Xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) là hình thức tổ chức sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, người dân cùng nhau thực hành sản xuất theo một quy trình chung trong tất cả các khâu, từ làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, chế biến... Nhờ thực hiện đồng bộ các khâu trên mà chi phí sản xuất giảm, năng suất, chất lượng sản phẩm tăng, đồng thời lợi nhuận thu được từ sản xuất của người dân và doanh nghiệp cũng được nâng cao hơn khi các gia đình làm ăn độc lập và đơn lẻ. Thực hiện chủ trương xây dựng CĐML do Bộ NN và PTNT phát động, những năm qua, HND các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng CĐML. Việc xây dựng CĐML đã tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, từng bước hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao thu nhập của nông dân. Ngay từ khi mới triển khai HND tỉnh đã chỉ đạo HND các huyện, thành phố tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động cho hội viên nông dân về ý nghĩa, mục đích xây dựng CĐML để nông dân hiểu đúng ý nghĩa tầm quan trọng của việc xây dựng CĐML; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp giúp nông dân ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; tập trung vận động những hộ sản xuất nhỏ lẻ liên kết sản xuất với quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó, HND các cấp trong tỉnh còn phối hợp Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH hỗ trợ, giúp đỡ nông dân tiếp cận được nguồn vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 258 mô hình CĐML với diện tích 11.471ha, trong đó triển khai thí điểm 8 mô hình CĐML liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao và rau màu với các doanh nghiệp tại 3 huyện Giao Thủy, Nam Trực, Ý Yên với diện tích 290ha.
Nông dân thôn Mỹ Trung, xã Thành Lợi (Vụ Bản) thu hoạch rau vụ đông. |
Về thăm CĐML tại xã Xuân Kiên (Xuân Trường), đồng chí Trịnh Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng Ban nông nghiệp xã cho biết, để xây dựng thành công mô hình CĐML, Xuân Kiên đã tập trung chỉ đạo hoàn thành tốt công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT). Bởi đây là yếu tố rất cần thiết, là tiền đề cho xây dựng CĐML. Chính quyền, đoàn thể của xã đều vào cuộc; trong đó, HND xã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác vận động tuyên truyền, tạo được sự đồng thuận của hội viên nông dân. Vì vậy, xã Xuân Kiên từ 3.064 mảnh ruộng đến nay đã dồn vào chỉ còn 96 mảnh, không còn nhỏ lẻ, manh mún nữa. Mảnh ruộng có diện tích lớn nhất gần 9ha, còn mảnh nhỏ nhất 2,5ha nên phương thức sản xuất theo CĐML cũng trở nên thuận lợi hơn. Vụ xuân 2015, xã Xuân Kiên sẽ làm CĐML với diện tích 100ha bằng giống lúa Nam Định 5. Ở xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) với hơn 495ha đất sản xuất nông nghiệp; vụ xuân năm 2015, xã chỉ đạo xây dựng 3 CĐML với tổng diện tích lên đến 150ha, chủ yếu là giống lúa Bắc thơm số 7. Trên những CĐML này, toàn bộ diện tích được nông dân gieo cấy bằng phương pháp sạ hàng và cấy mạ nền cứng. Còn ở huyện Trực Ninh, năm 2010, khi triển khai xây dựng NTM, huyện đã xác định phải ưu tiên cho việc DĐĐT để hình thành CĐML, các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa… nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân. Bám sát chỉ đạo của huyện và HND cấp trên, HND huyện đã chỉ đạo HND các xã, thị trấn tích cực phối hợp tuyên truyền cho hội viên nông dân về chủ trương của tỉnh, huyện. Sau khi DĐĐT, các địa phương đã tích cực đưa máy làm đất, máy gặt đập liên hoàn hỗ trợ nông dân sản xuất. Nếu năm 2012, huyện mới có 7 mô hình CĐML, diện tích 392ha thì đến nay đã tăng lên 28 mô hình, trong đó có 27 mô hình cấy lúa, 1 mô hình trồng màu, với diện tích hơn 1.200ha. Những mô hình này đã góp phần tăng giá trị thu nhập lên 15-20% so với trước, giảm gần 20% chi phí sản xuất… Việc triển khai mô hình CĐML trên địa bàn tỉnh ta đã từng bước làm thay đổi phương thức canh tác truyền thống của người dân và hướng đến một nền nông nghiệp hàng hóa, có năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh cao, tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn xã. Từ thành công trên cho thấy, việc xây dựng CĐML là hướng đi đầy triển vọng trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, nâng cao đời sống người nông dân, thực hiện thành công chủ trương xây dựng NTM./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn