấu hạ tầng bán lẻ phù hợp với quy hoạch đô thị và khu du lịch Thịnh Long như: siêu thị (hạng II và III); các cửa hàng bách hóa; cửa hàng tiện lợi. Phía huyện Nghĩa Hưng, khu vực Thị trấn Rạng Đông và các xã thuộc Khu kinh tế Ninh Cơ sẽ xây dựng trung tâm thương mại đa năng; phát triển chợ Đông Bình thành chợ đầu mối thuỷ sản; xây dựng trung tâm thương mại đa năng, các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng bách hóa; siêu thị hạng III. Thành phố Nam Định sẽ cải tạo, xây mới 26 chợ, trong đó có 1 chợ đầu mối, 2 chợ hạng I, 3 chợ hạng II, 20 chợ hạng III. Trong đó, mở mới 9 chợ gồm: 1 chợ đầu mối cấp vùng Nam đồng bằng sông Hồng; 8 chợ hạng III với chức năng bán lẻ tổng hợp các mặt hàng nông sản thực phẩm, rau quả, hàng công nghệ phẩm tại các khu đô thị mới như khu Tây Bắc, Đông Mạc, Bắc, Đông Bắc thành phố, Nam Phong, Nam Vân, Công viên Tức Mặc, Mả Chói; nâng cấp chợ Hạ Long (đường Phù Nghĩa), chợ Đò Quan từ hạng III lên hạng II; di dời chợ Cửa Bắc do mặt bằng chật hẹp khó mở rộng hiện sức chứa không đáp ứng được đã tràn ra đường giao thông; đầu tư cải tạo sửa chữa 15 chợ khác. Khu vực xã Yên Bằng xây dựng trung tâm logistics; quy hoạch các kết cấu hạ tầng bán buôn, bán lẻ phù hợp với quy mô đô thị mới như: Trung tâm thương mại đa năng; siêu thị (hạng II, III); các cửa hàng bách hóa; cửa hàng tiện lợi, trưng bày giới thiệu, bán các sản phẩm làng nghề (đúc, đồ gỗ mỹ nghệ, sơn mài). Bên cạnh đó, việc đầu tư hoàn thiện mạng lưới các chợ nông thôn, chợ đầu mối, hệ thống hạ tầng giao thông tạo nên 6 tuyến hành lang thương mại cũng được hình thành kết nối hoạt động thương mại giữa Khu kinh tế Ninh Cơ, Thành phố Nam Định, xã Yên Bằng với các tỉnh duyên hải Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt là giữa Khu kinh tế Ninh Cơ với Khu kinh tế Đình Vũ và Cảng Hải Phòng. Với tính toán chặt chẽ từ đầu mối giao thương đến cơ sở hạ tầng giao thông và các điều kiện khác sẽ góp phần thúc đẩy, hình thành những đầu mối quan trọng trong phát triển hoạt động thương mại nội địa, kết nối giao thương, đưa hàng hóa chủ lực của tỉnh đến các thị trường lớn trong nước, quốc tế, đồng thời cũng đưa hàng hóa thiết yếu đến với người dân khu vực nông thôn.

Nỗ lực tích cực đầu tư hạ tầng thương mại để luân chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất trong tỉnh sẽ tạo bước phát triển bền vững cho kinh tế địa phương trong tỉnh. Với mục tiêu góp phần đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa mạng lưới thương mại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, năm 2015, Bộ Công thương có quyết định bổ sung cho tỉnh ta xây dựng thêm 3 chợ đầu mối tiêu thụ nông thủy sản cấp tỉnh tại Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) và xã Xuân Ninh (Xuân Trường) để đáp ứng yêu cầu cung ứng sản phẩm nội tỉnh. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy hoạt động thương mại nội địa tại tỉnh ta đang khởi sắc, mở ra giai đoạn mới cho tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com