Dệt may là ngành Công nghiệp chủ lực của tỉnh hiện có trên 200 doanh nghiệp, thu hút gần 60 nghìn lao động (chiếm 36,4% tổng số lao động toàn ngành Công nghiệp). Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi, đến ngày mùng 6 Tết (24-2) cơ bản các doanh nghiệp ngành dệt may đã ổn định nhân lực, tập trung sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu rà soát của ngành Công thương, năm nay nguồn lao động ổn định, cơ bản không xảy ra tình trạng bỏ việc, “nhảy việc”.
Sản xuất tại Nhà máy may Sông Hồng 7 (Cty CP May Sông Hồng), CCN Hải Phương (Hải Hậu). |
Ngay từ cuối năm 2014, không ít doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng sản xuất hết công suất tới cuối năm 2015. Bên cạnh đó, thời gian gần đây do đón đầu Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), với ưu thế Việt Nam sẽ trở thành một trong các nước thành viên được áp dụng chính sách ưu tiên cho hàng hóa xuất khẩu nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào lĩnh vực dệt may tại nước ta, trong đó có tỉnh Nam Định kéo theo số lượng doanh nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động gia tăng nhanh. Trước thực trạng đó, nhiều doanh nghiệp dệt may trong tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp “giữ chân”, duy trì nguồn lao động để ổn định sản xuất, kinh doanh ngay từ những tháng đầu năm. Ở khu vực Thành phố Nam Định, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp dệt may lớn của tỉnh và cả nước như: Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP Dệt may Sơn Nam, Cty CP May Sông Hồng, Cty CP May Nam Hà…, giải pháp được nhiều doanh nghiệp áp dụng là không ngừng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến, đạt tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời phát huy tối đa tiềm năng, kinh nghiệm, sáng kiến của người lao động qua thực tế sản xuất để thu hút, quản lý và sử dụng ổn định hiệu quả nguồn lao động. Công tác nâng cao tay nghề cho người lao động cũng được chú trọng thực hiện bằng cách liên kết với các cơ sở trong và ngoài tỉnh tổ chức định kỳ các lớp dạy nghề ngắn và trung hạn cho lao động mới tuyển dụng, bổ túc kiến thức, kỹ thuật sản xuất mới cho người lao động. Bên cạnh đó, để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, cùng với việc thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách lương, bảo hiểm theo quy định của pháp luật, nhiều doanh nghiệp còn trích lợi nhuận thực hiện cơ chế khuyến khích hợp lý cho người lao động như: tặng quà nhân dịp sinh nhật; trợ cấp nuôi con thơ; thưởng chuyên cần; thưởng năng suất lao động, thưởng Tết (tháng lương thứ 13, 14). Nhờ được hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề chuyên sâu cùng việc áp dụng cơ chế khen thưởng hợp lý giúp mức thu nhập bình quân của người lao động ngành dệt may được cải thiện đáng kể, thậm chí nhiều lao động ở các Cty: CP May Nam Hà, May Sông Hồng còn đạt thu nhập cao với mức lương bình quân từ 5,5-6 triệu đồng/người/tháng, giúp người lao động ổn định cuộc sống, sinh hoạt yên tâm gắn bó, thúc đẩy sản xuất tại doanh nghiệp. Bên cạnh các biện pháp “dài hơi” trên, một số doanh nghiệp ngành dệt may đã thực hiện hiệu quả các biện pháp đặc thù để ổn định nguồn lao động. Từ năm 2011, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đã chỉ đạo các đơn vị thành viên duy trì liên tục phong trào thi đua năng suất, chất lượng, hằng năm thưởng cho các công nhân trực tiếp sản xuất một chuyến du lịch nước ngoài, toàn bộ kinh phí do doanh nghiệp chi trả. Năm 2014, 30 công nhân có thành tích xuất sắc của Tổng Cty và các đơn vị trực thuộc đã được thưởng một chuyến tham quan du lịch tại Thái Lan. Để người lao động thực sự yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, từ năm 2011, Cty CP May Nam Hà đã thực hiện chính sách cho người lao động mua cổ phần ưu đãi với hình thức thanh toán linh hoạt (khấu trừ vào lương hằng tháng, trả bằng cổ tức cuối năm…). Với mức trả cổ tức hằng năm từ 25-40%, sau 3 năm thực hiện chính sách mua cổ phần ưu đãi, toàn bộ công nhân của Cty đã thanh toán hết và yên tâm hưởng cổ tức hằng năm. