Năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và các chính sách quyết liệt tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh của Trung ương, của tỉnh, ngành công nghiệp đóng tàu tỉnh ta đã từng bước được khôi phục. Nhu cầu về gia công, đóng mới, sửa chữa các phương tiện vận tải thủy tăng cao đã giúp các doanh nghiệp đóng tàu ký và hoàn thành nhiều hợp đồng đóng mới phương tiện vận tải thủy. Bên cạnh đó, “cú hích” để ngành công nghiệp đóng tàu tỉnh ta có bước phục hồi là Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân chuyển đổi, đóng mới tàu vỏ thép trong khai thác thủy sản xa bờ.
Đóng mới các phương tiện vận tải thủy tại Cty TNHH một thành viên Sản xuất Thương mại Đức Chiến, xóm Bơn Ngạn, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). |
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP tiến hành rà soát quy mô nhà xưởng, trang thiết bị và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp đóng tàu. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định số 2126/QĐ-UBND ngày 19-11-2014 và 2158/QĐ-UBND ngày 24-11-2014 công bố 7 doanh nghiệp đóng tàu đủ điều kiện đóng mới, hoán cải, nâng cấp tàu cá vỏ thép. Theo Quyết định của UBND tỉnh, huyện Xuân Trường có 3 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn là Cty CP Kinh tế Xuân Trường, xã Xuân Châu; Cty TNHH Việt Tiến và Cty TNHH Đại Nguyên Dương ở Thị trấn Xuân Trường. Thành phố Nam Định có Cty CP Công nghiệp tàu thủy Nam Hà; huyện Hải Hậu có Cty TNHH một thành viên Đóng tàu Thịnh Long; huyện Giao Thủy có Cty TNHH Đóng tàu Trung Bộ; huyện Vụ Bản có Cty CP Công nghiệp tàu thủy Sông Đào. Việc rà soát, công nhận năng lực đã giúp các doanh nghiệp vận tải đạt chuẩn trong tỉnh có điều kiện khẳng định, quảng bá minh bạch nhất về thương hiệu, quy mô, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm; mở ra cơ hội được nhiều khách hàng trên toàn quốc tiếp cận, ký kết đơn hàng đóng mới, sửa chữa tàu thuyền. Năm 2014, sản xuất của Cty TNHH Đóng tàu Trung Bộ bắt đầu có bước phục hồi và phát triển. Ngoài các hợp đồng gia công, sửa chữa nhỏ, Cty đã ký được 11 hợp đồng đóng mới các loại tàu pha sông biển có tải trọng từ 800-1.500 tấn (4 tàu 800 tấn, 4 tàu 1.000 tấn, 1 tàu 1.200 tấn và 2 tàu 1.500 tấn) tạo việc làm cho trên 100 lao động với mức thu nhập trung bình 5,5 triệu đồng/người/tháng. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm và thời hạn giao hàng, Cty đã đầu tư thêm gần 3 tỷ đồng để mua 40 máy hàn xoay chiều, 2 máy hàn chuyên dụng và cải tạo hệ thống triền ngang, cẩu… đáp ứng yêu cầu sản xuất. Năm 2014, Cty đã hoàn thành và bàn giao cho khách hàng 2 tàu loại 800 tấn/tàu, đầu năm 2015 hoàn thành và bàn giao tiếp 4 tàu (2 tàu loại 800 tấn, 2 tàu loại 1.000 tấn); loạt tàu còn lại sẽ được hoàn thiện và bàn giao nốt trong quý II-2015. Ngoài các hợp đồng đang triển khai, Cty đã ký được hợp đồng đóng mới 4 phương tiện vận tải thủy tải trọng trên 1.000 tấn, đảm bảo việc làm cho người lao động đến hết năm 2015. Là doanh nghiệp có bề dày hoạt động 45 năm liên tục trong ngành công nghiệp đóng tàu, với tổng diện tích mặt bằng gần 10ha, hạ tầng cơ sở và hệ thống máy móc, trang thiết bị đã được đầu tư nâng cấp cùng với đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật đóng tàu được đào tạo chính quy, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, sản phẩm của Cty CP Công nghiệp tàu thủy Sông Đào (thành viên của Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng) đã có mặt tại 34 