Trong chương trình CNH-HĐH, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn (GTNT) theo hướng Nhà nước kết hợp với nhân dân ưu tiên đầu tư củng cố và xây dựng mới, phát triển hạ tầng GTNT. Đặc biệt, BCH Đảng bộ tỉnh khoá XVIII ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU tháng 7-2011 chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong tỉnh về phát triển GTNT, đồng thời các cấp, các ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 12-8-2011 về phát triển GTNT theo hướng: Phát triển GTNT bền vững gắn với mạng lưới giao thông quốc gia, bảo đảm giao thông thông suốt bốn mùa tới các xã, cơ bản có đường ô tô đến thôn. Từng bước nâng cao chất lượng đường nông thôn, xây dựng quy chế, chính sách đảm bảo duy tu bảo dưỡng thường xuyên.
Cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông tại địa phận xã Yên Phong (Ý Yên). |
Theo đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Phong (Ý Yên), thời gian qua, BCH Đảng bộ xã luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, quan tâm chỉ đạo các thôn tập trung cứng hóa đường GTNT với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đề ra mục tiêu, phương hướng, giải pháp cụ thể, phân công, hướng dẫn bí thư chi bộ các thôn tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình phát triển GTNT. Đặc biệt, Đảng ủy xã còn chỉ đạo các chi bộ thôn tạo dựng tinh thần đoàn kết, quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo, tạo sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tích cực triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến cộng đồng dân cư, nhờ đó nhân dân toàn xã đã hiểu được mục đích ý nghĩa của chương trình và tích cực tham gia hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động để xây dựng đường GTNT. Trong quá trình xây dựng NTM, giai đoạn đầu thực hiện xã đã hỗ trợ 500 triệu đồng cho các thôn đào đắp đường nội đồng. Từ năm 2012 xã tiếp tục hỗ trợ 100 nghìn đồng/sào cho các thôn tổ chức cứng hóa mặt đường. Nhờ đó đã thực sự tạo nên một cuộc cách mạng về GTNT. Từ năm 2011 đến năm 2013, xã đã bê tông hóa được 9 tuyến đường với chiều dài 2,8km; rải đá cấp phối 5,73km đường trục chính nội đồng. Toàn xã đã huy động các hộ đóng góp 139.238m2 ruộng để mở rộng đường giao thông nội đồng, bình quân 11,4 m2/sào; tổ chức đào đắp 38,8km đường trục chính nội đồng với bề rộng mặt đường từ 4-7m. Trong năm 2014 các thôn đã cứng hóa thêm 5.157m giao thông nội đồng với tổng giá trị đầu tư là 1 tỷ 313 triệu 279 nghìn đồng; nhân dân trong xã còn tự nguyện tháo dỡ các công trình, giải tỏa cây cối, đặc biệt một số gia đình còn tự nguyện hiến đất bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công nâng cấp Quốc lộ 38B. Đến đầu năm 2015, toàn xã đã cứng hóa 40km, đạt 70% tổng chiều dài đường giao thông nội đồng; 100% đường dong ngõ trên toàn xã đã được bê tông hóa. Sau khi GTNT được cải tạo, nâng cấp đã góp phần thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tăng cao giá trị thu nhập, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho bà con nhân dân. Đối với xã Hải Ninh (Hải Hậu), là một địa phương thuần nông nằm xa trung tâm huyện, với hơn một nửa dân số là đồng bào Công giáo, thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhưng từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM xã đã quyết tâm thực hiện nhiều biện pháp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phong trào xây dựng đường GTNT. Với nguồn lực chủ yếu dựa vào sức dân, Hải Ninh đã tuyên truyền đến từng người dân về ý nghĩa và mục đích xây dựng NTM, từ đó chủ động đóng góp tiền bạc, công sức vì mục đích chung. Trong thời gian qua, cán bộ, nhân dân trong xã và con em quê hương đang làm ăn xa đã đóng góp và ủng hộ gần 13 tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công, tự nguyện bàn giao hơn 100 nghìn m2 đất xây các công trình hạ tầng, trong đó có công trình GTNT. Do có sự đồng lòng của bà con nhân dân và sự nỗ lực chung sức đề cao trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các cam kết về tiến độ, chất lượng công trình từ phía Ban quản lý dự án, các nhà thầu, đến nay xã đã bê tông hóa được 5,5km đường trục xã, cứng hóa đạt chuẩn hơn 10km đường trục thôn, xóm, 22km đường dong ngõ và gần 7km đường nội đồng. Bên cạnh các công trình GTNT xã cũng quan tâm đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường điện, trường học, cơ sở y tế, các công trình xử lý rác thải, tăng cường giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo nên một diện mạo mới khang trang, sạch đẹp cho làng quê. Tại Nghĩa Hưng, nhận thức việc xây dựng hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội cho người dân mà trọng tâm là giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, cùng với việc đầu tư của Trung ương, tỉnh và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương, huyện còn tích cực huy động sức đóng góp của dân đầu tư xây dựng