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ngoài mức lương bình quân trên 6,1 triệu đồng/người/tháng, người lao động còn được Cty trích lợi nhuận thưởng tháng lương thứ 13 (là bình quân mức lương các tháng trong năm), tháng lương thứ 14 (là cổ tức với mức gần 40%) và tháng lương thứ 15 (là tiền thưởng vượt năng suất, chất lượng). Để bảo đảm ổn định nguồn lao động phục vụ sản xuất, Cty CP May Sông Hồng đã thực hiện chính sách hỗ trợ thêm ngoài lương chính với mức hỗ trợ lên tới 600 nghìn đồng/tháng trong 10 tháng đầu đối với các công nhân mới vào làm nhưng có nguyện vọng gắn bó lâu dài với Cty. Sau 10 tháng, hầu hết công nhân mới đã thích nghi được với nhịp độ sản xuất của Cty, tay nghề và kinh nghiệm lao động được nâng lên, năng suất lao động cũng tăng theo nên thường xuyên có thu nhập bằng hoặc cao hơn trước. Một giải pháp ổn định nguồn lao động hiệu quả cao đã được một số doanh nghiệp dệt may như: Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP Dệt may Sơn Nam, Cty CP May Sông Hồng, Cty CP Thúy Đạt… áp dụng và thành công là đầu tư xây dựng các nhà máy may tại khu vực nông thôn hoặc liên kết với các doanh nghiệp, hộ cá thể trong các làng nghề truyền thống để tận dụng ưu thế mặt bằng, nguồn lao động tại chỗ. Đến nay, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đã đầu tư xây dựng 10 nhà máy may tại các huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Nam Trực. Ngoài đội ngũ cán bộ khung quản lý (từ 1-3 người) của Tổng Cty, toàn bộ lao động đều được tuyển dụng tại chỗ, được dạy nghề 3 tháng sau đó bố trí vào làm việc. Để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người lao động, công nhân của Cty dù sản xuất ở thành phố hay các vùng nông thôn đều được tính đơn giá sản phẩm như nhau, được thưởng 15% mức lương khi được xếp loại A hằng tháng, đủ ngày công được thưởng 150 nghìn đồng. Đến nay, Cty CP May Sông Hồng với 4 khu vực sản xuất đã thu hút được đội ngũ trên 8.500 lao động. Không chỉ các doanh nghiệp lớn, có bề dày truyền thống và tiềm lực, nhiều doanh nghiệp dệt may “trẻ” ở các huyện cũng đã ý thức được tầm quan trọng của đội ngũ công nhân. Để người lao động yên tâm, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, các Cty như: TNHH May T&C (CCN Cổ Lễ, Trực Ninh), CP Đầu tư Hải Đường (xã Hải Đường, Hải Hậu)… không chỉ thực hiện tốt các quy định của pháp luật mà còn chủ động trích lợi nhuận thưởng tiền hoặc các hiện vật có giá trị (ti-vi, tủ lạnh…) cho các công nhân trực tiếp sản xuất có thành tích tốt trong tháng; hỗ trợ kinh phí đi lại, thuê nhà cho các công nhân ở xa, công nhân tỉnh ngoài…
Với việc chủ động nâng cao đời sống của công nhân trong các doanh nghiệp, người lao động đã thực sự yên tâm, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, góp phần giảm thiểu biến động về lao động trong ngành dệt may dịp đầu năm. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp ngành dệt may duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định ngay từ đầu năm cũng góp phần quan trọng để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng sản xuất CN-TTCN năm 2015./.
Bài và ảnh: Thành Trung