Với các đô thị hiện đại, cây xanh có vai trò quan trọng trong tổ chức không gian công cộng, là yếu tố cải thiện môi trường giao thông, tăng vẻ đẹp mỹ quan đô thị. Những năm qua, Thành phố Nam Định và các huyện trong tỉnh đều quan tâm đến lĩnh vực này, nhưng do chưa có một tầm nhìn chiến lược lâu dài nên tiêu chí cây xanh trong đô thị và quản lý phát triển cây xanh ở các thị trấn trong tỉnh vẫn chưa đạt yêu cầu trong quá trình phát triển.
Ngoài Thành phố Nam Định là đô thị loại I, trên địa bàn tỉnh hiện có 1 đô thị loại IV là Thị trấn Thịnh Long và 13 đô thị loại V ở 9 huyện. Thực hiện Nghị định 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ, UBND Thành phố Nam Định đã xây dựng quy chế quản lý chặt chẽ công viên cây xanh, phân công trách nhiệm quản lý cây xanh đến từng cơ quan chuyên môn, từng hộ dân, đồng thời giao Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định phụ trách công tác bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng và phát triển cây xanh trên địa bàn. Đến nay, diện tích cây xanh ở thành phố khá ổn định, từng bước tạo ra các không gian xanh công cộng. Trên địa bàn Thành phố Nam Định hiện có 6 công viên, 9 vườn hoa, cây cảnh và 21 bồn hoa, đảo giao thông, dải phân cách với tổng diện tích đất cây xanh đạt 600.447m2. Tỷ lệ diện tích đất cây xanh/tỷ lệ diện tích đất đô thị là 1,29%; tỷ lệ diện tích cây xanh/tỷ lệ mặt nước đô thị là 1,44%. Hệ thống cây xanh công cộng được thành phố quan tâm đầu tư với trên 17 nghìn cây, gồm: cây xanh đường phố, cây xanh trong công viên, vườn hoa và cây vườn ươm. Công tác chăm sóc, bảo vệ các công viên, cây xanh do Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định đảm nhiệm với các yêu cầu tưới nước thảm cỏ, đảm bảo luôn tươi mới, trồng dặm cỏ thường xuyên 2-3 ngày/lần. Ngoài ra, còn có hơn 200 chậu hoa cơ động để trưng bày, trang trí đường phố vào các dịp lễ, Tết, cùng hàng nghìn cây xanh được trồng trong khuôn viên các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện... Các bồn hoa được chăm sóc tại vườn ươm Lộc Hoà, đồng thời lựa chọn các loại hoa phù hợp theo mùa và cảnh quan thành phố. Các cây hàng rào, đường viền được cắt tỉa, đảm bảo độ cao từ 50-70cm. Đối với cây xanh bóng mát công cộng, Cty phân công cán bộ, nhân viên tuần tra và xử lý nhanh những cây hư hại trên đường phố do mưa bão, đồng thời thường xuyên sửa tán, tạo hình, cắt tỉa những cành hoặc chồi mọc không phù hợp; chống sửa cây nghiêng phòng đổ, gãy nguy hiểm. Cùng với công tác bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị, thành phố cũng ban hành các khung cơ chế pháp lý tiến tới xây dựng Quy chế quản lý công viên cây xanh. Hiện tại thành phố đã lắp đặt bảng nội quy công viên, vườn hoa ở các công viên trên địa bàn. Việc chặt hạ, di dời các cây xanh cũng như công tác xây dựng, trồng mới các cây xanh công cộng phù hợp với quy hoạch về sử dụng đất phải được Phòng Quản lý đô thị thành phố cấp phép. Đối với các công trình dự án mới khởi công, thành phố yêu cầu phải bố trí quỹ đất dành cho cây xanh công cộng với tỷ lệ phù hợp.
Phát triển các mảng xanh đảo giao thông góp phần tăng tỷ lệ diện tích cây xanh đô thị (Trong ảnh: Đảo giao thông trên đường 52m, TP Nam Định). |
Tuy nhiên, tình trạng quản lý cây xanh ở tuyến huyện đặc biệt là ở các thị trấn chưa được coi trọng. Thời gian qua, Phòng Hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị (Sở Xây dựng) đã có văn bản yêu cầu Phòng Công thương, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố báo cáo hiện trạng hạ tầng kỹ thuật đô thị về cây xanh. Tuy nhiên hiện tại mới chỉ có Thành phố Nam Định và các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Trực Ninh, Vụ Bản đã báo cáo; còn các huyện Mỹ Lộc, Ý Yên, Nam Trực, Xuân Trường chưa có báo cáo cụ thể. Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định UBND huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn theo phân cấp của UBND tỉnh; ban hành các quy định cụ thể về quản lý cây xanh đô thị theo phân cấp trên địa bàn được giao quản lý và tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định này, lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh trên địa bàn được giao quản lý theo phân cấp. Tuy nhiên, hiện tại các thị trấn vẫn chưa có một đơn vị hay Cty nào được giao thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh trên địa bàn. Lý giải nguyên nhân các huyện đều cho biết, do ngân sách huyện còn hạn chế, ngoài ra chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 64/2010/NĐ-CP nên công tác phát triển cây xanh ở địa bàn tuyến huyện chưa có căn cứ để hoạch định quy hoạch cụ thể theo hướng lâu dài mà chỉ dừng lại ở mức đảm bảo giữ nguyên hiện trạng, đồng thời phát triển thêm ở vỉa hè các tuyến phố bám theo các dự án giao thông hoặc các công trình mới ở trường học, trạm y tế… Hằng năm, hoạt động “Tết trồng cây” cũng góp phần củng cố số lượng, tuy nhiên chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển về cây xanh theo quy định của Bộ Xây dựng đối với các thị trấn. Bên cạnh đó, do không có đơn vị chuyên trách chăm sóc và bảo dưỡng cây xanh nên tỷ lệ cây trồng mới sống và phát triển không nhiều. Thời gian qua ở các huyện, nhiều cây xanh do dân tự trồng đã được đốn hoặc thay thế bằng các loại cây phù hợp nhưng công tác trồng cây xanh ở các thị trấn vẫn còn tự phát, thiếu hướng dẫn. Cây xanh được trồng tùy tiện theo sở thích của chủ nhà, của các nhà đầu tư, không tuân theo một quy chuẩn nào, không mang tính bền vững, phá vỡ không gian kiến trúc đô thị…
Nhằm nâng cao năng lực quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch, chiến lược cụ thể, rõ ràng về phát triển cây xanh ở các đô thị; UBND các huyện và các thị trấn siết chặt quản lý cây xanh trên địa bàn quản lý, áp dụng xã hội hóa kêu gọi doanh nghiệp đầu tư quản lý cây xanh; tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ và phát triển không gian xanh ở các khu dân cư. Có như vậy, công tác quản lý cây xanh ở các đô thị tuyến huyện mới có thể đi vào nền nếp, tạo môi trường sống tốt hơn cho các khu dân cư, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu./.
Bài và ảnh: Đức Toàn