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Ngoài các sản phẩm đóng mới, sửa chữa phương tiện vận tải thủy theo đơn đặt hàng, trong các năm 2013, 2014 Cty đã đảm nhiệm và hoàn thành 10 hợp đồng đóng mới tàu cá vỏ thép (theo Nghị định 67 của Chính phủ) để bàn giao cho ngư dân bám biển khai thác. Năm 2014, Cty đã đạt giá trị tổng sản lượng trên 196,6 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt trên 273,6 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động được nâng lên mức trên 6,8 triệu đồng/người/tháng. Sau 5 tháng thi công dưới sự giám sát của Trung tâm Đăng kiểm nghề cá (Tổng cục Thuỷ sản) tháng 2-2015, Cty tiếp tục hoàn thành đúng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, phù hợp với nhu cầu khai thác và bàn giao tàu chụp mực vỏ thép cho ông Nguyễn Quốc Trọng (ngư dân tỉnh Nghệ An). Tàu được trang bị máy chính công suất 650HP, 4 tổ máy phát điện, la bàn từ, hệ thống thiết bị GPS, máy đo sâu dò cá, nhiều thiết bị vô tuyến điện... Năm 2014, Cty TNHH một thành viên Đóng tàu Thịnh Long (Hải Hậu) đã hoàn thành 6 hợp đồng đóng mới phương tiện vận tải thủy các loại, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 350 lao động thường xuyên với mức lương bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng. Khoảng 2 năm gần đây, nghề đóng tàu thuyền thép truyền thống của xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) đã có bước phục hồi. Toàn xã hiện đã có 2 doanh nghiệp, 25 cơ sở sản xuất chuyên nhận đóng các loại phương tiện pha sông biển có tải trọng từ 300 đến trên 2.000 tấn. Các doanh nghiệp, cơ sở đóng tàu trong xã đã tạo việc làm cho trên 600 lao động với mức lương bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Minh Chiến, Giám đốc Cty TNHH một thành viên Sản xuất Thương mại Đức Chiến, xóm Bơn Ngạn, xã Nghĩa Sơn cho biết: Trong năm 2014, Cty đã ký được trên 20 hợp đồng đóng mới các phương tiện vận tải thủy tải trọng từ 500 đến 2.000 tấn cho khách hàng ở các tỉnh phía Bắc. Với 3 xưởng sản xuất rộng trên 5.000m2, Cty đang thực hiện cùng lúc 10 hợp đồng đóng mới phương tiện vận tải thủy; trong đó có 1 tàu 1.600 tấn, còn lại là các tàu từ 700 đến 1.000 tấn… Cty đang có 120 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2014, cơ sở đóng tàu của ông Bùi Đình Pháp, cũng ở xóm Bơn Ngạn đã hoàn thành 8 hợp đồng đóng mới phương tiện vận tải thủy tải trọng từ 300-500 tấn, tổng trị giá hợp đồng gần 30 tỷ đồng. Hiện nay, trên bãi sản xuất của cơ sở đang tiến hành dựng khung sườn cho 4 tàu mới (2 tàu 300 tấn, 2 tàu 500 tấn), một tàu tải trọng 400 tấn đã hạ thủy, đang tiến hành các bước hoàn thiện cuối cùng để bàn giao cho chủ tàu trong tháng 4-2015. Ngoài 5 hợp đồng đóng mới đang triển khai, cơ sở của ông Pháp đã ký thêm được 2 hợp đồng đóng mới phương tiện vận tải thủy tải trọng 400 tấn.
Rút kinh nghiệm từ đợt suy thoái trước, hiện nay các doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn tỉnh đều áp dụng phương thức sản xuất “chìa khóa trao tay” (chủ tàu ứng trước từ 50-70% trị giá hợp đồng, phần còn lại thanh toán sau khi bàn giao phương tiện). Bên cạnh đó, thay vì phải đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống triền đà, các doanh nghiệp đóng tàu đã chủ động áp dụng phương thức hạ thủy tàu thuyền bằng bóng hơi, chi phí chỉ bằng 1/10 so với sử dụng triền đà. Đây là những tín hiệu vui khẳng định ngành công nghiệp đóng tàu tỉnh ta đang có bước phục hồi và phát triển trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Thành Trung