các công trình GTNT. Các tổ chức chính trị, đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền công tác xây dựng hạ tầng GTNT, đặc biệt là việc vận động nhân dân tự giải phóng mặt bằng, góp đất, hiến đất cùng với Nhà nước đẩy nhanh tiến độ thi công công trình giao thông. Nhờ đó, việc tự giải phóng mặt bằng, hiến đất, góp đất đã nhanh chóng trở thành phong trào rộng khắp trên toàn huyện. Nhờ được tuyên truyền, vận động, nhiều con em của các xã, thị trấn đang công tác, sinh sống từ khắp các vùng, miền trên toàn quốc đã tình nguyện đóng góp, hỗ trợ kinh phí cho địa phương xây dựng GTNT. Các địa phương trong huyện còn áp dụng rộng rãi hình thức nhân dân tự quản lý, tự thi công và tự tổ chức giám sát công trình nhờ đó các công trình nâng cấp, cải tạo xây mới GTNT đạt chất lượng và tiến độ. Chỉ tính riêng 4 năm gần đây, huyện Nghĩa Hưng đã đầu tư 340 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 7/11 tuyến đường trục huyện với chiều dài 35/60,1km. Toàn huyện đã đầu tư 34 tỷ đồng xây dựng 5/7 tuyến đường nối từ tỉnh lộ, đường huyện đến trung tâm các xã, thị trấn với tổng chiều dài 7,6/11km. Đầu tư 40,4 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 7 tuyến đường xã, liên xã theo chương trình WB và chương trình mục tiêu quốc gia. Đầu tư 32,1 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 102,3km đường liên thôn, đường thôn, xóm, góp phần nâng tổng số đường thôn, xóm đã đạt tiêu chí NTM 542,6/609,6km. Đầu tư 52,6 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp 170,6km đường ra đồng, góp phần nâng tổng số đường ra đồng đã đạt tiêu chí NTM lên 141,2/432km.
Phong trào kết hợp sức dân để phát triển GTNT theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh sau 5 năm thực hiện đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Chỉ tính riêng chương trình xây dựng NTM từ 2010 đến 2014, toàn tỉnh đã xây dựng mới và cải tạo nâng cấp 4.296km đường GTNT; 5.371 cầu, cống dân sinh; đắp được trên 5.319km đường giao thông nội đồng (đã cứng hóa 1.071km). Trong năm 2014, toàn tỉnh tiếp tục cải tạo, xây mới 1.122km đường GTNT, cứng hóa 220km đường trục chính nội đồng. Kết quả phát triển GTNT kể trên tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện mục tiêu phát triển GTNT đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Về nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết năm 2015 và hướng đến 2020, tỉnh sẽ tập trung phát triển GTNT phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược, quy hoạch GTVT trên địa bàn tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; phát triển GTNT một cách bền vững, tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường thôn xã, kết hợp giữa kinh tế với an ninh, quốc phòng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước và nhu cầu đi lại của nhân dân. Trong đó, từ nay đến hết 2015: Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo đối với đường GTNT của 96 xã đã xây dựng NTM và các xã còn lại. Từng bước bố trí các nguồn vốn để bảo trì hệ thống đường GTNT. Trong những năm tiếp theo phấn đấu đạt mục tiêu: 100% đường huyện, đường xã được nhựa hoá hoặc bê tông xi măng hoá; đường huyện tối thiểu đạt cấp IV, đường xã tối thiểu đạt cấp VI. Hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện, đường xã được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch. Tối thiểu 70% đường thôn, xóm được cứng hoá, đạt loại A trở lên; 70% các đường trục chính nội đồng được cứng hoá, phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện. Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chức năng, các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp: Tiếp tục tổ chức tuyên truyền về nội dung, lợi ích của chương trình phát triển đường GTNT để làm chuyển biến nhận thức, thúc đẩy hành động của các ngành, các cấp và nhân dân. Tổ chức cho tham quan học hỏi kinh nghiệm các địa phương làm tốt công tác GTNT. Tăng cường năng lực, nhân lực cho cán bộ trực tiếp quản lý GTNT, có chương trình đào tạo, tập huấn hằng năm cho cán bộ quản lý GTNT các cấp. Huy động tổng hợp mọi nguồn lực: Nhân dân đóng góp, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, xã; tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương hỗ trợ đầu tư phát triển, hỗ trợ các xã xây dựng NTM của Trung ương, của tỉnh, vốn của các tổ chức nước ngoài như WB, ADB. Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, công tác quản lý duy tu sửa chữa thường xuyên các tuyến đường hiện có và các tuyến đường sau khi được nâng cấp, cải tạo; bảo vệ và sử dụng có hiệu quả hệ thống GTNT. Ban hành quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các xã xây dựng GTNT, triển khai hướng dẫn thực hiện cơ chế chi tiết cụ thể đảm bảo mang lại hiệu quả thiết thực. Tăng cường huy động, bố trí hợp lý kinh phí bảo trì đường bộ cho các cấp đường, trong đó có đường GTNT./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý