Trong những năm gần đây, mức độ thiệt hại mùa màng do chuột trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng và là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng một số nông dân bỏ ruộng hoang. Năm 2014, do làm tốt công tác diệt chuột nên tình hình chuột hại ở các địa phương trong tỉnh giảm đáng kể, diện tích cây trồng bị chuột gây hại là 634,5ha, chỉ bằng 30% của năm 2013. Tuy nhiên do đặc điểm sinh học và khả năng sinh sản nhanh của chuột nên thời gian tới vẫn còn nguy cơ rất cao chuột gây hại sản xuất, kho tàng và lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho cộng đồng. Do vậy, việc diệt chuột phải được thực hiện thường xuyên và cần xác định rõ các đợt cao điểm để phát động chiến dịch diệt chuột đồng loạt nhằm đạt hiệu quả cao.
Ảnh minh hoạ/Internet. |
Xã Yên Thành (Ý Yên) là xã chuyên canh trồng lúa, có 320,6ha đất sản xuất nông nghiệp phân bố ở 11 thôn, đội sản xuất. Mấy năm gần đây, chuột gây hại nhiều trên lúa và rau màu, cây vụ đông, làm tổn thất lớn đến năng suất và sản lượng cây trồng, cá biệt có những thửa ruộng bị thất thu từ 30-50% năng suất hoặc thu hoạch không đáng kể. Từ thực tế trên, Đảng ủy, UBND xã đã ra nghị quyết và tuyên truyền phát động toàn dân tham gia đánh chuột trong toàn xã. 11 thôn, đội đã thành lập các tổ, đội chuyên diệt chuột, trừ chuột với 3-4 thành viên/tổ, đội hoạt động bằng hình thức khoán theo thỏa thuận giữa tổ đánh chuột và bà con nông dân dưới sự giám sát của chi bộ và chính quyền. Kinh phí chi trả cho công tác diệt chuột được bà con nông dân tự nguyện đóng góp theo mức 4kg thóc/sào và căn cứ theo diện tích sản xuất của từng thôn để giao khoán cho tổ đánh chuột. Khi thu hoạch nếu diện tích nào mất trắng từ 5m2 trở lên thì tổ đánh chuột phải đền bù theo sản lượng thực tế. Sau khi thành lập, Ban nông nghiệp xã đã tập huấn kỹ thuật theo hướng dẫn của Trạm BVTV huyện cho các tổ đội đánh chuột. Theo đó các hộ tập trung đánh chuột bằng phương pháp đào bắt thủ công là chính; hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học, nghiêm cấm dùng lưới điện để chăng bẫy chuột. Thời điểm đánh chuột tập trung chủ yếu vào thời kỳ lấy nước đổ ải ở cả 2 vụ; thường xuyên đặt bả mồi khi chưa gieo sạ hoặc mới sạ bằng thuốc Rat-K trộn với mộng mạ. Đến khi lúa tốt thì dùng bẫy kẹp bán nguyệt và đào bắt để đạt hiệu quả cao nhất. Từ khi thành lập tổ đánh chuột đến nay, trên đồng ruộng của xã Yên Thành không có diện tích nào bị chuột cắn phá, đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp và ổn định lương thực cho toàn xã. Xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) có 284,5ha trồng lúa 2 vụ, diện tích trồng cây vụ đông hằng năm từ 100-150ha, chủ yếu là cây đậu tương đông. Trong những năm qua, năng suất cây trồng của xã thường giảm sút do nạn chuột phá hoại nghiêm trọng. Đặc biệt trong 2 năm 2011-2012, mật độ chuột tăng cao gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất, năng suất lúa và cây vụ đông của nhiều hộ gia đình giảm sút tới 20-30%, gây hoang mang cho người sản xuất. Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng uỷ, UBND xã Nghĩa Minh, mỗi HTX thành lập tổ chuyên diệt chuột gồm: Ban quản trị HTX, các đội trưởng đội sản xuất. Sau khi thành lập tổ chuyên diệt chuột, các HTX tổ chức họp phổ biến dự thảo phương án đánh chuột, tập hợp ý kiến của xã viên, xây dựng phương án chính thức thu chi phí diệt chuột với mức thu 20 nghìn đồng/sào/vụ. Các đội trưởng sản xuất là những người chịu trách nhiệm nhận mồi bả từ các kỹ thuật viên rải ở tất cả các bờ vùng, bờ thửa do mình phụ trách, quản lý và chịu sự chỉ đạo giám sát, nghiệm thu chất lượng công việc trực tiếp từ Ban quản trị HTX. Các tổ chuyên diệt chuột tập trung đánh chuột quyết liệt bằng biện pháp rải mồi đặt bả trong các thời kỳ: lấy nước đổ ải, trước khi gieo cấy lúa, khi lúa đẻ nhánh và khi lúa làm đòng. Với phương thức đánh như trên, toàn bộ diện tích lúa và hoa màu của xã được bảo toàn cơ bản. Số diện tích chuột phá trên 5m2/thửa chỉ chiếm 1% tổng diện tích, trong đó diện tích phải bồi thường là 0,3%. Xã viên không phải căng ni lông, không phải