Lồng ghép công tác bảo vệ môi trường từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch

08:03, 24/03/2015

Trong những năm gần đây công tác bảo vệ môi trường (BVMT) luôn được tỉnh quan tâm lồng ghép và bảo đảm tỷ lệ vốn thích hợp để thực hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các nội dung BVMT được xây dựng, thẩm định, phê duyệt đồng thời với các nội dung của quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án của tỉnh cũng như các huyện, thành phố: như tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch; tỷ lệ thu gom chất thải rắn ở đô thị; tỷ lệ KCN, CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường; tỷ lệ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường...

Công tác BVMT được lồng ghép từ khâu lập quy hoạch, giúp Thành phố Nam Định bố trí hợp lý mảng không gian xanh điều tiết môi trường tại CCN An Xá.
Công tác BVMT được lồng ghép từ khâu lập quy hoạch, giúp Thành phố Nam Định bố trí hợp lý mảng không gian xanh điều tiết môi trường tại CCN An Xá.

UBND tỉnh luôn quan tâm, xem xét cụ thể nội dung BVMT trong quá trình thẩm định, phê duyệt các dự án; kiên quyết không cho phép đầu tư mới các dự án công nghiệp có nguy cơ gây tác động tiêu cực đến môi trường; không phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư tiềm ẩn nguy cơ cao đối với môi trường; không đưa vào vận hành, sử dụng mới các Khu, CCN, khu đô thị, các công trình, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh không đáp ứng các yêu cầu về BVMT. Đặc biệt các dự án công nghiệp đầu tư ngoài Khu, CCN thì vấn đề môi trường được ràng buộc ngay từ giai đoạn xin cấp giấy chứng nhận đầu tư. Năm 2014, Sở TN và MT đã tiếp nhận 36 báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án BVMT nhưng chỉ phê duyệt 23 hồ sơ đủ điều kiện BVMT; tiếp nhận 24 hồ sơ xác nhận việc hoàn thành các công trình BVMT nhưng chỉ cấp 12 giấy xác nhận cho các công trình thực sự đã hoàn thành các công trình BVMT. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn việc chủ động lồng ghép BVMT vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội được các cấp, ngành chức năng quan tâm đẩy mạnh. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc lồng ghép công tác BVMT, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM của tỉnh yêu cầu các địa phương phải tích cực triển khai xây dựng NTM gắn với công tác BVMT. Thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu 2014, Sở TN và MT đã hướng dẫn các huyện, thành phố rà soát, đánh giá mối quan hệ giữa các yếu tố biến đổi khí hậu với từng nội dung của chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; lồng các yếu tố biến đổi khí hậu và các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai đã được chọn lựa vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng có sự cân nhắc, so sánh, ưu tiên tránh sự mâu thuẫn với mục tiêu BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu. Cuối năm 2014, trong chỉ đạo các cấp, ngành chức năng rà soát quy hoạch hạ tầng thủy lợi phục vụ các vùng nuôi thủy sản như: dự án ở khu vực 3 xã Giao Phong, Giao Long, Giao Lâm, dự án ở xã Hải Chính (Hải Hậu)…, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phải chú trọng lồng ghép công tác BVMT. Trong đó, yêu cầu phải đề xuất phương án cụ thể để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống thủy lợi đảm bảo cấp nước cho nuôi trồng thủy sản riêng và xả nước thải của vùng nuôi thủy sản riêng… Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, riêng nhiệm vụ BVMT, tỉnh đã xác định tập trung thực hiện việc thường xuyên cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020 cho phù hợp với thực tế. Đặc biệt, tỉnh cũng định hướng tập trung lồng ghép BVMT tại một số lĩnh vực chính như: Quy hoạch hệ thống công trình thủy lợi, trong đó có nội dung quy hoạch, xây dựng các công trình ngăn mặn trên sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đáy giữ ngọt vào mùa khô và đảm bảo xả lũ vào mùa mưa. Quy hoạch và triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp và phát triển các tuyến đê biển, đê sông đảm bảo ứng phó với điều kiện nước biển dâng. Quy hoạch và triển khai nạo vét các hệ thống kênh mương. Củng cố và nâng cấp hệ thống cống, trạm bơm bảo đảm tưới, tiêu kịp thời và có hiệu quả cho sản xuất, đồng thời tích cực thực hiện công tác làm giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong đó chú trọng phát triển các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản thích ứng biến động thời tiết và khả năng kháng dịch bệnh cao. Chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp đảm bảo hiệu quả nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa ổn định, chuyển đổi diện tích lúa bị xâm nhập mặn, diện tích sản xuất muối không hiệu quả sang nuôi trồng thủy hải sản. Tăng cường công tác bảo vệ rừng hiện có; tích cực trồng, bổ sung rừng phòng hộ ở các bãi bồi ven biển; phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn ở vùng đất ngập nước huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Triển khai tích cực, hiệu quả các dự án hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu như: Hỗ trợ phát triển bền vững phát thải thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng rừng và đồng bằng Việt Nam do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ từ 2013-2018; dự án vay vốn ODA phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp ven biển huyện Hải Hậu nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn cho vùng nông thôn ven biển. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả, đảm bảo tiến độ dự án Quản lý ô nhiễm công nghiệp tại các KCN thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy (vốn vay WB) góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nước của lưu vực sông Nhuệ - Đáy do các hoạt động sản xuất công nghiệp... Huy động các nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường, trong đó chú trọng đến các công trình cải thiện môi trường làng nghề, vệ sinh môi trường nông thôn, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu, CCN và các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường khác.

Nhờ tích cực, chủ động lồng ghép ngay từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch, phê duyệt các dự án nên công tác BVMT đã từng bước được thực hiện rộng khắp, đồng bộ trên mọi lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, tình trạng ô nhiễm công nghiệp đã được kiểm soát và cải thiện thông qua việc từng bước di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các khu, CCN. Tại các khu, CCN đã đi vào hoạt động được quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại phát sinh từ các cơ sở sản xuất, dịch vụ, kinh doanh trong các khu, CCN đạt 100%. Trong chương trình xây dựng NTM, các dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, dự án nông nghiệp các-bon thấp được triển khai tích cực; tỷ lệ dân số nông thôn dùng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 93%; tỷ lệ hộ gia đình có đủ 3 công trình vệ sinh theo tiêu chuẩn đạt 85%. Hoạt động thu gom rác thải với sự tham gia của cộng đồng được nhiều xã, thị trấn đã đi vào nền nếp. Hằng năm UBND tỉnh đã bố trí hợp lý kinh phí sự nghiệp môi trường chi cho công tác BVMT, ưu tiên cho thu gom, xử lý rác thải nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 95/122 bãi chôn lấp rác của 116 xã đưa vào sử dụng; 14 xã, thị trấn đầu tư xây dựng lò đốt rác theo công nghệ mới. Môi trường ở đô thị, nông thôn đã được cải thiện./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com