băn khoăn nạn chuột phá hoại, nhân dân đồng tình cao và rất phấn khởi với kết quả đạt được. Đồng chí Hoàng Quang Hưng, Trưởng Ban nông nghiệp xã Nghĩa Minh cho biết: “Chuột là động vật sinh sản và phát triển nhanh, khó diệt, gây hại lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Do đó phải triển khai diệt chuột đồng bộ, thường xuyên, liên tục và phải huy động cả cộng đồng diệt chuột; diệt trừ chuột phải đúng kỹ thuật, đảm bảo tiến độ và thời gian, an toàn tuyệt đối cho người, gia súc, gia cầm và môi trường”. Hiện, toàn tỉnh có 107/209 xã, thị trấn thành lập tổ, đội dịch vụ diệt chuột, trong đó có nhiều mô hình diệt chuột đạt hiệu quả cao. Mô hình diệt chuột đồng loạt, tập trung trong toàn xã được thực hiện ở các xã: Minh Tân (Vụ Bản); Yên Bình, Yên Phong, Yên Mỹ (Ý Yên); Mỹ Hà (Mỹ Lộc); Hải Trung (Hải Hậu); Giao Tân (Giao Thủy)… UBND các xã phát động nông dân đồng loạt bẫy, bắt và diệt chuột bằng biện pháp thủ công như dùng bẫy kẹp, soi đèn, đào bắt… và tổ chức thu mua đuôi chuột. Người dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và phương thức diệt chuột theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành, phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Một mô hình diệt chuột hiệu quả nữa là mô hình tổ, đội diệt chuột. Các xã thành lập tổ, đội chuyên diệt chuột hoạt động liên tục trong cả vụ, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của UBND xã. Mỗi tổ viên diệt chuột được xã chi trả tiền công từ 50-60 nghìn đồng/người/ngày khi tham gia các chiến dịch diệt chuột. Về khoản thu dịch vụ đánh chuột mỗi thôn, đội xây dựng quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ, đội diệt chuột; trách nhiệm, chế độ đóng góp của hộ nông dân. Số tiền thu dịch vụ diệt chuột được khoán cho tổ, đội chuyên diệt chuột, nếu tổ, đội diệt chuột để chuột phá hại lúa thì phải đền bù cho người dân. Ngoài 2 mô hình diệt chuột được áp dụng chủ yếu nêu trên, một số địa phương đã mời chuyên gia diệt chuột về địa phương hướng dẫn cách đánh bắt chuột hiệu quả bằng phương pháp cạm bẫy. Hầu hết các tổ, đội diệt chuột đã lựa chọn, áp dụng nhiều hình thức diệt chuột khác nhau, đảm bảo hiệu quả và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường: thời kỳ đổ ải sử dụng bả hóa học, thời kỳ lúa làm đòng đến thu hoạch chủ yếu áp dụng biện pháp thủ công như: đào bắt, bẫy kẹp, bả sinh học... đã góp phần hạn chế thiệt hại mùa màng, kho tàng do chuột gây ra.
Bước vào vụ xuân năm 2015, để đạt kết quả cao nhất trong công tác diệt chuột, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại và nguy cơ gây hại của chuột đối với sản xuất, kho tàng và sức khỏe cộng đồng; kết hợp tuyên truyền, giới thiệu các cách làm hay, các mô hình diệt chuột hiệu quả; tăng cường tập huấn, hướng dẫn nhân dân, nhất là các hộ nông dân về phương pháp, quy trình kỹ thuật diệt trừ chuột ngoài đồng và trong hộ gia đình. Đồng thời phát động toàn thể nhân dân hưởng ứng chiến dịch ra quân diệt chuột với phương châm: “Nhà nhà diệt chuột, người người diệt chuột”. Thực hiện diệt chuột đúng phương pháp, đúng quy trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, gia súc, gia cầm; chú trọng bảo vệ hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng và tổ chức tốt việc thu gom, tiêu hủy xác chuột chết ở nơi xa khu dân cư, trường học, nguồn nước nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Ngay sau khi thu hoạch lúa mùa năm 2014, các hộ nông dân đã tiến hành vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch rơm rạ, thường xuyên phát cỏ bờ để hạn chế nơi ẩn náu và sinh sản của chuột. Trong đợt lấy nước đổ ải đến khi gieo sạ và cấy lúa xuân 2015, các địa phương đã tổ chức đợt ra quân diệt chuột đồng loạt ngay từ đầu vụ, thực hiện một cách triệt để, hiệu quả bằng hình thức tổng hợp các biện pháp hoá học, sinh học với biện pháp thủ công nhằm góp phần bảo vệ sản xuất, môi trường và đời sống nhân dân. Căn cứ vào mức độ xuất hiện, gây hại của chuột, các địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục phát động tập trung diệt chuột từ khi gieo cấy đến khi lúa đứng cái làm đòng./.
Ngọc Ánh